Làng hương Đông Khê xã Hoằng Qùy nhộn nhịp vào vụ tết.
Những bó tăm hương xoè đỏ rực được phơi dọc những con ngõ nhỏ, trong mỗi sân nhà của những hộ sản xuất hương trong làng, cảm nhận như xuân sớm đã đến với làng hương Đông Khê. Càng gần Tết, làng hương Đông Khê Hoằng Quỳ bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, người lớn, phụ nữ, trẻ em ai cũng tất bật với công việc bởi đây cũng là mùa làm ăn chính của họ.
Nghề làm hương không biết có ở Đông Khê tự bao giờ, những người đưa nghề về làng cũng không ai nhớ, chỉ biết làng từ lâu đã có nghề hương thủ công truyền thống. Tuy nghề làm hương có mùa vụ quanh năm, nhưng vào tháng cuối năm, không khí làm việc ở làng nghề rất khẩn trương, nhộn nhịp. Mỗi nhà đều nỗ lực để hoàn thành những đơn hàng năm cũ, chuẩn bị đón Tết. Trên con đường vào làng, đâu đâu cũng bắt gặp sắc màu rực rỡ của hàng ngàn bó hương và mùi thơm thật nồng nàn ấm cúng. Những năm trở lại đây, việc làm hương thủ công không mang hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều người đã chuyển nghề, đi làm công ty, hiện trong làng chỉ còn ít hộ giữ được nghề. Riêng hương làng Đông Khê vẫn được khách hàng xa gần đánh giá cao. Do đó, những ngày cận Tết, nhiều người, lái buôn vẫn tìm về đây để mua, cung ứng ra thị trường, phục vụ bà con đón Tết cổ truyền.
Trước đây, người dân làng nghề thường làm hương thủ công theo phương pháp se hoặc nhúng bột lên tăm hương, sau đó, việc sản xuất chuyển dần qua sử dụng bằng máy đạp chân. Hiện nay, hầu hết các gia đình làm nghề đều sử dụng máy điện. Việc sử dụng máy điện giúp tăng năng suất, rút ngắn được nhiều thời gian giao sản phẩm cho khách hàng. “Nghề làm hương yêu cầu cẩn thận nhưng cũng không vất vả như nghề nông nhưng thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, mang lại thu nhập khá cho người lao động và tranh thủ được nguồn lao động sẵn có trong gia đình. Người lớn thì đảm nhận khâu nhồi bột, nhúng hương, trẻ em và người già thì se hương và gói hương” – ông Đoàn Văn Mậu hộ làm hương ở Đông Khê cho biết.
Nhìn những đôi bàn tay thoăn thoắt làm việc, cứ tưởng rằng nghề làm hương này đơn giản nhưng thực tế, để làm ra một nén hương phải trải qua nhiều công đoạn rất phức tạp. Làm ra một que hương đã vất vả lại còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết bởi lẽ chỉ vào những ngày nắng ấm thì mới có thể phơi được hương, nếu chẳng may gặp phải cơm mưa mà người dân không thu kịp hương thì cả mẻ hương đó phải bỏ đi. Không những thế để làm ra một mẻ hương tốt người làm còn phải đặc biệt chú ý đến khâu chọn nguyên liệu. Để làm ra cây hương phải mất nhiều công đoạn.
Đầu tiên đó chính là xử lý tăm hương, nguyên liệu làm tăm hương được chọn từ thân cây Vầu. Cây Vầu sau khi lấy về được chẻ nhỏ, phơi khô rồi nhuộm một phần chân. Tiếp đến là công đoạn chạy nhựa. Đây là một trong những công đoạn quan trọng để tạo nên mùi thơm đặc trưng của cây hương. Ông Mậu chia sẻ, thông thường gia đình ông sử dụng nhựa của cây trám để làm nguyên liệu. Nhựa cây trám sau khi sơ chế được trộn với bột than đốt từ thân cây vừng, mía, lá chuối. Hỗn hợp này được đưa vào máy xay nhuyễn, sau đó lăn đều lên thân cây hương. Sau khi lăn nhựa, những người thợ tỉ mỉ dùng tay để lăn bột bài (loại bột tạo nên hương thơm của cây hương). Những nén hương sau khi hoàn tất các công đoạn được mang đi phơi khô. Ông Mậu cho biết, việc làm hương thủ công đôi khi phải trông cậy vào thời tiết. Thông thường, họ sẽ tranh thủ những ngày nắng đẹp để phơi hương. Có hai loại hương đã tạo nên thương hiệu của làng hương Đông Khê, trong đó, có hương thơm Mậu Tiên, đó là hương sào và hương tăm - là loại hương được ưa chuộng nhất không chỉ bởi mùi thơm, mà còn bởi hương cháy đều khi đốt lên, tàn hương uốn vòng lại trên bát hương, báo hiệu những điềm tốt lành.
Mặc dù đã có máy móc thay thế nhưng nhiều hộ gia đình làm hương ở Đông Khê vẫn làm bằng thủ công từ công đoạn pha chế màu nhuộm cho đến se hương. Vì vậy mà cây hương nhìn tròn trịa, dẻo và không bị bể. Se hương xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Mà lúc đốt, hương sẽ cháy đến tận chân hương và tàn hương thì uốn cong rất đẹp. Bà Đoàn Thị Tiên – Chủ cơ sở sản xuất hương Mậu Tiên làng Đông Khê xã Hoằng Qùy cho biết: Các tháng trong năm, gia đình bà sản xuất khoảng 10 vạn hương/tháng, dịp cuối năm, gia đình bà sản xuất gấp 3 lần số hương tiêu thụ trong những tháng thông thường. Hiện nay, sản phẩm hương thơm Mậu Tiên đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công. Đây là nét đặc trưng riêng trong quy trình sản xuất mà gia đình ông Mậu bà Tiên – cơ sở sản xuất hương thơm Mậu Tiên tuân thủ, duy trì suốt nhiều năm qua. Tất cả các sản phẩm của gia đình ông bà đều vận dụng những bí truyền của gia đình mà tạo nên sự đặc sắc, khác biệt so với các loại hương được làm bằng máy móc.
Từ nghề truyền thống của cha ông truyền lại, với sự nỗ lực của người dân, sự quan tâm của chính quyền địa phương, làng nghề Đông Khê Hoằng Quỳ vẫn đang được duy trì và phát triển. Giờ đây, hương không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh mà nó đã trở thành hàng hóa, đem lại thu nhập cho các hộ gia đình còn giữ lại nghề truyền thống và những lao động làm nghề ở đây.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL
- Hoằng Hóa - tập trung ra quân làm thuỷ lợi mùa khô năm 2024
- Sản phẩm OCOP Hoằng Hóa vào vụ tết
- Năm 2024, toàn huyện trồng được trên 300.000 cây bóng mát, cây ăn quả, trồng rừng
- Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 27.603 tấn, bằng 110,4% kế hoạch
- Giữ trọn tinh túy biển khơi trong từng giọt nước mắm Bà Hoan
- HỘI NÔNG DÂN HOẰNG XUYÊN ĐƯA ỚT XANH THÀNH CÂY TRỒNG HÀNG HÓA CHỦ LỰC
- Bánh nhãn Phú Ngọc Anh - độc đáo ẩm thực Phú Khê
- Hoằng Hoá - đầu tư phát triển trên 300 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ
- Hoằng Giang tập trung chăm sóc rau màu vụ đông 2024 – 2025
- Hoằng Thắng triển khai thực hiện công tác nạo vét thủy lợi mùa khô 2024