QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Nghệ nhân ưu tú – người giữ lửa cho nghệ thuật dân gian truyền thống

Đăng lúc: 15:56:56 21/03/2017 (GMT+7)

Không ồn ào, náo nhiệt, không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nhưng khi đứng trên sân khấu vẫn cháy hết mình vì nghệ thuật - họ là những nghệ nhân dân gian, những con người một lòng với nghệ thuật truyền thống. Cũng bình dị như bông lúa, củ khoai của người dân ở vùng quê yên bình Hoằng Hóa nhưng tiếng trống tuồng, trống chèo, điệu hát lới lơ, lối hát xẩm, hát văn đã là hình ảnh quen thuộc trong tâm thức của các nghệ nhân.

Con đường bê tông phẳng lỳ đưa chúng tôi về với Câu lạc bộ tuồng và trống hội cung đình làng Phú Khê. Không biết có mặt ở Hoằng Phú tự bao giờ, nhưng từ xưa, tuồng cổ và trống hội đã được các nghệ nhân quần chúng nơi đây lưu diễn nhiều nơi. Trải qua thăng trầm thời gian, cho đến ngày hôm nay, tiếng trống hội làng Phú Khê vẫn vang lên đều đặn như thúc giục, như mời gọi về với hội làng nơi đây. Giữa tiếng trống hội làng thúc giục, mời gọi, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với người nghệ nhân tâm huyết với tuồng, với trống hội cung đình Lê Minh Thiết.

Tuổi ngoài thất thập, ông Lê Minh Thiết đã có gần 60 năm gắn bó với trống hội và tuồng cổ. Vì mê tiếng trống hội cung đình nên từ năm 14 tuổi, ông đã theo các nghệ nhân trong đội trống hội làng Phú Khê học đánh trống. Từ cậu bé 14 tuổi ham tiếng trống đến năm 18 tuổi ông đã thuần thục và tiếng trống hội đã trở nên quen thuộc trong đời sống hàng ngày của ông. Theo các cụ cao niên trong làng đi diễn không chỉ trong làng Phú Khê, lòng đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc càng thôi thúc ông thêm yêu, thêm say mê với trống hội, với tuồng cổ. Trải qua thăng trầm của thời gian, người mê trống hội ngày một hiếm, tiếng trống hội làng Phú Khê đứng trước ngay cơ thất truyền. Đứng trước thực tế tinh hoa của bộ môn nghệ thuật tuồng cũng như trống hội đang dần mai một trong cuộc sống, ông Thiết đã cùng những người yêu tuồng, mê tiếng trống hội làng Phú Khê tập hợp thành lập câu lạc bộ tuồng và trống hội cung đình Phú Khê từ năm 2002. 15 năm ra đời và hoạt động, CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê không chỉ biểu diễn trong kỳ hội làng mà còn tham gia lưu diễn ở rất nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh và trong nước - trở thành nơi lưu giữ môn nghệ thuật có lối diễn xướng độc đáo - tuồng cổ - nơi lưu giữ hồn trống hội. Bằng niềm đam mê với môn nghệ thuật này, ông Thiết đã gìn giữ và thổi hồn cho tuồng cổ và trống hội hồi sinh.

Tiếng “í a…” cũng làm nghiêng ngả mái đình làng, người nông dân như chị Nguyễn Thị Oanh – thôn Phượng Mao xã Hoằng Phượng đã đến với chèo trong tình yêu ấy ngay từ trong bụng mẹ, từ những điệu “lới lơ…” “í a…” trong tiếng ru hời của bà, của mẹ và cứ thế lớn dần theo năm tháng với tình yêu dành cho nghệ thuật dân gian “hát chèo” đã ngấm vào máu từ bao giờ không hay.

