QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Từ đường dòng họ Lê Quang, xã Hoằng Trinh – bóng mát nguồn cội

Đăng lúc: 14:37:27 14/01/2025 (GMT+7)

Di tích lịch sử văn hóa “Từ đường họ Lê Quang” làng Trinh Nga, xã Hoằng Trinh là Từ đường một chi họ thuộc dòng Tôn Thất nhà Lê mà những vị thủy tổ được thờ ở đây đều là lớp con, cháu, chắt của vị vua anh minh Lê Thánh Tông thế kỷ XV, một dòng họ có nhiều công lao đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển của làng Trinh Nga trong suốt mấy trăm năm lịch sử.

z6226523282039_246729431ee35a0ae3116893268a72aa.jpg
Ông Lê Quang Mùi, thôn 3 làng Trinh Nga, xã Hoằng Trinh, người đang trông coi, thờ phụng tại Từ đường họ Lê Quang.

Theo Hoàng Lê gia phả, Lê Tộc Nguyên Phả và các tài liệu khác được lưu giữ tại gia đình ông Lê Quang Mùi, ở thôn 3 Trinh Nga, xã Hoằng Trinh thì Kinh vương Lê Kiện được mô tả là người khôi ngô, có thiện tư minh mẫn, có phong thái, chí khí và tài giỏi, nên được vua cha Lê Thánh Tông yêu quý. Lớn lên, mệnh danh là Quang, ông cùng với các hoàng tử khác đã được vua cha ban tước Vương khi còn tại vị. Về sau, dưới triều vua Lê Uy Mục - người gọi Lê Kiện bằng chú, nhà Lê Sơ bắt đầu suy yếu. Vị hoàng đế này tuy còn trẻ nhưng rất tàn bạo, hoang dâm, lại ăn chơi sa đọa nên các thân vương và hoàng tộc đã tỏ ra cực lực phản đối. Sự tàn bạo của Uy Mục cũng đã gây nên một làn sóng bất bình trong dân chúng và hàng ngũ quan lại. Vì vậy, Uy Mục đã tiến hành sát hại những người chống đối mình, trong đó, có cả thúc phụ Lê Kiện. Để lấy lòng Lê Uy Mục, võ Trạng nguyên khi ấy là Mạc Đăng Dung - người sau này cướp ngôi nhà Lê, lấy lý do các thân vương nổi loạn, đã rất mạnh tay tiến hành dẹp các bè phái trong cung đình giúp vua. Khi đó, mọi người đều cảm thấy nguy đến thân mình, càng nghĩ đến việc nổi loạn. Riêng Lê Kiện đã mang gia quyến bỏ trốn khỏi kinh thành Thăng Long, nhằm tránh sự truy lùng của triều đình.

z6076539982817_1be0e4460f18dd64460a7eb1eb2c6f75.jpg

Sau nhiều ngày chạy loạn, trốn tránh, Lê Kiện cùng gia quyến đã đến làng Bà Nga (làng Cổ Đẻn). Thấy nơi đây là vùng đồng bằng rộng lớn, địa thế cho thấy là vùng địa linh, nhân kiệt, dễ thủ, khó công, gia đình ông quyết định chọn làng Bà Nga làm chỗ dung thân và không trở lại Thăng Long mà sống ở làng Bà Nga cho đến hết đời. Ở làng Bà Nga, gia quyến Kinh vương Lê Kiện chỉ sống cuộc đời ẩn dật, bảo toàn tính mạng, cùng chăm lo cho nhau.

z6076539998639_18e3ef7becae2443412603167b442af2.jpg

Sau này con Lê Kiện là Lê Duy Tĩnh có hai con trai, gồm Lê Duy Thành (hiệu Phúc Thành, gọi là Lê Phúc Thành) và Lê Duy Đức (hiệu Phúc Đức, gọi là Lê Phúc Đức). Lê Duy Thành lại sinh được một Bá tử và một hoàng nữ. Với mong ước các đời sau có một tương lai tươi sáng, được che chở vững chắc, mang lại danh thơm trong dân chúng và có thể góp phần chấn hưng cho hoàng tộc; cho rằng lấy chữ Quang trong mệnh danh của Kinh vương Lê Kiện là phù hợp. Do đó, Lê Duy Tĩnh đặt tên cho cháu trai là Lê Quang Giáp, hiệu Quang Diệu; cháu gái là Lê Thị Quế, hiệu Quế Hoa.

