QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Qùy Chử xã Hoằng Qùy – vùng đất cổ Hoằng Hóa

Đăng lúc: 18:33:29 03/08/2023 (GMT+7)

Về đất cổ Quỳ Chử hôm nay, trong sự phát triển của vùng quê nông thôn với việc xây dựng thành công thôn Đông Nam đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 2 thôn Trung Tiến và Tây Phúc đang nỗ lực về đích thôn kiểu mẫu trong năm nay, nơi đây còn đó một không gian văn hóa làng truyền thống đang được người dân trân trọng và giữ gìn.

1. Di chỉ khảo cổ học Đồng Cáo nhìn từ đền Thánh Mẫu.jpg
 Di chỉ khảo cổ học Đồng Cáo nhìn từ đền Thánh Mẫu

Được hình thành bởi quá trình bồi đắp phù sa sông Mã, lại có sông Dọc (đã bị vùi lấp) chảy qua khiến cho vùng đất cổ Quỳ Chử có sự xuất hiện, quần tụ sinh sống của cư dân cổ từ rất sớm. Trong các làng cổ ở xứ Thanh, làng Quỳ Chử (Kẻ Tổ) thuộc xã Hoằng Qùy là làng quê tiêu biểu, giàu truyền thống văn hoá. Mặc dù trải qua thời gian dài, những dấu tích cổ xưa không còn nguyên vẹn, nhưng những gì còn lại vẫn nhắc nhở cho các thế hệ sau một quá khứ hào hùng mà ông cha ta đã viết nên.

2. Di cốt người Việt cổ ở di chỉ Qùy Chử..jpg
Di cốt người Việt cổ ở di chỉ Qùy Chử.

Làng Quỳ Chử là nơi có địa điểm khảo cổ học Quỳ Chử (gồm 3 di chỉ gần nhau: Bãi Chùa (mộ táng), Bãi Chùa (di chỉ cư trú) và Đồng Cáo. Địa điểm khảo cổ học này được phát hiện đầu tiên vào năm 1962. Theo như kết luận nghiên cứu của các nhà chuyên môn thì đây là vùng đất xưa nhất của Hoằng Hoá. Cách ngày nay khoảng 3500 năm, người Việt cổ đã đến đây sinh cơ lập nghiệp. Năm 1978, sau khai quật ở khu đất cao có tên Đồng Cáo thuộc làng Quỳ Chử xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích nơi cư trú và di vật, mộ táng của người Việt cổ. Ngoài các di vật như: mảnh đồng, búa đồng, quả cân gốm, đồ trang sức... còn có các mộ táng (mộ đất và mộ quan tài gốm). Đặc biệt là đồ tùy táng tại các ngôi mộ là các đồ đồng: rìu xéo, giáo, vòng lòng máng....

3. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Khu di chỉ khảo cổ học Đồng Cáo, tháng 11-2008..jpg
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Khu di chỉ khảo cổ học Đồng Cáo, tháng 11-2008.

Đến năm 2000, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa khai quật lần thứ hai địa điểm khảo cổ học Quỳ Chử. Bên cạnh gốm (mảnh gốm) mang kiểu dáng, màu sắc, chất liệu đặc trưng Quỳ Chử. Các nhà khoa học còn phát hiện được thêm 2 ngôi mộ táng. Qua phân tích di cốt cho thấy, người Việt cổ ở Quỳ Chử đã sống tại đây từ giai đoạn sớm đến giai đoạn giữa của văn hóa Đông Sơn. Dựa trên kết quả khai quật và điền dã tại Quỳ Chử, các nhà khoa học nhìn nhận, để thích nghi với điều kiện tự nhiên, người Việt cổ ở Quỳ Chử đã tập trung làm nhà, dựng làng nhìn ra sông Dọc để tránh hướng gió Bắc mùa đông lạnh giá và có thể khẳng định, người Việt cổ ở Quỳ Chử đã góp phần tạo thành những quần thể dân cư quanh lưu vực sông Mã, cùng chung lưng đấu cật với dân cư cổ vùng sông Hồng, sông Cả dựng nên nền văn minh Đông Sơn phát triển rực rỡ.

4. Di tích Đình Trung được tôn tạo trên nền móng cũ là không gian văn hóa tâm linh của làng Quỳ Chử..jpg
Di tích Đình Trung được tôn tạo trên nền móng cũ là không gian văn hóa tâm linh của làng Quỳ Chử.

