QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Trò chơi, trò diễn dân gian – nét đặc sắc tại lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2018

Đăng lúc: 15:53:35 19/04/2018 (GMT+7)

Trong tiếng vi vu của rừng phi lao ngút ngàn dọc ven biển Hải Tiến cùng tiếng sóng vỗ rì rào, những làn điệu dân ca, dân vũ, những trò diễn dân gian truyền thống ngân vang đã tạo nét riêng để du khách hòa mình với biển ở Hoằng Hóa.

 Về với xứ Thanh hẳn bạn sẽ không thể thôi hiếu kỳ về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Tổng Ngọc Hoằng Hóa. Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, giàu tiềm năng về du lịch, Hoằng Hóa còn là mảnh đất văn vật với nhiều giá trị văn hóa lịch sử được bảo lưu và gìn giữ qua bao thế hệ. Các lễ hội truyền thống mà nổi lên là trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc đã trở thành điểm nhấn khi du khách tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người nơi đây.
 
a1.JPG
Hát bắc mái hò khoan trong chèo chải Hoằng Qùy
 
Trò chơi, trò diễn dân gian trên địa bàn huyện Hoằng Hóa cũng được chia làm nhiều loại: trò chơi nói lên ý nghĩa lao động sản xuất, trò chơi mang tinh thần thượng võ, trò chơi đề cao sự khéo léo trong công việc hàng ngày; Các trò diễn dân gian như: hát ca công, hát trống quân, hát tuống, hát chèo và các điệu múa. Theo sử sách ghi lại, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa còn lưu giữ hơn 60 loại hình nghệ thuật như các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ, đấu kiếm, đấu roi, đi quyền, đua thuyền, đánh gậy; các hội thi truyền thống, như: làm bánh, nấu cơm, làm câu đối... các giá trị đó được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, bằng miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác... Gắn với các di tích, làng xã là các sinh hoạt văn hóa truyền thống khá nổi tiếng của huyện cũng đang được quan tâm khôi phục và bảo tồn. Nhiều hoạt động đã được định hướng phục vụ phát triển du lịch.
a2.JPG
Hát chèo ở Phượng Mao-Hoằng Phượng
 
Tại các xã Hoằng Phượng, Hoằng Đạo, Hoằng Thái, thị trấn Bút Sơn vẫn còn duy trì được các đội hát chèo truyền thống. Gần đây, đội chèo Bút Sơn đã đạt giải nhất trong cuộc thi hát chèo toàn quốc; Đội trống hội cung đình làng Phú Khê, xã Hoằng Phú đã và đang có nhiều chuyến biểu diễn ở khắp các địa phương; nhân dân xã Hoằng Qùy vẫn còn lưu giữ được điệu múa Tú Huần cổ độc đáo; Nhân dân xã Hoằng Thắng có điệu múa Sanh Ngô, giáo dục lòng yêu nước cho hậu thế; Những người mẹ, người chị quanh năm chân lấm tay bùn với ruộng đồng xã Hoằng Trạch lại khẳng định họ không hề “khô khan” với điệu múa đội đèn – hát trống quân đặc sắc; Trò nấu cơm thi chạy thẻ tại xã Hoằng Trung, cơm thi, cá giải ở Quỳ Chử Hoằng Quỳ, múa chèo chải ở Ích Hạ Hoằng Qùy vẫn còn lưu truyền và luôn tạo không khí náo nhiệt trong các lễ hội….
a4.JPG
Múa sanh ngô tại Hoằng Thắng
 
