QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Linh thiêng Phủ Vàng

Đăng lúc: 13:22:04 20/04/2023 (GMT+7)

Từ xa xưa, phủ Vàng không chỉ là nơi để người dân Hoằng Xuân và các xã quanh vùng hướng vọng tâm linh mà còn là địa điểm thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương trong vùng lân cận quanh ngã ba Bông về tỏ lòng hướng vọng tới đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

 “Còn trời còn nước còn non

Mùng ba rước Mẫu ta còn đi xem
Ai về nhắn chị cùng em
Rủ nhau dắt díu đi xem hội Vàng”

Ảnh 1.jpg

Mái chèo khua nước nhịp nhanh trên dòng sông Mã đưa khách thập phương đến với Phủ Vàng như thúc giục, mời gọi người người rủ nhau đi xem lễ hội. Phủ Vàng toạ lạc trên núi Chùa làng Vàng xã Hoằng Xuân, vùng đất bên núi bên sông hữu tình, hoà quyện với thiên nhiên. Từ xa xưa, phủ Vàng không chỉ là nơi để người dân Hoằng Xuân và các xã quanh vùng hướng vọng tâm linh mà còn là địa điểm thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương trong vùng lân cận quanh ngã ba Bông về tỏ lòng hướng vọng tới đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Ảnh 2.jpg

Hoà quện trong không gian linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Thanh, tháng 3 âm lịch hàng năm, ngược xuôi sông Mã hay chạy theo các tuyến đường bộ về với xã Hoằng Xuân, du khách lại được hoà mình trong lễ hội Phủ Vàng – nơi thờ phụng Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong 4 vị thần “tứ bất tử” của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu). Phủ nằm cách đường 1A khoảng 7 km, được xây dựng từ thế kỷ thứ 18. Ở Phủ Vàng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân.

Ảnh 3.jpg

Theo truyền thuyết kể lại: Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dẹp giặc Thanh, tới phủ Vàng cho quân dừng chân nghỉ ngơi và vào phủ dâng hương kính lễ, được Thánh Mẫu báo mộng, bày kế sách đánh giặc nên đã thu được thắng lợi. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua, lấy niên hiệu Quang Trung đã tri ân thánh Mẫu và ban sắc phong là: chế thắng bảo hoà Diệu Đại Vương – Đệ Nhất Thánh Mẫu. Phủ Vàng xưa có cổng ngoài cùng giáp sông Mã là nghi môn ngoại, đến cổng trong là nghi môn nội, nghi môn nội có 3 cửa (gọi là cửa tam quan), hai bên có hai hộ pháp oai vệ. Lối lên toà bái đường phải đi qua gần trăm bậc đá, hai bên có đôi rồng chầu vào rất uy linh. Tiếp đến là hồ bán nguyệt thả sen thơm ngát, long lanh đáy nước in trời. Cấu trúc của toà bái đường đồ sộ với 2 tầng 8 mái theo kiểu chồng diêm, các đầu đao cong vút nâng đỡ mái ngói mũi hài thanh thoát. Trong cùng là toà thượng điện gắn liền với toà bái đường theo hình chữ đinh. Cùng với toà bái đường, chính tẩm thì hậu cung phủ Vàng có 3 gian, quanh năm thường đóng kín, chỉ có ngày lệ, ngày tuần mới mở cửa thắp hương cúng lễ. Nơi đây đặt khám thờ, có tượng Thánh Mẫu và Tứ Vị Hồng Nương. Trên có treo một bức đại tự chữ Hán “mẫu nghi thiên hạ”, phía ngoài cột cái bái đường có đôi câu đối: Đế khuyết, tam giáng sinh thập phuơng Thánh hoá – Thiên nam, tứ bất tử vạn cổ Mẫu nghi”. Phủ Vàng hàng năm được dân làng tổ chức 3 kỳ lễ hội vào tháng giêng, tháng 3 và tháng 6 âm lịch với nghi thức rước kiệu, cúng tế và các trò vật, kéo co, trọi gà, hát chèo, hát ghẹo....vv

Ảnh 4.jpg

Năm 2023, lễ hội Phủ Vàng được tổ chức theo thông lệ – từ ngày 20/4 đến hết ngày 22/4 (tức ngày 1/3 đến ngày 3/3 năm Qúy Mão) với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, đậm nét văn hoá cổ truyền của dân tộc. Trong đó, sáng ngày 20/4 – từ 7 giờ 30 ngày 1/3 năm Qúy Mão sẽ diễn ra lễ khai mạc với chương trình văn nghệ đặc sắc, thỉnh chuông, điểm trống khai hội và rước kiệu dâng Mẫu của thôn Đại Điền. Trong các ngày tiếp theo, du khách đến phủ Vàng, ngoài hoà mình trong không gian văn hoá của đạo thờ Mẫu nơi đây, còn được nghe thuyết minh giới thiệu về Phủ; bên cạnh đó, các làng văn hoá trong xã sẽ dâng lễ cúng mẫu, các đội tế, các bản hội hầu đồng.

Ảnh 5.jpg

Lê hội Phủ Vàng xã Hoằng Xuân hấp dẫn du khách bởi sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng như: tế lễ, hầu đồng với các hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc. Tiêu biểu cho hệ thống các nghi lễ trong lễ hội Phủ Vàng là nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn. Giữa làn khói hương mờ ảo, giọng hát văn, tiếng trống phách, đàn nguyệt, sáo nhị vang lên, lúc dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập cùng với động tác lắc lư, nhún nhảy, tâm trạng biến hóa của thanh đồng… khiến không gian lễ hội trở nên huyền ảo. Bà Nguyễn Thị Giang – người dân làng Trà Sơn cho biết: Đã là truyền thống, làng Trà Sơn cũng như các làng khác trong xã, cứ đến tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân lại khấp khởi, nô nức đóng góp để cùng nhau chuẩn bị lễ vật dâng lên Thánh Mẫu trong ngày hội.

Ảnh 6.jpg

Những năm gần đây, Phủ Vàng Linh Từ dần đã trở thành điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm, đã có hàng trăm lượt du khách từ nhiều tỉnh và trong tỉnh Thanh Hoá tìm về Phủ Vàng xã Hoằng Xuân dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền. Nằm trên núi Chùa làng Vàng – làng Đại Điền xã Hoằng Xuân ngày nay, đây còn là địa điểm kết nối di tích phủ Vàng với các đền lân cận như: đền cô Bơ, đền Hàn Sơn, đền bà Triệu... là điểm đến ý nghĩa trong tuyến du lịch sông Mã của du khách. Lễ hội Phủ Vàng năm 2023, người dân trong xã và du khách thập phương lại sắm sửa lễ vật, cùng gia đình bạn bè, nguời thân phấn khởi, nô nức đến với Phủ Vàng dâng hương, kính lễ, cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mọi điều may mắn, sung túc, an vui.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

Truy cập
Hôm nay:
2085
Hôm qua:
9867
Tuần này:
44256
Tháng này:
211456
Tất cả:
11704018