QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Về Xuân Sơn nghe chuyện “Thác đao điền”

Đăng lúc: 07:56:09 26/05/2023 (GMT+7)

Đất Hoằng Hóa nổi danh là vùng đất học nức tiếng của xứ Thanh, bên cạnh những văn nhân như Lương Đắc Bằng, Nguyễn Quỳnh… hẳn không thể không kể đến một danh tướng nức tiếng thời Lý mà cuộc đời, sự nghiệp của ông có ảnh hưởng lớn tới nghiệp đế vương. Ông là Lê Phụng Hiểu, người đã có công khai sinh ra loại ruộng đặc biệt trong lịch sử nước Nam: Thác đao điền - ruộng ném đao.

AQ.jpg
Hai ngọn núi Bưng, tượng trưng cho hai bó củi trong truyền thuyết dân gian về Lê Phụng Hiểu. Tương truyền, trên đỉnh ngọn núi Bưng phía Tây hiện còn vết tích chùa xưa, nơi hồi nhỏ Lê Phụng Hiểu từng được sư trụ trì dạy võ

Trong lịch sử dân tộc, Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu – một người con của làng Xuân Sơn xã Hoằng Sơn không chỉ là một võ tướng kiệt xuất của triều Lý mà còn là người có công dẹp loạn Tam Vương, phò Lý Thái Tông lên ngôi. Võ tướng Lê Phụng Hiểu sinh vào khoảng năm 982 ở Kẻ Bưng, hương Băng Sơn, Châu Ái, nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn. Ông có sức khỏe phi thường và võ nghệ hơn người, được tuyển chọn vào đội quân túc vệ dưới thời vua Lý Thái Tổ, về sau được vua giao giữ chức Vũ vệ Tướng quân. “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi lại câu chuyện về sức mạnh của Lê Phụng Hiểu. Đó là trong một lần tranh chấp địa giới ruộng vườn, người dân hai làng Cổ Bi và Đàm Xá lời qua tiếng lại. Làng Đàm Xá cậy có nhiều trai tráng ức hiếp, xâm lấn nhiều ruộng của Cổ Bi. Lúc đó, Lê Phụng Hiểu đã trưởng thành, ông nói một mình có thể đánh thắng làng Đàm Xá, lấy lại ruộng cho Cổ Bi. Dân làng mừng rỡ, bèn làm cơm khoản đãi chàng trai. Thanh niên làng Đàm Xá thấy ông liền kéo nhau ra tấn công, ông điềm nhiên nhổ bật cụm tre ven đường vung lên quật tới tấp. Dân làng Đàm Xá hoảng sợ bỏ chạy, buộc phải trả hết ruộng vườn cho làng Cổ Bi. Sau này, “Đại Nam nhất thống chí” (bản Hoàng Văn Lâu dịch, NXB Lao Động- Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây) có ghi lại 56 câu vè truyền tụng khắp nơi đời đời ghi nhớ công trạng của Lê Phụng Hiểu thuở hàn vi.

2. Khánh đá - một trong những hiện vật quý còn được lưu giữ tại Đền..jpg
 Khánh đá - một trong những hiện vật quý còn được lưu giữ tại Đền.

Bấy giờ, gặp dịp vua Lý Thái Tổ tuyển binh bổ sung Túc vệ (lính hầu và bảo vệ Hoàng đế), ông được chọn. Nhờ võ nghệ siêu quần, lại siêng năng, tháo vát, dần dần ông được thăng lên chức Vũ vệ tướng quân, đứng ngang hàng với các tướng như Đàm Thận, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư...

3. Hòn quần - quả tạ là dụng cụ để danh tướng Lê Phụng Hiểu tập luyện võ nghệ..jpg
 Hòn quần - quả tạ là dụng cụ để danh tướng Lê Phụng Hiểu tập luyện võ nghệ.

