QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Làng nghề mộc Hạ Vũ- Hoằng Đạt

Đăng lúc: 07:00:00 07/10/2020 (GMT+7)

Nghề mộc ở Hoằng Đạt-Hoằng Hóa đã có từ lâu đời, chủ yếu tập trung ở Làng Hạ Vũ. Những bậc cao niên trong làng cũng không biết chính xác làng nghề này hình thành từ bao giờ. Chỉ biết nam giới trong làng Hạ Vũ lớn lên đã học chạm, đục, đẽo, phụ nữ học đánh bóng, phun sơn... Người dân làng Hạ Vũ cứ từ đời này qua đời khác, “cha truyền con nối”, lưu giữ và phát triển nghề mộc cho đến tận ngày nay, để nơi đây, quanh năm rộn rã tiếng đục, tiếng chàng...

 Về làng Hạ vũ những ngày cuối tháng 7, mưa dầm dề, nhưng vẫn vang vọng âm thanh lách cách của tiếng đục, trạm, tiếng khoan, bào của các tay thợ gấp rút sớm hoàn thiện các sản phẩm đúng hẹn khách đặt hàng. Toàn xã hiện nay có gần 200 hộ tham gia làm nghề mộc, trong đó có nhiều hộ sản xuất lớn có số vốn từ 500 triệu trở lên, đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. các sản phẩm ở đây rất đa dạng phong phú như: Sập, bàn ghế, giường, tủ, cửa, tay cầu thang, đồ mỹ nghệ, đồ thờ, đồ trang trí, câu đối. Những năm về trước, nghề mộc ở xã chỉ mang tính tự phát và các sản phẩm làm ra khá đơn điệu, sản xuất chủ yếu chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và giá trị sản phẩm không cao, nghề mộc khi đó chưa được coi là nghề chính của người dân địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây kể từ khi được công nhận làng nghề, các hộ sản xuất đồ mộc trong xã đã chủ động tìm hiểu nắm bắt nhu cầu sản phẩm mộc trên thị trường ngày càng phát triển cộng với sự nỗ lực, tìm tòi học hỏi kinh nghiêm, mẫu mã sản phẩm nên các mặt hàng đồ gỗ của xã đã dần có sự cải tiến, hình thức mẫu mã ngày càng đa dạng theo hướng tích cực đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Sản phẩm của làng nghề giờ đây ngày càng đẹp và tinh xảo hơn, không chỉ đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, bền chắc về chất liệu mà giá cả cũng rất hợp lý. Các sản phẩm mộc từ mộc dân dụng như: bàn, ghế, giường, tủ đến các sản phẩm mộc mỹ nghệ tinh sảo như: tủ thờ, án gian, cuốn thư, hoành phi, câu đối đều đảm bảo về chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Trải qua nhiều thăng trầm, những người thợ của làng nghề đã và đang góp phần gìn giữ giá trị văn hóa từ ngàn đời cha ông để lại, bằng bàn tay tài hoa của mình, họ đã và đang cống hiến cho đời những sản phẩm mộc mang đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, được đông đảo khách hàng đánh giá cao.
9.3.JPG
 
Sinh ra từ cái nôi của làng nghề, ông Nguyễn Duy Hòa, chủ cơ sở đồ gỗ Hòa Hoan là một trong những người có công duy trì nghề mộc truyền thống ở làng Hạ Vũ. Với tình yêu và quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống, từ thuở đôi mươi, ông Hòa đã mở một cơ sở sản xuất đồ mộc nhỏ. Sau hơn 20 năm thành lập, đến nay ông đã có một cơ sở sản xuất, chế tác rộng gần 600m2, doanh thu 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng và gần 10 lao động thời vụ thu nhập 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo chia sẻ của ông Hòa, nghề mộc đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo, bay bổng trong từng nét chạm trổ. Để tạo ra một sản phẩm mộc đẹp, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn nhưng quan trọng nhất là khâu tạo hình... Vì cơ chế thị trường luôn đòi hỏi yêu cầu phải cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm, đã có thời điểm nghề mộc truyền thống ở làng Hạ Vũ bị ngừng trệ, các hộ làm nghề mang tính “cầm chừng”. Do đó, những người thợ truyền thống đã phải học hỏi, tìm tòi nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường để từ đó có những cách thức mới trong phát triển nghề truyền thống. Việc sử dụng máy đục, máy điêu khắc vào sản xuất đồ mộc để làm ra mẫu mã phong phú, đổi mới, giá thành cạnh tranh hơn chính là giải pháp mà đa phần các hộ làm nghề ở địa phương lựa chọn để làm “mới” nghề. Nhiều công đoạn sản xuất, như: Xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn... trước đây làm bằng tay thì đến nay đã được thay thế bằng máy móc.
Xác định được vai trò của nghề mộc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND xã Hoằng Đạt đã có nhiều chính sách để gìn giữ và phát triển nghề mộc làng Hạ Vũ một cách bền vững, như: Quy hoạch diện tích 0,6 ha cho khu làng nghề, tạo điều kiện để các hộ được vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, hằng năm tổ chức cho những người thợ lành nghề và lớp thợ trẻ được đi tham quan, học hỏi từ các mô hình làng nghề truyền thống khác để nâng cao tay nghề... Từ những chính sách hỗ trợ của các cấp, ngành, nhất là việc được UBND tỉnh công nhận làng nghề với các sản phẩm chính là sản xuất đồ mộc, đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống, đã tạo điều kiện cho những người con của làng chuyên tâm hơn trong việc gìn giữ và phát triển nghề.
Giờ đây, làng nghề mộc Hạ Vũ được đánh giá là nơi lưu giữ và bảo tồn những tinh hoa của nghề mộc truyền thống, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn những sản phẩm từ thông dụng đến những mặt hàng đòi hỏi sự tinh tế, chạm trổ khéo léo. Việc gìn giữ và phát triển nghề mộc đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong xã, tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm. 6 tháng đầu năm 2018, giá trị công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ước đạt 40,9 tỷ đồng, chiếm 39% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Song, để làng nghề mộc phát triển mạnh mẽ hơn không chỉ về mặt kinh tế mà còn là nét văn hóa của làng nghề, trong tương lai gần, làng nghề mộc cần thực hiện liên kết các hộ sản xuất, tự động hóa trong các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm thị trường cũng như quảng bá sản phẩm rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau…bên cạnh đó cũng cần chú ý tới việc đào tạo nghề và truyền nghề cho lớp trẻ cũng như công tác bảo vệ môi trường tại khu vực làng nghề./.
Lê Hoa: Hoằng Đạt
Truy cập
Hôm nay:
404
Hôm qua:
9867
Tuần này:
42575
Tháng này:
209775
Tất cả:
11702337