Tăng cường kiểm tra, giám sát khắc phục những hạn chế
(Baothanhhoa.vn) - Để bảo đảm quyền lợi của tổ chức, công dân trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), các ban, sở, ngành, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện vi phạm và những tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính (CCHC). Qua đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị đưa ra giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Đông Sơn là huyện được đánh giá cao về hiệu quả công tác CCHC. Một trong những giải pháp quan trọng khẳng định chất lượng CCHC của huyện là công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Giai đoạn 2011-2020, UBND huyện đã tổ chức 10 đợt kiểm tra công vụ để kiểm tra việc thực hiện công tác CCHC ở các đơn vị, địa phương. Nội dung kiểm tra gồm việc tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch CCHC hàng năm; việc niêm yết công khai TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính; củng cố hoạt động, bổ sung cơ sở vật chất cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; việc phân công công chức làm nhiệm vụ đầu mối kiểm soát TTHC; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và hướng dẫn một số nội dung liên quan đến công tác CCHC... Ngoài các đợt kiểm tra công vụ, từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Đông Sơn đã phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện tiến hành kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo thực hiện công tác CCHC tại các xã, thị trấn. Qua kiểm tra, chủ tịch UBND huyện Đông Sơn yêu cầu người đứng đầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp chấn chỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, từ năm 2011 đến 3-2020, Sở Nội vụ đã kiểm tra trực tiếp 188 đơn vị, bao gồm các sở, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Văn phòng UBND tỉnh mỗi năm tiến hành kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC từ 8 - 10 sở, ngành cấp tỉnh, 7 - 10 đơn vị cấp huyện và từ 15 - 20 đơn vị cấp xã. Các ngành, các cấp cũng xây dựng kế hoạch, tiến hành tự kiểm tra và kiểm tra đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Thông qua hoạt động kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại như tình trạng thu thừa số lượng, thừa thành phần giấy tờ trong hồ sơ giải quyết TTHC, chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội, bảo trợ xã hội; tình trạng giải quyết TTHC quá hạn vẫn còn nhiều; số TTHC phát sinh hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích còn hạn chế; các phần mềm đang sử dụng phục vụ việc giải quyết TTHC phát sinh nhiều lỗi, chưa được cập nhật mới, chưa đồng bộ.
CCHC được xác định là khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Vì vậy, năm 2018, Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát công tác CCHC tại nhiều địa phương như Cẩm Thủy, Thiệu Hóa, Như Xuân, Hà Trung... Năm 2019, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng tiến hành nhiều cuộc giám sát chuyên đề về giải quyết TTHC, trọng tâm là giải quyết TTHC liên quan đến doanh nghiệp. Tại các buổi giám sát, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã phân tích, chỉ ra những tồn tại trong CCHC của các sở, các địa phương đó là: Việc công khai TTHC trên trang thông tin điện tử và niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa” chưa đầy đủ, chưa phù hợp; một số đơn vị cắt giảm thời gian giải quyết TTHC chưa đạt yêu cầu UBND tỉnh đề ra, đặc biệt là nhóm thủ tục về đất đai. Khi tiếp nhận, giải quyết TTHC vẫn còn hiện tượng thu thêm hồ sơ, thu thừa giấy tờ, thu thiếu giấy tờ. Số hồ sơ phải bổ sung, trả lại, hồ sơ xin rút còn nhiều, trong đó có nhiều hồ sơ của doanh nghiệp. Các huyện như Bá Thước, Quảng Xương, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn... có số hồ sơ trễ hẹn cao. Công tác phối hợp giữa các đơn vị còn nhiều hạn chế; việc thực hiện các TTHC liên quan đến doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Hồ sơ thẩm tra của một số sở khi trình UBND tỉnh, ý kiến của cơ quan chủ trì và cơ quan tham gia chưa rõ ràng, thiếu khoa học nên UBND tỉnh phải giao lại, yêu cầu làm rõ hơn; một số hồ sơ trình UBND tỉnh chưa bảo đảm, cần phải xác minh, kiểm tra, giải trình, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ; nhiều hồ sơ thẩm định trình UBND tỉnh chậm so với thời gian quy định.
Sau giám sát, các sở, các địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra. Theo đó, các đơn vị đã tăng cường rà soát, cắt giảm thời gian thực hiện TTHC, nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn. Qua việc rà soát của các đơn vị, UBND tỉnh đã cắt giảm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư từ 35 ngày xuống còn 24 ngày; thủ tục giao đất, cho thuê đất từ 20 ngày xuống còn 12 ngày; cấp giấy phép quy hoạch từ 45 ngày xuống còn 22 ngày... Ngoài ra, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tích cực triển khai việc cắt giảm thời gian thực hiện TTHC như Sở Xây dựng cắt giảm 30 - 50% thời gian so với thời gian quy định của 37 TTHC thực hiện tại sở; TP Thanh Hóa giảm thời gian thực hiện bình quân 35% so với thời gian quy định của 187 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; huyện Cẩm Thủy cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết đối với tất cả các TTHC có hồ sơ phát sinh..., tạo chuyển biến tích cực trong công tác CCHC. Tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Cùng với nhiều cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt trong CCHC, việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và khắc phục những hạn chế được chỉ ra sau kiểm tra, giám sát đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác CCHC của tỉnh. Vì vậy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào Thanh Hóa. Thanh Hóa luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những kết quả đạt được trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đã tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước”.
Cùng với kiểm tra, giám sát CCHC, việc quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Chỉ thị số 10/CT–TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc được tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã ban hành 133 văn bản chỉ đạo thực hiện; tổ chức 58 lớp tuyên truyền, quán triệt với 8.080 lượt cán bộ, công chức tham gia. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp lập và công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu. Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh đã công khai hòm thư nóng để tiếp nhận những góp ý của tổ chức, cá nhân. Việc tổ chức tiếp công dân, đối thoại, tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh cũng đã tiến hành 41 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc tại 86 cơ quan, đơn vị. 1 trường hợp công chức có hành vi vi phạm gây phiền hà cho công dân trong giải quyết TTHC đã bị xử lý bằng hình thức khiển trách và chuyển công tác khác.
Mới đây nhất, để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chỉ số CCHC, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về tập trung chỉ đạo cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị nghe báo cáo kết quả rà soát các tiêu chí, tiêu chí thành phần Chỉ số hài lòng và Chỉ số CCHC năm 2019 diễn ra vào cuối tháng 7-2020, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ CCHC tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp có giải pháp cụ thể nhằm khắc phục triệt để những tiêu chí bị mất điểm. Đồng chí cũng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, bảo đảm sự hài lòng của người dân, đặc biệt là doanh nghiệp và nhà đầu tư.
CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, là “chìa khóa” để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển. Để CCHC ngày càng chuyển biến rõ nét, các sở, ngành, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cũng như hiệu quả công tác khắc phục hạn chế, thiếu sót sau kiểm tra, giám sát, mang lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Bài và ảnh: Tố Phương
- Những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính ở huyện Hoằng Hoá
- Hoằng Hoá không ngừng đổi mới vì sự hài lòng của người dân
- Ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình không sử dụng hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Bồi dưỡng kiến thức về chính phủ điện từ và nội dung số khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến
- CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HOẰNG HÓA
- Cải cách hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư
- Hội thảo chia sẻ sáng kiến, mô hình cải cách hành chính
- Kết quả công tác cải cách hành chính trong Đảng tại huyện Hoằng Hóa
- HOẰNG HÓA PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP GẮN LIỀN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ.
- HOẰNG HÓA CHUYỂN ĐỔI SỐ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN