QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020

Đăng lúc: 15:00:00 11/12/2020 (GMT+7)

Sáng ngày 11/12/2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương cả nước; đại diện một số tổ chức quốc tế.

Toàn cảnh hội nghị 2.jpg
 Tại điểm cầu huyện Hoằng Hóa, đồng chí Lê Xuân Thu – Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Văn Phúc - Thường vụ huyện ủy – Phó chủ tịch UBND huyện (phụ trách văn hóa – xã hội), thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện.
z2223235236559_064a109caad4814a0ad2c431542067f2.jpg

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1 - 1,5%/năm. Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần. Kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…). Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và nhà nước. Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu. Kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các tỉnh, thành phố hưởng ứng và triển khai thi đua quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương. Việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình giảm nghèo tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất khung Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi. Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi, đến năm 2025, giảm ít nhất 25% tỷ lệ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia, duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1-1,5%/ năm; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 3,5-4%/năm. Chương trình bao gồm 5 Dự án và 15 Tiểu Dự án, tập trung vào các nhiệm vụ: giảm nghèo; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; phát triển hệ thống Giáo dục nghề nghiệp và Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc làm bền vững.

Tại huyện Hoằng Hóa, trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, quyết định để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hằng năm UBND huyện ban hành Kế hoạch về thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn. Nhờ đó trong giai đoạn 2016 - 2020 tổng nguồn lực thực hiện chương trình giảm trên địa bàn huyện Hoằng Hóa là 38 tỷ 836 triệu đồng. Từ số kinh phí trên trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình dự án như: Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; chương trình 30a, bao gồm nội dung, nhiệm vụ của chương trình 30a đanh thực hiện và hỗ trợ tu bảo dưỡng công trình hạ tầng, phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xuất khẩu lao động; nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình.

Với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Từ tỷ lệ hộ nghèo là 10,67% (với 6.311 hộ) vào năm 2016 thì đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện giảm xuống chỉ còn 2,03% (còn 1.249 hộ).

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021-2025, huyện Hoằng Hóa tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác giảm nghèo. Triển khai nhiều giải pháp để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các xã khó khăn, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, nhằm hạn chế chênh lệch về thu nhập, mức sống, hộ giàu và hộ nghèo. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về nông, lâm, ngư nghiệp; được đào tạo nghề trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp để tự vươn lên thoát nghèo. Đồng thời tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp khó khăn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành trung ương, các địa phương người dân vươn lên thoát nghèo đã thảo luận làm rõ những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020; nêu lên những khó khăn, vướng mắc đồng thời đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, giai đoạn 2016 – 2020, công tác giảm nghèo cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Biểu dương những chương trình, dự án giảm nghèo được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao nhiều địa phương và cá nhân đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tự lực tự cường, thể hiện tinh thần vượt khó của dân tộc Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai. Khẳng định công tác giảm nghèo thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng cần chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa nhằm hướng tới mục tiêu từng bước xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho người dân cả nước, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục dạy nghề, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn lực để họ tự lực vươn lên; tất cả các địa phương tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, coi giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt cần thực hiện. Bên cạnh đó cần có hình thức khích lệ, tuyên dương kịp thời những tấm gương điển hình trong công tác giảm nghèo, nhất là những cá nhân có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo; mỗi xã phường, thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện địa phương; phát động phong trào thi đua một cách sáng tạo, bền vững hơn; huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội chung tay vì người nghèo "không để ai bị bỏ lại phía sau"./.

Thanh Hằng – Trung tâm VHTT TT và DL huyện 

Truy cập
Hôm nay:
244
Hôm qua:
15097
Tuần này:
54383
Tháng này:
154129
Tất cả:
11646691