QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” ở Hoằng Hóa – sức bật nông thôn mới

Đăng lúc: 05:23:43 01/03/2020 (GMT+7)

Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ khi bắt tay thực hiện, nhưng sau hơn một năm, chương trình OCOP đã “vào guồng” tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng ở Hoằng Hóa.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (gọi tắt là chương trình OCOP) đã đang được huyện Hoằng Hóa tích cực triển khai và thực hiện. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra ít nhất tại mỗi xã một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực. Với các xã trên địa bàn huyện, chương trình này cũng đang được đặt nhiều kỳ vọng, sẽ thổi luồng gió mới góp phần đổi thay đời sống nhân dân, tạo sức bật cho mỗi vùng quê nông thôn mới.

Để thực hiện chương trình, huyện Hoằng Hóa đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm với chủ đề “phát triển sản phẩm chủ lực OCOP huyện Hoằng Hóa”. Trong đó, giai đoạn 2019 – 2020, huyện tập trung khởi động chương trình và xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm trong huyện. Năm 2019, huyện đã lựa chọn các sản phẩm để xây dựng lộ trình trở thành sản phẩm có thương hiệu như: nước mắm và sản phẩm thủy sản của các xã vùng biển, vùng đồng triều. Theo đó, các sản phẩm đầu tiên được huyện chỉ đạo xếp hạng sản phẩm đạt sản phẩm OCOP tại huyện là của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia xã Hoằng Phụ. Sau xếp hạng tại huyện với tiêu chuẩn 4 sao, các sản phẩm của Lê Gia đã tiếp tục bảo vệ sản phẩm và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại Hội đồng đánh giá – xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả bước đầu, huyện đã có 3 sản phẩm, gồm: Mắm tôm, mắm tép, nước mắm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia xã Hoằng Phụ được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ảnh - Những sản phẩm của Lê Gia.jpg
Ảnh - Những sản phẩm của Lê Gia

Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ khi bắt tay thực hiện, nhưng sau hơn một năm, chương trình OCOP đã “vào guồng” tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Chương trình OCOP giúp sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong chương trình OCOP, người dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường. Không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các xã trên địa bàn huyện giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Theo đó, giai đoạn 2019 – 2020, huyện tập trung khởi động chương trình và xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm trong huyện. Huyện xác định lựa chọn các sản phẩm để xây dựng lộ trình trở thành sản phẩm có thương hiệu như: nước mắm và sản phẩm thủy sản của các xã vùng biển, vùng đồng triều; bánh nhãn (Hoằng Phú, Hoằng Qúy), nem chua (Hoằng Qùy); mắm cáy (Hoằng Khê); sản phẩm mộc (Hoằng Đạt, Hoằng Lương, Hoằng Cát); mật ong (Hoằng Khánh); dừa nước (Hoằng Thành, Hoằng Trạch); Rượu (Hoằng Thắng, Hoằng Yến); thuốc lào (Hoằng Tân); mây tre đan (Hoằng Thịnh); rau ViệtGAP (Hoằng Hợp, Hoằng Giang, Hoằng Trinh); gạo (Hoằng Phú, Hoằng Qúy, Hoằng Minh, Hoằng Đạt); my mắt thời trang (Hoằng Trinh)… Bên cạnh đó, Hoằng Hóa sẽ khởi tạo ý tưởng cho ra các sản phẩm mới như: du lịch cộng đồng, nông nghiệp – du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, khôi phục sản phẩm truyền thống…phấn đấu xây dựng thương hiệu từ 5 đến 10 sản phẩm cấp huyện, từ 1 đến 2 sản phẩm cấp tỉnh.

Giai đoạn 2021 – 2025 tập trung xây dựng thương hiệu cho 15 sản phẩm, trong đó, có 5 sản phẩm cấp tỉnh, 2 sản phẩm cấp quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" nếu được triển khai tốt sẽ rất thiết thực, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thêm vào đó, chương trình sẽ thổi một luồng gió mới giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới từ nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trước mắt, sẽ chọn sản phẩm nổi bật để phát triển trước rồi dần dần nhân rộng, tiếp đó sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng, vận động các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" trên địa bàn huyện Hoằng Hóa.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT – TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
2801
Hôm qua:
16746
Tuần này:
35105
Tháng này:
202305
Tất cả:
11694867