QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Nghe xẩm xứ Thanh giữa đất chèo Hoằng Phượng

Đăng lúc: 10:33:12 29/02/2020 (GMT+7)

Những hạt mưa xuân lất phất bay, chân rảo bước trên những con đường nông thôn mới, đưa chúng tôi về với đất chèo Hoằng Phượng. Lẫn trong những bài hát chèo đặc trưng của vùng đất này, nghe réo rắt bên tai gánh xẩm đâu đó đang âm vang giữa đất trời mùa xuân.

 Tiếng đàn nhị da diết đã đưa chúng tôi đến với nhóm xẩm Hương Đồng Nội Xứ Thanh, đang sinh hoạt tại nhà đào nương Thiên Hương (Nguyễn Thị Hương) làng Vĩnh Gia xã Hoằng Phượng. Vẫn bộ áo tứ thân, váy lụa đen, chít khăn mỏ quạ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hương cất lên chất giọng rền vang nhưng nghèn nghẹn rồi da diết, nỉ non, trầm bổng của những bài hát xẩm ông cha truyền lại.
 
1. Nghệ Nguyễn Thị Hương.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương
 
Sinh năm 1975 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Thị Hương sớm đã tham gia nhiều phong trào văn hóa, nghệ thuật của thôn, của làng, rồi của huyện và tỉnh. Chị đã sớm trở thành hạt nhân của phong trào nghệ thuật quần chúng xã Hoằng Phượng. Với đam mệ nghệ thuật, mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại, ngoài nắm giữ nghệ thuật dân gian hát chèo vốn là truyền thống của quê hương, nghệ nhân Thiên Hương đã không ngừng tìm kiếm, học hỏi nhiều loại hình nghệ thuật khác và nhanh chóng hiểu, thực hiện được nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống như: hát chầu văn, ca trù. Năm 2019, chị được Chủ tịch nước tặng danh hiệu: nghệ nhân ưu tú lĩnh vực văn hóa phi vật thể với nghệ thuật trình diễn dân gian đang nắm giữ: ca trù.
 
2. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương tại lễ trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương tại lễ trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
 
Khi tôi hỏi: sao chị không tiếp tục với ca trù, chèo hay chầu văn mà lại muốn quay sang hát xẩm. Chị cho hay: Ngoài cụ Hà Thị Cầu – nghệ nhân xẩm nổi tiếng của Việt Nam thì ở Thanh Hóa có cụ Tô Quốc Phương – là người con của Phượng Mao Hoằng Phượng đang nắm giữ được cái tứ của xẩm. Nhưng nay cụ Phương đã yếu nhiều và nhận thấy hát xẩm đang dần bị lãng quên, nghệ nhân Thiên Hương đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn, đến trực tiếp nhà cụ Tô Quốc Phương để cụ truyền dạy với mong muốn bảo vệ, khôi phục một nét văn hóa truyền thống của xứ Thanh. Cũng xuất phát từ mong muốn này, chị đã tập hợp những nghệ nhân yêu xẩm của Thanh Hóa và thành lập nhóm xẩm Hương Đồng Nội xứ Thanh.
Ban đầu là tìm hiểu nhưng khi chị nghe đi nghe lại xẩm, dần dà, rồi chị yêu xẩm lúc nào chẳng hay. Chính tình yêu đó đã đưa đường chỉ lối chị tìm về quê hương của xẩm, đến với xẩm. Nghệ nhân Thiên Hương chia sẻ: "Hãy gọi hát xẩm là nghệ thuật để một lần nữa khẳng định bản chất của nó. Hát xẩm làm cho bản thân tôi cảm thấy nó rất thiệt thòi, thiệt thòi từ chính thân phận xẩm". Có lẽ vì thế, với Thiên Hương để gìn giữ tinh túy cha ông, chọn lựa là một phần, yêu thích là một phần nhưng quan trọng là bản thân chị thôi thúc chính mình muốn giữ hồn hát xẩm xứ Thanh.
Đã có một thời, xẩm là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Với bản chất nghệ thuật ngẫu hứng ứng diễn, hát xẩm có nội dung nghệ thuật rất phong phú và đa dạng. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời.
Chị Hương cho biết: xẩm có khoảng trên dưới 10 làn điệu, và hơn 400 lời xẩm đã được thu tập trong đó các làn điệu phổ biến là: Xẩm Thập Ân, Xẩm Huê Tình, Xẩm Hà Liễu, Xẩm Ba Bậc, Xẩm Trống Quân, Xẩm Hò Khoan, Xẩm Phồn Huê, Xẩm Chợ, Xẩm Sai, Xẩm Ngâm Vịnh, Xẩm Tàu Điện và Hát Ai. Xẩm bước ra từ cuộc sống, bởi thế nên nó vừa quê lại nhuốm chất thị thành. Quê là bởi phần lớn các gánh xẩm xưa đều xuất phát từ dân quê lên thành phố kiếm miếng ăn, mong đổi đời. Chả thế, giọng hát rất quê, điệu đàn, tiếng sáo, nhịp trống cũng mang hơi hướng ảnh hưởng, “phức hợp” của rất nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác. Âm sắc của xẩm nghe đậm chất dân gian, ngôn từ giản dị, gần gũi. Từ một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến nơi đông người qua lại như bến sông, hè đường, góc chợ… và là phương tiện cho không ít người khiếm thị mưu sinh, Xẩm đã lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch.
Tuy nhiên, việc phục dựng xẩm vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Nghệ nhân Thiên Hương mỉm cười: "Tất cả chúng tôi đều không sống bằng xẩm. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ từ bỏ xẩm, dù những người trụ cột phải tự bỏ tiền túi và hy sinh nhiều nhất. Chúng tôi duy trì xẩm nhờ tình yêu của người nghệ sĩ với hát xẩm và tình yêu nghệ sĩ dành cho nhau". "Tôi đang bồi dưỡng, đào tạo và cả thuyết phục nhiều bạn trẻ học xẩm, học âm nhạc dân gian. Học trò của tôi họ cũng rất yêu xẩm và giành nhiều giải trong các kỳ hội diễn”.
Sinh ra từ cuộc sống dân dã, thị thành và kẻ chợ, là loại hình nghệ thuật bước ra từ cuộc sống nhưng xẩm được xem là chất nhạc không dễ nghe trong đời sống hiện đại. Những người có thể hiểu được, cảm được và nhớ đến nó dường như đã quá vãng. Nhưng xẩm không mất, giữa sôi động và hiện đại, những làn điệu xẩm vẫn cố công len lỏi và tìm những con đường riêng để “âm vang”... Mùa xuân, trên đất chèo Hoằng Phượng vẫn đang có những nghệ nhân miệt mài với xẩm như nghệ nhân Thiên Hương để nghệ thuật diễn xướng độc đáo của cha ông vẫn được bảo tồn trong cuộc sống hôm nay.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT – TT&DL
Truy cập
Hôm nay:
711
Hôm qua:
8100
Tuần này:
31437
Tháng này:
212892
Tất cả:
11468737