QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Nhiều mô hình, sáng kiến mới trong cải cách hành chính

Đăng lúc: 06:00:00 12/11/2020 (GMT+7)

(Baothanhhoa.vn) - Giai đoạn 2011-2020, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh được thực hiện toàn diện, đồng bộ và quyết liệt. Trong đó, nhiều mô hình, sáng kiến mới được triển khai, áp dụng vào thực tiễn đã tạo nên những dấu ấn nổi bật, đưa vị trí xếp hạng của Thanh Hóa ngày càng được nâng cao.

5.jpg 
Công chức thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Ảnh: Thu vui

Chúng tôi đến trụ sở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) vào giờ làm việc buổi chiều. Trong công sở xã được xây dựng kiên cố, khang trang, bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được bố trí ngay tại tầng 1, thoáng mát, thuận tiện cho công dân đến làm việc. Phòng làm việc được bố trí gọn gàng, ngăn nắp, có ghế cho công dân ngồi chờ. Các văn bản hướng dẫn, mẫu giấy tờ khai, phí, lệ phí... được niêm yết công khai. Chị Nguyễn Thị Hiền, thị trấn Tân Phong cho biết: “Các thủ tục tại bộ phận “một cửa” được niêm yết công khai, minh bạch, người dân có điều kiện tra cứu, tìm hiểu kỹ. Những thủ tục đơn giản được cán bộ, công chức giải quyết nhanh, những thủ tục cần thời gian giải quyết được ghi phiếu hẹn cụ thể, những thủ tục không thuộc thẩm quyền được hướng dẫn chu đáo để người dân liên hệ đến cơ quan chức năng khác”.

Không phải ngẫu nhiên mà thị trấn Tân Phong thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân ở ngoài địa bàn phường đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Bà Nguyễn Thị Hoa, trưởng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả chia sẻ: “Người dân đến làm TTHC có trình độ không đồng đều nên chúng tôi phải vận dụng linh hoạt nhiều kỹ năng để xử lý công việc. Đơn cử như có trường hợp người dân không thể viết, chúng tôi phải khai hộ và hướng dẫn họ ký; với những công dân không đủ giấy tờ phải hướng dẫn cụ thể, chi tiết với thái độ niềm nở... Không chỉ thế, lãnh đạo địa phương cũng phân công lịch trực thường xuyên và dành nhiều thời gian ký duyệt hồ sơ cho tổ chức, cá nhân, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, quá hạn phải xin lỗi”.

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Quảng Xương không có đơn, thư khiếu nại, phản ánh của tổ chức, cá nhân về việc công khai kết quả giải quyết TTHC và chưa có trường hợp nào phải công khai xin lỗi. Đạt được kết quả này, UBND huyện Quảng Xương đã yêu cầu cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị phải nâng cao văn hóa giao tiếp khi giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm việc tự ý đặt ra các thành phần hồ sơ, giấy tờ không có trong quy định; có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực khi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức, công dân. Nếu trường hợp nào giải quyết hồ sơ, TTHC trễ hẹn mà không thực hiện thư xin lỗi và cam kết thời gian hoàn thành sẽ bị xử lý theo quy định. Các phòng chuyên môn cũng tăng cường phối hợp kiểm tra, đánh giá thái độ phục vụ của người thực thi công vụ tại các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị để chấn chỉnh các hành vi vi phạm.

Sau 3 năm thực hiện Quyết định 876/2017/QĐ-UBND ngày 27-3-2017 của UBND tỉnh về công khai kết quả giải quyết TTHC và công khai xin lỗi trong giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, không chỉ huyện Quảng Xương mà nhiều huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện một cách nghiêm túc, chất lượng. Quyết định 876 nhận được sự đánh giá cao của tổ chức, công dân bởi từ khi đi vào thực hiện đã giảm đáng kể số hồ sơ bị chậm trễ, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức với tổ chức, cá nhân được nâng lên. Nếu để xảy ra tình trạng giải quyết hồ sơ không đúng hẹn, cán bộ, công chức phải xin lỗi tổ chức, công dân bằng văn bản hoặc thư xin lỗi do người đứng đầu cơ quan, đơn vị ký, gửi tổ chức, công dân. Nếu hành vi vi phạm được phát hiện trước thời điểm trả kết quả giải quyết TTHC thì việc xin lỗi được thực hiện đồng thời tại thời điểm trả kết quả cho tổ chức, công dân.