Bản thân chị Oanh cũng không biết chính xác những làn điệu chèo có ở Phượng Mao từ bao giờ nhưng mỗi khi tiếng trống chèo vang lên, chị lại say sưa cất tiếng hát. Giữa những bộn bề của cuộc sống thường nhật, chiếu chèo vẫn là nơi thu hút chị đến biểu diễn, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Với lòng nhiệt tình, tâm huyết của mình, chị Oanh không chỉ làm xúc động những người nghệ sĩ có tâm với nghề, không chỉ thu hút những người nông dân tảo tần, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, cây lúa, củ khoai, mà giờ đây, lòng nhiệt tình, tâm huyết ấy đã đến với thế hệ thanh thiếu niên. Không chỉ tham gia hát chèo, vào những vai diễn, chị Oanh còn truyền dạy những làn điệu chèo cổ, chèo mới cho thế hệ sau, tận tình chỉ dạy cách hát, cách luyến láy, ngắt nhịp từng câu, từng chữ cho các bạn trẻ trong làng, trong huyện. Tình yêu với loại hình nghệ thuật dân gian vì thế cứ lớn lên từng ngày. Chị bảo, đây mới chính là con đường khôi phục phát triển và nhân rộng những làn điệu chèo nhanh nhất. Với chị Oanh, nếu một ngày không được hát một làn điệu chèo, hay chưa được nghe hát chèo, thì đó chưa phải là một ngày trọn vẹn. Khuôn mặt dẫu đã ghi dấu thời gian, đôi bàn tay đã chai sần bởi công việc đồng áng, nhưng giọng hát của chị Oanh vẫn trong trẻo, thánh thót, nghệ thuật vẫn thăng hoa trong từng vở diễn, trong từng điệu chèo ngọt ngào, đằm thắm.

nn.JPG
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh tại đại hội Đại biểu Hội LHPN xã Hoằng Phượng nhiệm kỳ 2016-2021

Tóc hoa râm, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt còn tinh, nét cười còn tươi còn hóm, nhất là chất giọng còn rền, lão nghệ nhân chèo làng Phượng Mao Tô Quốc Phương chưa có vẻ gì là ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Say sưa nghe cụ hát xẩm "lời mẹ khuyên con" - bài hát lắng đọng, sâu sắc, bao hàm nhiều ý nghĩa trong chất giọng còn vang đầy xúc cảm.

Cụ Phương chưa đến 10 tuổi đã say mê lối hát, lối diễn của các bậc thầy, thế hệ đàn anh. Rồi cụ theo gánh hát của làng đi diễn ở nhiều nơi. Chả hiểu sao, cụ Phương khi ấy lại mê tiếng trống điệu chèo, những làn điệu hát xẩm đến vậy, rồi đàn nguyệt, đàn nhị, cây sáo cũng trở thành những nhạc cụ quen thuộc, gắn bó với cuộc đời cụ. Cụ không chỉ mê nhạc trong chiếu chèo, cụ còn yêu say đắm lối hát xẩm hát văn. Gìơ là nghệ nhân vào hàng cao tuổi nhất còn ở làng – cái tuổi ngoài 80, được nhân dân trong làng vị nể, khách đến chơi nghe cụ hát văn, hát xẩm để thấy cụ đắm mình vào khúc hát cũng nhiều. Tuổi cao nhưng cái chất chèo, lối hát văn, hát xẩm sâu lắng, ngọt ngào, luyến láy vẫn được cụ gìn giữ, chưa hề phai.

Đó là hình ảnh những nghệ nhân dân gian, những con người âm thầm giữ lửa văn hóa truyền thống. Với họ, mọi thứ đơn giản chỉ là thích, đam mê và tự nguyện.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 62 ngày 25/6/2014 về phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể được xem là việc làm thiết thực, tôn vinh các nghệ nhân trên hành trình văn hóa có thể nói là gần như đơn độc của họ về mặt chế độ chính sách. Lần xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất - năm 2015, cả nước có 617 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được công nhận “Nghệ nhân ưu tú” thì Thanh Hóa vinh dự có 18 nghệ nhân, trong đó, Hoằng Hóa có 3 nghệ nhân ưu tú là: nghệ nhân Tô Quốc Phương, nghệ nhân Lê Minh Thiết và nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh. Đó không chỉ là niềm xúc động, vui mừng vì những nỗ lực bền bỉ của mỗi nghệ nhân mà còn là niềm tự hào của quê hương Hoằng Hóa, như tiếp thêm sức mạnh để giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống.

Chia tay các nghệ nhân ưu tú huyện Hoằng Hóa, chúng tôi như hoà mình vào niềm vui qua ánh mắt và nụ cười rộng mở của họ. Và, dẫu khó khăn, những người nghệ nhân như cụ Tô Quốc Phương, ông Lê Minh Thiết, chị Nguyễn Thị Oanh vẫn đang hàng ngày đưa nghệ thuật dân gian truyền thống phục hồi và lan toả trong cuộc sống hôm nay.   

Thanh Quý- Đài TT Hoằng Hóa
Truy cập
Hôm nay:
4456
Hôm qua:
15097
Tuần này:
58595
Tháng này:
158341
Tất cả:
11650903