z6076539995869_ef0e8fc064cee63575dda1ee92500aae.jpg

Theo Gia phả họ Lê Quang, thì Lê Quang Giáp là một người "Dũng lược hơn người, tài kiêm văn võ". Do ông có nhiều thành tích về việc đã giúp triều đình Nhà Lê về tiến cử các trí sĩ và người tài giỏi tại các địa phương ra giúp nước; công lao, thành tích ngoại giao (3 lần đi sứ Nhà Minh), nên ông được cả vua Lê Chân Tông và Minh Tư Tông đặc cách phong Tiến sỹ (lưỡng quốc Tiến sỹ). Ở quê nhà, Lê Quang Giáp được lập Phủ, nay thuộc khu đất xứ đồng Bãi Dinh, làng Trinh Nga. Sau này, Lê Quang Giáp cũng đã cáo lão về quê. Lưỡng quốc Tiến sỹ Lê Quang Giáp chết ngày 21 tháng 4 năm 1664 (âm lịch), tại quê nhà, hưởng thọ 80 tuổi.

z6076539983442_d81fc2253c3be9d9783ec384db396ca4.jpg

Nhà thờ họ Lê Quang tại làng Trinh Nga, xã Hoằng Trinh là thể hiện sự báo hiếu của Lê Quang Giáp đối với tổ tiên, là nơi thờ Kinh vương Lê Kiện, Vương phi Diệu Cơ, ông, bà nội và cha, mẹ của ông. Về kiến trúc Nhà thờ, phía trên có bức y môn, đề "Đức Duy Hinh". Ban thờ thượng (hậu tẩm), thờ chính giữa là Kinh Vương Lê Kiện, có long ngai giao ỷ thần, nội dung thần vị, vị khởi tổ Kinh Vương Lê Kiện ghi "Cao cao khởi tổ khảo Lê triều Hoàng tử húy Kiện, sắc phong Kinh Vương vị tiền - thần vị". đôi câu đối, ghi: "Địa khởi lâu đài địa phấn trấn/ Môn sa khách đáo môn nghiêm túc",v.v... Về ý nghĩa tên làng, chữ Trinh, đời sau cho rằng Lê Quang Giáp muốn con cháu và nhân dân trong làng Trinh Nga sinh sống phải luôn trung thành, ngay thẳng, trong sáng, tiết hạnh.

z6076539989198_230892158098f9bf02fd8e3ea4eb4b82.jpg

Từ đường họ Lê Quang, thôn Trinh Nga xã Hoằng Trinh sau khi được tôn tạo cho đến nay đã hơn 200 năm. Từ đường 3 gian bằng gỗ với kiến trúc chồng kèo, có đầy đủ phần hậu cung, chính điện, hai bên tả hữu. Những người được phụng thờ tại đây đã qua 15 đời; đến đời bác Lê Quang Mùi – người đang trông coi và phụng thờ tại từ đường đã là đời thứ 17.

z6076539988825_1d557f811fc3b9a41e8f0ea39657ecce.jpg

Đến năm 2002, Nhà thờ họ Lê Quang làng Trinh Nga được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (Quyết định số 517/QĐ-VHTT ngày 12/11/2002). Ngày 21 tháng 12 năm 2011, Nhà thờ họ này được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4289/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

z6076540031929_bb3eba8aa235eb1257349af3c20b1d97.jpg

Vào ngày rằm tháng Chạp và trong 3 ngày Tết, từ đường dòng họ luôn mở cửa đón con, cháu đến dâng lễ tổ tiên, cầu chúc cho anh linh những người đã khuất được siêu thoát, phù hộ độ trì cho quê hương, cho con cháu dòng tộc những điều tốt đẹp nhất và gặp gỡ, trò chuyện cùng anh em con cháu xa quê… khiến cho không khí ngày Tết cổ truyền, ngày chạp họ càng trở nên linh thiêng. Ông Lê Quang Mùi – người đang phụng thờ tại Từ đường cho biết: Ngày chạp họ - rằm tháng Chạp hàng năm cũng là ngày giỗ tổ của dòng họ Lê Quang, con cháu trong dòng họ về nơi đây lại mong được quy tụ dưới bóng từ đường dòng họ được kính cáo, giãi bày với tổ tiên. Đây chính là cách giáo dục con người hướng thiện, hiếu nghĩa toàn diện nhất mà không trường lớp nào có được.

Từ đường dòng họ Lê Quang, thôn Trinh Nga xã Hoằng Trinh là một công trình có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc; không chỉ phản ánh về một thời kỳ lịch sử đã qua mà còn là minh chứng giáo dục truyền thống văn hóa, đạo lý hiếu thuận đối với con cháu trong dòng họ. Hiện nay con cháu dòng họ Lê Quang nơi đây đang phát huy mạnh mẽ truyền thống, tố chất của tổ tiên.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
12666
Hôm qua:
18243
Tuần này:
47810
Tháng này:
242141
Tất cả:
16888651