Hoằng Hoá - Tập trung thu hoạch lúa vụ xuân năm 2024.
Những ngày này, trên các xứ đồng, bà con nông dân Hoằng Hóa đã xuống đồng thu hoạch lúa vụ chiêm xuân và chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Dưới cái nắng tháng 5 như đổ lửa, người nông dân như quên đi nỗi vất vả, mệt nhọc bởi niềm vui được mùa… Một mùa vàng đang về trên quê hương Hoằng Hóa.
Năm 2024, với tinh thần chỉ đạo của huyện, các địa phương tập trung cho công tác gieo cấy đại trà vụ chiêm xuân quanh tiết lập xuân – ngày 4/2/2024 và cấy hết toàn bộ diện tích xong trước tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Theo đó các xã, thị trấn đã bám sát lịch thời vụ của huyện chỉ đạo, hướng dẫn, đốn đốc nông dân gieo mạ đảm bảo đúng cơ cấu giống, lịch thời vụ theo đúng kế hoạch của huyện đề ra. Vụ xuân năm 2024, huyện gieo cấy 5.997,1 ha, đạt 100% kế hoạch. Mặc dù thời tiết đầu vụ có nhiều diễn biến phức tạp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, ngành Nông nghiệp huyện nên 100% diện tích gieo cấy đúng khung thời vụ, tình hình sâu bệnh được kiểm soát. Cơ cấu giống cây trồng, thời vụ, tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng phù hợp với chân đất, thích ứng với điều kiện thời tiết khí hậu và thị trường tiêu thụ; tỷ lệ lúa thuần năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất ngày càng nhiều. Sản xuất liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm tiếp tục duy trì và phát triển. Tích tụ tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được quan tâm, việc ứng dụng toàn bộ cơ giới hóa vào sản xuất, từ khâu làm đất, sử dụng mạ khay máy cấy; bón phân và xử lý thuốc BVTV bằng máy bay không người lái đã làm giảm chi phí và công lao động đồng thời tăng hiệu quả, năng suất lúa cho người nông dân.
Những ngày này, khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện, việc thu hoạch lúa xuân đang diễn ra hết sức khẩn trương. Đến ngày 22/5, toàn huyện đã thu hoạch khoảng 1.400ha, đạt 75% diện tích lúa vụ chiêm xuân 2024, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha. Nhiều địa phương thu hoạch sớm như Hoằng Trinh, Hoằng Trung, Hoằng Xuân…là những địa phương cấy sớm hơn so với các địa phương trong huyện. Những chiếc máy gặt đập liên hoàn miệt mài chạy từ thửa ruộng này qua ô ruộng khác giúp người dân giảm bớt khâu lao động nặng nhọc. Lúa ít sâu bệnh, được mùa đã đem lại niềm vui cho bà con nông dân sau bao ngày vất vả chăm sóc.
Thời gian này về Hoằng Xuân, ngoài được ngắm sông núi hữu tình nơi đây, còn được xem những cánh đồng lúa trải dài như tranh vẽ, những ngả đường thơm mùi lúa mới, trải dài khắp các ngõ ngách vào tận sân nhà. Nơi đây, người nông dân đã vào vụ gặt đại trà, rộn rã gặt đập, mang no ấm về nhà. Mới ngày nào, khi tiếng gà còn thưa thớt trong màn sương lành lạnh của tiết xuân, bà con nông dân xã Hoằng Xuân đã thức dậy, đốt bếp lửa ấm, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để ra đồng gieo cấy lúa chiêm xuân. Vậy mà, chỉ sau hơn 3 tháng, lại vẫn những người nông dân ấy đã bắt đầu ra đồng đưa mùa vàng về nhà.