Làng Qùy Chử ngày nay có 3 thôn: Tây Phúc, Trung Tiến và Đông Nam. Mặc dù mỗi thôn đều có khu tâm linh và nhà văn hóa riêng nhưng hàng năm, nhân dân trong làng đều tập trung về Di tích Đình Trung – một di tích được tôn tạo trên nền móng cũ là không gian văn hóa tâm linh chung của cả làng Quỳ Chử. Văn Lâu trong không gian di tích Đình Trung được người dân Quỳ Chử dựng lên từ vật liệu của ngôi đình cổ xưa bị hỏa hoạn là nơi thờ các anh hùng liệt sĩ, danh nhân, người có công với sự phát triển của làng.

5. Đình Trung nhìn từ Văn Lâu.jpg
Đình Trung nhìn từ Văn Lâu

Sau dấu tích của người Việt cổ, đến thời phong kiến, Quỳ Chử cũng là vùng đất có sự quần cư xóm làng từ khá sớm. Thần phả và gia phả lưu giữ tại đây còn ghi lại, đại ý: Người đến lập làng là những quan lại nhỏ và dân thời Lê từ Nam Định vào. Thấy Quỳ Chử có nhiều ao hẹp, dài, họ làm nhà định cư, tổ chức ươm và nuôi cá giống đem bán cho nhiều nơi. Về sau dân số phát triển, quy mô làng được mở rộng, họ đặt tên làng là Tổ Cá Phường. Tổ Cá Phường hay Cá Tổ là tên làng thuở xưa của Quỳ Chử bên bờ sông Dọc... Dễ hiểu vì sao, dù sông Dọc ngày nay không còn, nhưng “men” theo khu vực từng là con sông cổ chảy qua Quỳ Chử, vẫn còn đó những địa danh như Dọc Tây Bến, Dọc Chùa, Dọc Kẻ Dược...).

6. Toàn cảnh không gian văn hóa Đình Trung.jpg
Toàn cảnh không gian văn hóa Đình Trung

Về tên gọi Quỳ Chử, người dân địa phương cho rằng, từ thời Trần trở về trước nơi đây vẫn mang tên Kẻ Tổ. Đến thời Hậu Lê, khi Bình Định Vương Lê Lợi trên đường bị giặc Minh truy đuổi qua sông Dọc đã được bà lão thôn quê cứu giúp. Đồng thời, “quỳ” dâng bữa cơm rau đạm bạc tỏ lòng quý mến người anh hùng đất Lam Sơn. Sau khi lên ngôi vua, nhớ ơn bà lão năm xưa, nhà vua đã cho phép đổi tên làng thành Quỳ Chử (được hiểu là bến quỳ). Tại Đình Trung hiện nay phối thờ Đức thánh Cả Lê Phụng Hiểu và thánh Đệ Nhị, Đệ Tứ là những danh tướng trong khởi nghĩa Lam Sơn. Cùng với đó, còn có đền Mẫu thờ Đệ tam thánh Mẫu của làng.

7. Trò cơm thi cá giải trong lễ hội đầu năm ở Qùy Chử..jpg
Trò cơm thi cá giải trong lễ hội đầu năm ở Qùy Chử.

Ở Quỳ Chử, có một trò chơi dân gian đặc sắc đã tồn tại hàng trăm năm qua hiện vẫn đang được người dân duy trì tổ chức vào mỗi dịp lễ hội Kỳ phúc của làng (diễn ra từ mùng 6 - 8 tháng 2 âm lịch): Nấu cơm thi cá giải trên ao làng trước đình Trung. Các đội thi vừa chèo thuyền trên ao, vừa bắt cá và nấu cơm. Dù không có tài liệu khẳng định chắc chắn thời gian xuất hiện của trò chơi dân gian nấu cơm thi cá giải, tuy nhiên dựa trên nguồn gốc hình thành của làng Quỳ Chử bắt đầu từ những cư dân Tổ Cá Phường hay Cá Tổ - Kẻ Tổ vốn giỏi nghề đánh bắt, nuôi cá đã sáng tạo nên trò chơi dân gian.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
6705
Hôm qua:
9641
Tuần này:
70525
Tháng này:
237725
Tất cả:
11730287