QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hội nghị trực tuyến công tác dân vận trong hoạt động hoạt động hòa giải ở cơ sở

Đăng lúc: 16:07:28 13/07/2020 (GMT+7)

Sáng ngày 13/7/2020, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng TAND tối cao, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến công tác dân vận trong hoạt động hòa giải. Đồng chí Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban dân vận TW chủ trì hội nghị.

 IMG_20200713_155606.jpg
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu huyện Hoằng Hóa
IMG_20200713_155602.jpg

 
Tại điểm cầu huyện Hoằng Hóa, đồng chí Đoàn Thị Hải - Phó Bí thư thường trực huyện ủy chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Ban tuyên giáo; Văn phòng huyện ủy; lãnh đạo, chuyên viên Ban dân vận huyện ủy; lãnh đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện; đại diện lãnh đạo phòng Tư pháp, phòng Văn hóa – thông tin, văn phòng UBND huyện; đại diện lãnh đạo tòa án nhân dân huyện; hội Luật gia huyện; cán bộ tư pháp và đại diện hòa giải viên các đơn vị: thị trấn Bút Sơn, Hoằng Đức, Hoằng Đồng, Hoằng Thắng, Hoằng Đạo, Hoằng Đạt và Hoằng Thịnh.

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trong tổ chức hội nghị, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của công tác hòa giải. Đồng chí nhấn mạnh, đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thông qua công tác hòa giải cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời; không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan Nhà nước, khiếu kiện vượt cấp. Đồng thời, hoạt động hòa giải cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thông qua hòa giải cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, từ đó hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, cũng cố khối đoàn kết toàn dân tộc...

Tại hội nghị, báo cáo về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở được đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu rõ: Qua 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đến ngày 31/12/2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 600.462 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải trung bình có 5-7 hòa giải viên. Đáng nói, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở được nâng lên thông qua việc cung cấp tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn và tổ chức thi hòa giải viên giỏi. Trong 6 năm (từ 2014 đến 2019) tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,9%); hòa giải không thành 167.367 vụ, việc. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên pham vi cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 120.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại các cơ quan Nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách Nhà nước.

Tại hội nghị, Ban Thường trực Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có báo cáo chuyên đề “Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở”; Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao báo cáo chuyên đề “Dân vận trong công tác hòa giải tại tòa án”.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tại điểm cầu TW và điểm cầu các địa phương đã có nhiều tham luận như: Mô hình tổ hòa giải 5 tốt; Kinh nghiệm dân vận hòa giải viên trong hoạt động hòa giải đối thoại tại tòa án; Vai trò nòng cốt của Mặt trận trong công tác hòa giải... bên cạnh đánh giá kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua, các đại biểu đã tập trung đóng góp phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Long- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, những kết quả mà hoạt động hòa giải đạt được trong thời gian qua không chỉ có ý nghĩa tích cực trong việc phát huy công tác này, mà quan trọng hơn, còn mang lại những hiệu quả thiết thực về chính trị, tư tưởng, phổ biến, giáo dục pháp luật... Như vậy, mục tiêu cao nhất và cuối cùng của công tác hòa giải là nhằm hóa giải các tranh chấp, giữ gìn, bảo vệ mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đây cũng chính là mục tiêu của công tác dân vận. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải cơ sở, coi đây là phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó coi hòa giải ở cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở. Đa dạng hóa các nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ, công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật.

IMG_20200713_155559.jpg

Đồng chí Đoàn Thị Hải - Phó Bí thư thường trực huyện ủy - phát biểu kết luận tại điểm cầu huyện Hoằng Hóa

Phát biểu kết luận tại điểm cầu huyện Hoằng Hóa, đồng chí Đoàn Thị Hải - Phó Bí thư thường trực huyện ủy đề nghị: ngay sau hội nghị với chức năng nhiệm vụ, các ban, phòng, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Thời gian tới cần mở các hội nghị chuyện đề, đồng thời triển khai rộng rãi việc thực hiện công tác dân vận đối với hòa giải từ cấp huyện đến cơ sở đảm bảo hiệu quả thiết thực./.

Thanh Hằng – Trung tâm VHTT TT&DL huyện

 

Truy cập
Hôm nay:
5549
Hôm qua:
8100
Tuần này:
36275
Tháng này:
217730
Tất cả:
11473575