Vụ chiêm xuân 2024, Hoằng Xuân gieo cấy 210 ha lúa với các giống lúa lai như: Thái xuyên 111, VT 404; các giống lúa thuần chất lượng cao như VT-NA6, TBR 225, thiên ưu 8, bắc thơm số 7. Mô hình cơ giới hóa đồng bộ mạ khay, cấy máy tiếp tục được nhân rộng ở nhiều thôn. Đây là vụ lúa được đánh giá được mùa tại địa phương, năng suất đạt 68 tạ/ha đến 70 tạ/ha. Đánh dấu thời điểm mùa gặt về, cả một vùng đất mênh mông rộng lớn được phủ kín bởi những bông lúa chín vàng. Đây cũng là thời gian mà ở Hoằng Xuân nhộn nhịp nhất, mọi người cùng nhau ra đồng đợi máy gặt về từ sớm, không khí hối hả bận bịu lan tỏa khắp xóm làng. Mùa gặt được thêu dệt bởi những con người lao động một nắng hai sương. Những cánh đồng như nhuộm lên màu nắng, trải rộng mênh mông đến tận phía chân núi. Nắng và gió quyện với mùi thơm lúa chín tạo nên mùi hương đồng nội nhẹ nhàng mà quyến rũ. Đến thời điểm hiện tại, Hoằng Xuân đã thu hoạch đạt 90% diện tích toàn vụ, dự kiến hoàn thành thu hoạch vụ chiêm xong trong tháng 5/2024.
Theo chỉ đạo của UBND huyện: Hiện nay nhiều diện tích lúa đã chín, nếu thu hoạch muộn, gặp mưa lớn sẽ dễ bị đổ gãy, ngập nước, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Vì vậy các địa phương và bà con nông dân cần tập trung thu hoạch trong những ngày nắng ráo để không ảnh hưởng tới năng suất và đảm bảo khung thời vụ cho vụ sản xuất vụ thu mùa; khẩn trương huy động máy móc, lao động thu hoạch lúa Xuân khi độ chín đạt 80% trở lên với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, không để xảy ra tình trạng lúa chín mà không thu hoạch kịp thời dẫn đến thiệt hại do các đợt mưa, giông, lốc cuối vụ gây ra. Quản lý, điều hành các chủ máy gặt, tránh để xảy ra tình trạng các chủ máy gặt tự ý tăng giá, tình trạng “bảo kê” máy gặt lúa nhằm thu lợi bất chính, gây hoang mang trong nhân dân và làm chậm tiến độ thu hoạch lúa vụ Xuân. Thu hoạch đến đâu thu gom rơm rạ ngay đến đó để ủ phân, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng, vì khi đốt rơm rạ trên đồng ruộng sẽ phát sinh khí thải, làm chai cứng, khô cằn đất, gây khói bụi và làm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, ngay sau khi thu hoạch lúa thì tiến hành tích trữ nước, làm dầm ngâm đất để có thời gian phân huỷ rơm rạ, tránh để lúa mới cấy bị ngộ độc hữu cơ gây bệnh nghẹt rễ sau này; Tổ chức gieo mạ vụ mùa theo đúng lịch thời vụ, từ 30/5 đến ngày 5/6/2024; khuyến khích nông dân thay đổi không sử dụng các giống đã gieo cấy nhiều vụ trước để luân canh giống và giảm thiểu sâu bệnh trong vụ mùa; Những xã chưa thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy thì phải tổ chức ngay lực lượng, phương tiện để thực hiện theo kế hoạch huyện giao.
Những chuyến xe chở lúa vụ chiêm xuân năm 2024 chạy bon bon trên đường quê đổi mới, cùng với những nụ cười rạng rỡ và niềm vui hiện rõ trên từng nét mặt người nông dân. Đó hẳn là sự phấn khởi trước mùa vàng bội thu. Và, với người dân Hoằng Hóa, cây lúa không chỉ có giá trị nông nghiệp mà còn là đời sống văn hóa, là hồn quê.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL
- Chống khai thác IUU, Hoằng Hóa kiên quyết không cho tàu “3 không” ra khơi
- Hoằng Hóa - tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản
- Hoằng Hóa: Sử dụng hơn 1.000 lít hóa chất phun tiêu độc, khử trùng
- Nước trên sông Mã rút chậm, Hoằng Hóa tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, canh gác, hộ đê
- Hoằng Xuyên Tiếp tục di dời dân ngoại đê đến vị trí an toàn
- Hoằng Cát chủ động ứng phó với lũ, đảm bảo an toàn cho người dân
- Xã Hoằng Xuân: Tràn gần 450m đường gần sông Mã, thêm 26 hộ dân phải di dời
- Khẩn trương giúp nhân dân ứng phó kịp thời với lũ trên sông Mã
- Mực nước sông Mã lên mức báo động II, huyện Hoằng Hóa di dời dân khỏi các vùng ngập lụt
- Các xã ven sông cụm Đông Nam huyện kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”