Xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao giá trị nông sản.
Cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chủ động phối hợp với các địa phương hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, đăng ký mã số vùng trồng để kết nối, nâng cao hiệu quả giữa sản xuất, thị trường, người tiêu dùng và coi đây là tấm “hộ chiếu” đưa nông sản của huyện ra các thị trường.
Vùng sản xuất giống lúa lai F1 xã Hoằng Qùy
Hằng năm, huyện Hoằng Hóa có hơn 20.000 ha cây trồng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện đã tuyên truyền, vận động các HTX, doanh nghiệp và Nhân dân phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, tăng cường quản lý, rà soát, cấp mã số vùng trồng mới, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Theo quy định, vùng được cấp mã số vùng trồng phải đáp ứng đủ yêu cầu chung, yêu cầu về diện tích; quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, tuân thủ quy định theo nguyên tắc 4 đúng. Sổ ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng trong vụ canh tác; điều kiện canh tác và các yêu cầu khác tuân thủ theo yêu cầu cụ thể của nước nhập khẩu. Đối với nội dung đăng ký thiết lập mã số vùng trồng phải thực hiện theo 4 bước chính, gồm bước 1 đăng ký thông tin kỹ thuật của vùng trồng, bước 2 kiểm tra thực địa, bước 3 đánh giá kết quả kiểm tra thực hiện và bước 4 là phê duyệt mã số vùng trồng. Vì vậy, để xây dựng được mã số vùng trồng, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn huyện đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, trên địa bàn huyện đã hình thành được hàng chục vùng sản xuất tập trung cây trồng chủ lực, như: lúa, khoai tây, rau màu, dưa hấu... Tính đến nay, toàn huyện có 9 mã số vùng trồng nội địa được cấp, trong đó, có 1 vùng sản xuất rau các loại và 8 vùng sản xuất lúa, chưa có mã số vùng trồng xuất khẩu. Tại Hoằng Thái, từ vụ mùa năm 2022, xã đã triển khai cánh đồng 10 ha chuyên canh lúa thương phẩm để xây dựng mã số vùng trồng. Theo đó, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ dân. Đồng thời, hướng dẫn cho các hộ cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, tuân thủ quy định theo nguyên tắc 4 đúng... Với việc sản xuất theo chuẩn quy định, vùng lúa chuyên canh của xã được cấp mã số vùng trồng nội địa theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặc dù, đã được cấp mã số vùng trồng, song việc sản xuất lúa của địa phương không có nhiều chuyển biến. Bởi, việc sản xuất lúa chủ yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, chưa có sản lượng lớn để phục vụ chế biến hay xuất khẩu.
Ông Lê Trọng Hòa - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện đã cập nhật các tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, mã số vùng trồng nội địa; tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và thành viên HTX đăng ký xây dựng mã số vùng trồng mới. Cùng với đó, UBND huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá đối với các diện tích đã được cấp mã số vùng trồng và khuyến khích các địa phương đăng ký cấp mã số vùng trồng mới. Tuy nhiên, để một mã số vùng trồng được cấp, thời gian triển khai thực hiện có thể phải kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Thủ tục cấp mã số cũng khá phức tạp, đòi hỏi nhiều sự cố gắng của các bên, mà quan trọng nhất là người sản xuất.
Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng ngon, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, so với tiềm năng, lợi thế sẵn có, quy mô những vùng sản xuất trên địa bàn huyện vẫn “manh mún, nhỏ lẻ” và chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, nhất là trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản. Rào cản lớn nhất là do tiêu chuẩn về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng cần quy mô, diện tích vùng trồng lớn, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất nhưng đây là lĩnh vực mới, số đông người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng. Mặt khác, việc ứng dụng các công nghệ số trong sản xuất, sản xuất theo hướng liên kết, theo quy trình hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế.
Xây dựng mã số vùng trồng là một trong những điều kiện cần và đủ để hoàn thành chương trình XDNTM nâng cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã lựa chọn “Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch” là 1 trong 4 chương trình trọng tâm tập trung thực hiện, nhằm tạo ra những đột phá mới. Do đó, việc thiết lập và mở rộng mã số vùng trồng chính là điều kiện góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Xác định cấp mã số vùng trồng là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp số hoàn chỉnh, trước mắt là đưa hàng hóa nông sản của huyện vươn ra thị trường rộng lớn hơn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục hướng dẫn các địa phương, đơn vị rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất xây dựng các “cánh đồng lớn”, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GloballGap và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao...
Cấp mã số vùng trồng có thể được coi là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản, là điều kiện cần thiết và là bước tiến quan trọng cần phải làm để nông sản Hoằng Hoá tạo được niềm tin trong lòng người tiêu dùng, không chỉ phục vụ mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện mà còn có thể vươn xa hơn.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL
- Hoằng Hóa - tập trung ra quân làm thuỷ lợi mùa khô năm 2024
- Sản phẩm OCOP Hoằng Hóa vào vụ tết
- Năm 2024, toàn huyện trồng được trên 300.000 cây bóng mát, cây ăn quả, trồng rừng
- Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 27.603 tấn, bằng 110,4% kế hoạch
- Giữ trọn tinh túy biển khơi trong từng giọt nước mắm Bà Hoan
- HỘI NÔNG DÂN HOẰNG XUYÊN ĐƯA ỚT XANH THÀNH CÂY TRỒNG HÀNG HÓA CHỦ LỰC
- Bánh nhãn Phú Ngọc Anh - độc đáo ẩm thực Phú Khê
- Hoằng Hoá - đầu tư phát triển trên 300 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ
- Hoằng Giang tập trung chăm sóc rau màu vụ đông 2024 – 2025
- Hoằng Thắng triển khai thực hiện công tác nạo vét thủy lợi mùa khô 2024