Năm 2019, Thanh Hóa xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người sử dụng dịch vụ công đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Đạt được kết quả này là do các cấp, các ngành đã tích cực đổi mới công tác CCHC, trong đó đặc biệt quan tâm đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 7 năm qua (2014-2020), Sở Nội vụ đã phối hợp với các đơn vị tiến hành 7 cuộc khảo sát, thu được là 9.326 phiếu đối với 14 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã. Qua khảo sát ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân đối với thực trạng giải quyết TTHC, các đơn vị liên quan đã đề ra các giải pháp cải tiến việc cung ứng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với Sở Nội vụ, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai mô hình “Hòm thư góp ý” để lấy ý kiến đánh giá của tổ chức, công dân. Qua đó, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức cũng như chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC. Tại huyện Thạch Thành, để nâng cao chất lượng CCHC, ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thực hiện mô hình “Hòm thư góp ý” tại bộ phận “một cửa” để tổ chức, công dân đánh giá chất lượng, thái độ phục vụ. Anh Hà Hữu Bình, chuyên viên văn phòng phụ trách tiếp công dân thường xuyên và tiếp nhận giải quyết TTHC bộ phận “một cửa” huyện Thạch Thành chia sẻ: “Ngoài mô hình “Hòm thư góp ý”, hàng năm Phòng Nội vụ cũng phối hợp với các phòng liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá thái độ phục vụ của người thực thi công vụ tại các xã, thị trấn để chấn chỉnh các hành vi vi phạm nếu có; kiểm tra hồ sơ còn tồn đọng, đặc biệt là hồ sơ còn tồn đọng quá thời hạn để đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công chức xử lý kịp thời. Năm 2019, qua bỏ phiếu đánh giá về chất lượng và thái độ phục vụ khi giải quyết TTHC, hầu hết tổ chức, công dân đều hài lòng ở cả 2 nội dung là kết quả giải quyết TTHC và cách ứng xử, giao tiếp, tinh thần, trách nhiệm làm việc của cán bộ, công chức trên địa bàn huyện”.

Sáng kiến nổi bật nhất góp phần nâng cao vị trí xếp hạng của Thanh Hóa những năm gần đây là việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động. Với hệ thống trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn vững vàng, công tác theo dõi và giám sát chặt chẽ, trung tâm đã khẳng định bước đột phá quan trọng trong hiện đại hóa nền hành chính. Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, mỗi tổ chức, công dân đều cảm nhận rất rõ những đổi thay trong giải quyết TTHC. Dù rất đông tổ chức, cá nhân đến giao dịch mỗi ngày nhưng mọi việc đều được giải quyết trong vòng quay văn minh, trật tự. Ông Nguyễn Tuấn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho rằng: “Việc CCHC muốn đạt được hiệu quả thì trước hết cần phải “cải cách” yếu tố con người, nghĩa là phải đổi mới tư duy, phong cách làm việc, tinh thần thái độ phục vụ của chính đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, trung tâm luôn chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp”.

Thực hiện việc đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết TTHC chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử, 100% các ban, sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện xử lý văn bản, hồ sơ công việc và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, ký số cơ quan và ký số cá nhân trên văn bản phát hành. Từ 1-9-2020, 100% UBND cấp xã cũng thực hiện việc trao đổi, tạo lập dự thảo văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Ông Đỗ Kiên, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng giúp lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ văn thư, lưu trữ quản lý, điều hành công việc, trao đổi thông tin linh hoạt, xử lý công việc hàng ngày nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, góp phần đẩy mạnh công tác CCHC, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền số, xã hội số và nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh”.

Trong 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC Nhà nước, Thanh Hóa còn có nhiều mô hình, sáng kiến khác được triển khai áp dụng như “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết TTHC; quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và cấp phiếu lý lịch tư pháp; phân cấp, ủy quyền phê duyệt kết quả giải quyết TTHC thực hiện trên địa bàn tỉnh đối với 18 thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành; cắt giảm từ 30 - 50% thời gian giải quyết TTHC...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, Thanh Hóa đã có sự “bứt phá” mạnh mẽ khi vươn lên xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nằm trong nhóm khá của cả nước; xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (tăng 14 bậc so với năm 2018). Thứ hạng chỉ số PAPI của Thanh Hóa liên tục tăng điểm, tăng thứ hạng qua các năm. Từ nhóm điểm trung bình cao (xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố năm 2016) tăng lên nhóm điểm cao nhất của cả nước (xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố năm 2018). Sự cải thiện về vị trí xếp hạng đã cho thấy những nỗ lực của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC suốt nhiều năm qua.

Tố Phương

 

Truy cập
Hôm nay:
15309
Hôm qua:
18883
Tuần này:
98353
Tháng này:
345705
Tất cả:
16482077