QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hiệu quả kinh tế từ những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Đăng lúc: 11:19:54 11/12/2020 (GMT+7)

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng tập trung nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa bền vững.

 Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong những năm qua, Huyện uỷ, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, BTV Huyện uỷ đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/HU ngày 19/9/2016 “về đổi điền dồn thửa lần 3 và tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Đến nay, bình quân mỗi hộ nông dân canh tác trên 1,8 thửa ruộng. Đã có 206 mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với tổng diện tích 810,6 ha, trong đó, có 50 chủ trang trại thuê đất với nhà nước 50 năm để thực hiện dự án trồng cây ăn quả, trồng hoa, nuôi trồng thuỷ sản, trang trại tổng hợp với diện tích 403,6ha; Có 3 doanh nghiệp và 5 HTX tham gia tích tự tập trung đất đai để sản xuất. Toàn huyện đã chuyển đổi 405 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác.

Các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất đã đầu tư đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: mô hình sản xuất giống lúa lai F1 tại xã Hoằng Quỳ, Hoằng Sơn, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5 đến 5 lần so với sản xuất lúa thông thường; mô hình trồng chuối tây Thái Lan tại xã Hoằng Thắng, Hoằng Thịnh cho thu nhập 280 triệu đồng/ha; Mô hình trồng rau củ quả trong nhà màng, nhà lưới áp dụng công nghệ cao ở các xã Hoằng Hợp, Hoằng Đạt, Hoằng Đạo, Hoằng Thắng cho thu nhập 400 đến 500 triệu đồng/ha/vụ; Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong nhà mái che theo hướng công nghệ cao tại các xã Hoằng Yến, Hoằng Hà, Hoằng Châu, Hoằng Lưu, Hoằng Phụ, Hoằng Châu…cho năng suất từ 20 đến 30 tấn/ha/vụ, cho thu nhập từ 2 đến 3 tỷ đồng/ha/vụ; Vùng sản xuất rau quả sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã Hoằng Giang, Hoằng Hợp, Hoằng Trinh, Hoằng Lưu, Hoằng Thắng, Hoằng Đạo… với tổng diện tích 61ha.

2. Vùng sản xuất lúa giống của HTX Quỳ Chử xã Hoằng Quỳ.jpg
Vùng sản xuất lúa giống của HTX Quỳ Chử xã Hoằng Quỳ
 

Là xã có diện tích đất trồng lúa lớn với 575,7 ha, hàng năm, Đảng ủy, chính quyền và các HTX DVNN trên địa bàn xã Hoằng Quỳ đã luôn trăn trở và tự tìm lời giải cho việc sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị bền vững nhằm mang lại lợi nhuận cao cho người dân, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy sản xuất phát triển. Theo đó, từ năm 2009, địa phương đã tuyên truyền, vận động để có thể tập trung ruộng của các hộ không có đủ điều kiện làm NN về một vùng liền thửa 50 ha, tạo điều kiện thuận tiện cho HTX thuê lại sản xuất. HTX Quỳ Chử có trách nhiệm đứng ra thuê đất, làm dịch vụ, tìm nguồn liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và tổ chức chỉ đạo sản xuất...HTX đã đứng ra tổ chức sản xuất giống lúa lai F1 theo chuỗi liên kết với các công ty lúa giống khu vực phía Bắc. Năng suất bình quân giống lúa lai F1 đạt từ 2,5-3 tấn/ha, giá thu mua dao động từ 25-28.000 đồng/kg. Riêng vụ mùa năm 2020, HTX liên kết với Trung tâm Giống NN Lào Cai để sản xuất lúa lai F1, tổ hợp giống NC270 với diện tích 30 ha, giá trị bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng là 29.000 đồng/kg; 20 ha còn lại sản xuất lúa thường. Cùng với 50ha sản xuất giống lúa lai F1 của HTX Quỳ Chử, tại Hoằng Quỳ vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao RVT, Đài thơm 8 còn được thực hiện tại HTX Đông Khê, HTX Quỳ Chử. Diện tích sản xuất lúa giống toàn xã năm 2020 được duy trì với 140ha.

3. Sản xuất rau trong nhà lưới tại xã Hoằng Hợp.jpg
 Sản xuất rau trong nhà lưới tại xã Hoằng Hợp
 

Từ những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được mở rộng, cơ giới hoá trong khâu làm đất đạt trên 98%, cấy lúa và gieo sạ bằng máy đạt 25%, thu hoạch lúa bằng máy đạt 97% diện tích, góp phần giải phóng sức lao động của nông dân, chủ động về thời vụ và giảm chi phí sản xuất.

4. Vùng sản xuất cà rốt xuất khẩu tại các xã Hoằng Đạo, Hoằng Thành và Hoằng Lưu.jpg
Vùng sản xuất cà rốt xuất khẩu tại các xã Hoằng Đạo, Hoằng Thành và Hoằng Lưu
 

Những mô hình tích tụ ruộng đất quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất bước đầu đã có được những thành quả trong xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân thời kỳ 2015 – 2020 của Hoằng Hoá lên 2.451 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành nông nghiệp đạt 3,11%.

Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng sản xuất tập trung có quy mô lớn, mỗi địa phương cần tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để gia tăng thu nhập trên đơn vị canh tác; tăng cường thu hút doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu hàng hóa; thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là những giải pháp trọng tâm để bảo đảm cho nông dân yên tâm sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững và hiện đại.

Thanh Quý – Trung tâm VHTT – TT&DL

 

 

Truy cập
Hôm nay:
834
Hôm qua:
8100
Tuần này:
31560
Tháng này:
213015
Tất cả:
11468860