Lũ sông Mã tiếp tục lên, Hoằng Hóa tăng cường tuần tra canh gác đê
Trước tình hình lũ sông Mã tiếp tục lên, UBND huyện Hoằng Hóa đã yêu cầu các đơn vị chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuần tra canh gác đê.
Mực nước sông Mã tại xã Hoằng Hợp.
Thực hiện Công điện số 07 ngày 8/9/2024 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phát lệnh Báo động I trên sông Mã tại Lý Nhân; UBND huyện đã triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động; Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn; kiểm tra phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng ngoại đê; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu.
Xác định: Trong công tác hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê trong mùa mưa lũ có ý nghĩa then chốt, quyết định trong việc phát hiện các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, không để sự cố nhỏ phát sinh thành sự cố lớn dẫn đến nguy cơ vỡ đê. Vì vậy, trước đó, các địa phương có đê trên địa bàn huyện đã tổ chức Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ việc tổ chức lực lượng và thực tế triển khai công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn quản lý; chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm theo đúng quy định Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức ra quân phát quang mái đê, chân đê và trong phạm vi bảo vệ đê điều để phục vụ công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý sự cố đê điều.
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc bộ dịch dần xuống phía Nam, từ ngày 10/9 đến 12/9, khu vực Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to và dông. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến ở khu vực vùng núi phía Tây Bắc và đồng bằng ven biển từ 80 đến 150 mm, có nơi trên 200 mm các khu vực khác từ 50 đến 100 mm, có nơi trên 150 mm. Cần đặc biệt chú ý nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng thấp, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn núi.
Lũ trên sông lên có thể gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy, đò ngang qua sông; các hoạt động tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng ngoài bãi sông theo dõi diễn biến lũ trên sông để dừng các hoạt động và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL
- 9 tháng đầu năm 2024, toàn huyện trồng được trên 250.000 cây bóng mát, cây ăn quả, trồng rừng
- Hoằng Hóa – hành động quyết liệt thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU
- Chống khai thác IUU, Hoằng Hóa kiên quyết không cho tàu “3 không” ra khơi
- Hoằng Hóa - tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản
- Hoằng Hóa: Sử dụng hơn 1.000 lít hóa chất phun tiêu độc, khử trùng
- Nước trên sông Mã rút chậm, Hoằng Hóa tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, canh gác, hộ đê
- Hoằng Xuyên Tiếp tục di dời dân ngoại đê đến vị trí an toàn
- Hoằng Cát chủ động ứng phó với lũ, đảm bảo an toàn cho người dân
- Xã Hoằng Xuân: Tràn gần 450m đường gần sông Mã, thêm 26 hộ dân phải di dời
- Khẩn trương giúp nhân dân ứng phó kịp thời với lũ trên sông Mã