QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Rộn ràng lễ hội Kỳ Phúc đầu xuân Đinh Dậu 2017 ở Hoằng Hóa

Đăng lúc: 15:46:43 02/03/2017 (GMT+7)

Trải qua bao thăng trầm, rêu phong của lịch sử, nhiều lễ hội đình làng ở Hoằng Hóa vẫn còn nguyên những giá trị văn hóa truyền thống của một thế giới tâm linh thiêng liêng nhưng rất đỗi gần gũi với tâm hồn người dân quê.

Khi cây lúa chiêm xuân đã bén màu xanh tốt, trong tiết trời se lạnh của mùa xuân, những nhành hoa tươi thắm báo hiệu một mùa lễ hội rộn ràng trên khắp địa bàn huyện. Mùa xuân, mùa bắt đầu của một năm mới – mùa của lễ hội và cũng là mùa của những giá trị văn hóa cổ truyền được tôn vinh. Chân rộn ràng bước trên mỗi nẻo đường quê, chúng tôi lại hòa mình vào lễ hội kỳ phúc đầu xuân Đinh Dậu 2017 trên địa bàn huyện Hoằng Hóa.

p1.JPG
Múa quạt trong lễ hội làng Phượng Mao xã Hoằng Phượng

Trải qua bao thăng trầm, rêu phong của lịch sử, nhiều lễ hội đình làng ở Hoằng Hóa vẫn còn nguyên những giá trị văn hóa truyền thống của một thế giới tâm linh thiêng liêng nhưng rất đỗi gần gũi với tâm hồn người dân quê. Hàng năm, sau tết cổ truyền của dân tộc, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa lại sôi nổi với nhiều lễ hội lớn nhỏ khác nhau, trong đó, có 24 lễ hội được tổ chức thường xuyên thu hút đông đảo nhân dân dự hội. Khai hội xuân Đinh Dậu 2017 ở Hoằng Hóa là lễ hội dân gian đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà xã Hoằng Minh vào ngày 26/2/2017 (tức ngày 1/2 năm Đinh Dậu). Sau lễ hội đền thần Đồng cổ sẽ là các lễ hội ở làng Cự Đà, Nội Tý xã Hoằng Minh; làng Vĩnh Gia, Phượng Mao xã Hoằng Phượng; làng My Du, Kim Sơn, Nghĩa Trang, Nghĩa Phú xã Hoằng Kim; làng Qũy Chử, Trọng Hậu, Ích Hạ, Phúc Tiên, Đông Khê xã Hoằng Qùy; làng Trinh Nga, Thanh Nga xã Hoằng Trinh; lễ hội Phú Khê ở Hoằng Phú, Hoằng Qúy; lễ hội đền thờ Tô Hiến Thành ở Hoằng Tiến; lễ hội cầu ngư biển Lạch Trường tại Hoằng Trường; lễ hội tín ngưỡng chùa Trào Âm xã Hoằng Lưu; lễ hội dân gian phủ vàng xã Hoằng Khánh và lễ hội đền thờ Triệu Việt Vương xã Hoằng Trung... Trong những nét đặc sắc của lễ hội đầu xuân trên địa bàn huyện có thể kể đến lễ hội cầu ngư biển Lạch Trường.

p2.JPG

Đua bè trong lễ hội cầu ngư xã Hoằng Trường


Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất và quan trọng của người dân ven biển, là dịp để ngư dân bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân và cầu mong một năm đi biển mưa thuận, gió hòa, đánh bắt thuận lợi, đời sống ấm no, hạnh phúc. Đến với lễ hội cầu ngư, bên cạnh phần lễ là lễ rước tế là phần hội với những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống khỏe khoắn. Trong đó có hội đua bè rất sôi nổi.
Lễ hội cầu ngư lưu giữ trong mình tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển. Lễ hội còn thể hiện ý thức "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề và thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân ven biển.

 

 

Có thể nói, trong rất nhiều lựa chọn vào dịp đầu xuân thì lễ hội truyền thống – hội làng vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt. Đến với các lễ hội đầu xuân trên địa bàn huyện, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị và độc đáo về phong tục tập quán, đời sống tâm linh, lối sống, trang phục, văn nghệ và các trò chơi dân gian. Trọn vẹn cho lễ hội đầu xuân là sự xốn xang, rộn ràng của các câu hát, lời ca, điệu múa truyền thống khiến cho ai ai cũng thấy phơi phới yêu đời. 

Trên những con đường nông thôn mới, chúng tôi về với đền thờ Triệu Việt Vương thuộc làng Trinh Hà xã Hoằng Trung. Khi cây lúa chiêm xuân đã trải một màu xanh mướt cũng là lúc người dân lương – giáo làng Trinh Hà hòa mình trong không khí lễ hội kỳ phúc đầu xuân tại đền thờ Đức Triệu Việt Vương – một di tích lịch sử quốc gia. Được Bộ VHTT và DL cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia ngày 26 tháng 9 năm 1997, đến nay, làng Trinh Hà vẫn thực hiện các ngày lễ tế Đức Triệu Việt Vương, đó là các lễ: tế xuân thủ vào ngày mùng 9 tháng giêng, lễ khai ấn vào ngày 25 tháng giêng, lễ kỵ thần vào ngày 13 tháng 8 âm lịch (ngày mất của vua Triệu Việt Vương), lễ sắp ấn vào ngày 25 tháng Chạp. Và, lớn nhất là lễ hội kỳ phúc hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 2 âm lịch. Những ngày này về Trinh Hà Hoằng Trung mới thấy không khí lễ hội như tràn ngập khắp nơi nơi. Trong mỗi ngõ xóm, mỗi ngôi nhà lòng người cũng phơi phới rủ nhau tới ngày hội làng. Ngay tại đình làng – một công trình văn hóa mới được nhân dân Trinh Hà đóng góp xây dựng năm 2013 cũng trở nên rộn ràng bởi cụ các cao niên trong làng đang tích cực chuẩn bị cho ngày hội làng, cho các trò chơi, trò diễn dân gian.

p3.JPG

Biểu diễn trống cung đình tại làng Phú Khê

Hòa mình trong lễ hội đầu xuân không chỉ đơn giản là để ước nguyện mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh, cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất; mùi hương trầm, mùi nến, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Một mùa lễ hội mới đã về trên khắp nẻo làng quê, mong rằng hội làng vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn của nó, giảm trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội. Bởi hội làng là tinh hoa văn hóa Việt Nam – nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Thanh Qúy – Đài TT Hoằng Hóa

Truy cập
Hôm nay:
185
Hôm qua:
16746
Tuần này:
32489
Tháng này:
199689
Tất cả:
11692251