Và đến với du lịch biển Hải Tiến – Hoằng Hóa năm 2018, du khách sẽ được hòa mình trong các trò chơi, trò diễn dân gian được tổ chức trong 2 ngày 29/3 và ngày 30/4 – ngay sau lễ khai mạc du lịch biển Hải Tiến năm 2018. Đó là các trò chơi, trò diễn: trống hội Phú Khê xã Hoằng Phú, múa sanh ngô Hoằng Thắng, múa chèo chải xã Hoằng Qùy, múa đội đèn - hát trống quân Hoằng Trạch, nấu cơm thi Hoằng Trung, hát chèo Hoằng Phượng, thị trấn Bút Sơn, Hoằng Thái. Như vậy, năm 2018, sẽ có thêm trò diễn múa chèo chải – là nét văn hóa dân gian được lưu giữ ở nhiều làng văn hóa xã Hoằng Qùy, trong đó, nhiều nhất ở làng Phúc Tiên. Đây không chỉ là dịp để quảng bá nét văn hoá truyền thống của quê hương mà còn góp phần thúc đẩy du lịch văn hoá trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo.
Ông Lê Minh Thiết - chủ nhiệm CLB trống hội cung đình Phú Khê xã Hoằng Phú cho biết: Vinh dự là đội trống tham gia lễ hội du lịch biển Hải Tiến hè 2018 của huyện, hiện tại, CLB đang khẩn trương luyện tập thật nhuần nhuyễn các bài trống sẽ thực hiện trong lễ hội du lịch biển. Theo đó, tham gia lễ hội du lịch biển Hải Tiến hè năm 2018 này, đội trống hội cung đình Phú Khê có 35 thành viên trong dàn trống, thực hiện các bài trống hội.
Được biết, trống hội Phú Khê dùng trong nghi lễ đình làng, bao gồm 11 bài như bài trống rước, trống đón, trống múa dùi, trống bái, trống tái nghiêm..., mỗi bài có một cách đánh và mang ý nghĩa khác nhau nên đòi hỏi người đánh trống phải có niềm đam mê thì mới có thể học được. Một buổi biểu diễn trống hội ở đình làng thường có 25 người tham gia, còn ở những lễ hội lớn, không gian biểu diễn rộng thì số người biểu diễn lên tới 40 người với trang phục truyền thống là nam mặc quần áo nghi lễ màu đỏ, nữ mặc áo tứ thân, đầu đội khăn xếp. Trống hội cung đình Phú Khê sử dụng phong phú các loại trống như trống bong, trống bản, trống cái... Trong quá trình biểu diễn, các nghệ nhân không chỉ đánh trống mà còn kết hợp nhiều động tác đẹp mắt như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống khiến trống hội Phú Khê không chỉ có âm sắc mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn, thu hút người xem.
 
Nửa ngìn mừng gặp hội hà thanh
Bốn bể đua vui, nức tiếng sênh
Tiệc mở chèo thờ, thuyền sắp mái
Chềnh chơng khoan sướng khúc thanh bình

a3.JPG

Múa đội đèn ở Hoằng Trạch
 
Nghe tiếng hát chèo của anh chị em trong CLB chèo chải làng Ích Hạ xã Hoằng Qùy đang tập luyện chuẩn bị cho lễ hội du lịch biển Hải Tiến Hoằng Hóa lại như được nghe câu chuyện về thánh tến Lê Phụng Hiểu – vị thánh được thờ ở đình làng nơi đây. Cũng là chèo thuyền nhưng chèo thuyền trên cạn là một trong những nét văn hoá độc đáo đang được lưu giữ và phát huy ở 3 làng văn hoá Trọng Hậu, Ích Hạ, Phúc Tiên xã Hoằng Qùy – trò diễn chèo chải. Trò chuyện với bác Vũ Ngọc Cương – Chủ nhiệm CLB chèo chải làng Phúc Tiên xã Hoằng Qùy được biết: trò diễn chèo chải (hay còn gọi là chèo cạn) ở Phúc Tiên không biết có tự bao giờ nhưng nó gắn liền với tục thờ Thánh Tến (tức đức thánh Cả Lê Phụng Hiểu) - là một trò diễn tiêu biểu và độc đáo. Một trò diễn được cách điệu từ hoạt động lao động chân tay của nam giới (chèo thuyền) thành một tiết mục nghệ thuật trang nghiêm, hấp dẫn của nữ giới (múa chèo chải). Ngày hội ở Phúc Tiên thì đây là một trò diễn không thể thiếu vì không chỉ diễn cho dân làng xem mà còn phục vụ việc tế thần. Trong ngày hội, 12 nữ nhạc trong Đội nữ nhạc của làng sau lễ tế sẽ hát bài chèo chúc mừng, mừng dân làng có cuộc sống thanh bình, no đủ. Hát xong, đội nữ nhạc bước lên thuyền hoa, một tay cầm chèo, một tay cầm quạt rồi lần lượt hát múa các bài hát chèo đã đựơc luyện tập. Thiên trường ca chèo chải gồm 271 câu, 1747 chữ được sắp xếp trình tựy, logíc, gồm các bài giáo đầu, thánh ca (rời Nam, bán Thiên), hát chúc, hát mái đồng đăng, hát chèo đò, hát cậy thuyền, hát múa trong thuyền rồng được biểu diễn trang trọng.
Trong tiếng vi vu của rừng phi lao ngút ngàn dọc ven biển Hải Tiến cùng tiếng sóng vỗ rì rào, những làn điệu dân ca, dân vũ, những trò diễn dân gian truyền thống ngân vang đã tạo nét riêng để du khách hòa mình với biển ở Hoằng Hóa.
 
Thanh Qúy – Đài TT Hoằng Hóa
Truy cập
Hôm nay:
104
Hôm qua:
15097
Tuần này:
54243
Tháng này:
153989
Tất cả:
11646551