Năm Mậu Thìn (1028), sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà, các hoàng tử Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chính Vương không chấp nhận việc Thái tử Lý Phật Mã lên nối ngôi, đã đem quân vây thành để đoạt ngôi. Võ tướng Lê Phụng Hiểu đã có công giúp Thái tử dẹp loạn “Tam Vương”, lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Thái Tông, đặt niên hiệu là Thiên Thành. Cảm kích trước tấm lòng trung dũng của ông, vua Lý Thái Tông đã phong ông làm Đô thống Thượng tướng quân.

4. Lối đi giữa tòa tiền bái và đại bái.jpg
Lối đi giữa tòa tiền bái và đại bái

Năm 1044, sau khi hộ giá vua đi đánh giặc và lập được nhiều công lớn, ông không nhận tước hầu, chỉ xin về Băng Sơn, ném đao xuống, đao rơi đến chỗ nào trong đất công thì xin lĩnh số đất từ chân núi đến chỗ đao rơi xuống để lập nghiệp. Vua chuẩn lời. “Việt điện u linh tập” chép: “Phụng Hiểu mới trèo lên chóp núi Băng Sơn, xách dao ném một cái, dao đi xa hơn 10 dặm, cắm vào địa phận làng Đa Mi”. Còn “Toàn thư” cũng có đề cập tới chi tiết này: “Phụng Hiểu lên núi, ném đao xa hơn đến nghìn dặm, đao rơi xuống hương Đa Mi. Vua bèn lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế. Vì vậy người châu Ái gọi ruộng thưởng công là ruộng ném đao. Tương truyền, chỗ Lê Phụng Hiểu đứng ném đao chính là khoảng đất bằng Mã Yên của núi Băng Sơn. Tài ném dao xuất chúng đó của ông hàng trăm năm sau còn được dân gian lưu truyền: “Quăng dao, múa kiếm lừng danh/Sáu trăm năm lẻ, sử xanh còn truyền”

5. Trong di tích còn nhiều hiện vật cổ được lưu giữ.jpg
 Trong di tích còn nhiều hiện vật cổ được lưu giữ

Làng Bưng, theo “Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa” nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn. Ngọn núi Băng Sơn có tên nữa là Mộc Sơn, có hai ngọn nổi vọt lên ở giữa đồng bằng, trong ấy một ngọn hai đầu cao vót mà quãng giữa bằng phẳng nên còn gọi là núi Mã Yên. Cũng từ đó, vua Lý Thái Tông đặt lệ cấp ruộng “thác đao” để ban thưởng cho các công thần. Sau khi ông mất, được vua phong làm Phúc thần, dân làng lập đền thờ ngay dưới chân núi để ghi nhớ công ơn của ông.

6. Cách khu di tích không xa là lăng mộ thân mẫu Lê Phụng Hiểu nằm trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Xuân Sơn..jpg

Cách khu di tích không xa là lăng mộ thân mẫu Lê Phụng Hiểu nằm trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Xuân Sơn.

Xung quanh thân thế và sự nghiệp của Lê Phụng Hiểu, có rất nhiều giai thoại, bởi ông luôn hòa quện giữa nhân vật dân gian và nhân vật lịch sử có thật. Với những câu chuyện mang sắc màu huyền bí, “ Chuyện ông Bưng vật ông Vồm”; “ Người tiều phu giết hổ ở núi Hoa Lâm”; “ Sự tích ông Bưng”…

7.Vùng đất khi xưa, danh tướng Lê Phụng Hiểu ném đao chọn ruộng..jpg
Vùng đất khi xưa, danh tướng Lê Phụng Hiểu ném đao chọn ruộng.

Năm 2002, Đền thờ Lê Phụng Hiểu ở làng Xuân Sơn xã Hoằng Sơn đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia. Hiện nay, Ban Quản lý Di tích vẫn còn lưu giữ được 23 bản sắc phong cổ và nhiều hiện vật có giá trị. Trải qua những biến cố của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai, ngôi đền không còn nguyên vẹn. Xét thấy di tích quốc gia đền thờ Đức Thánh Lê Phụng Hiểu xuống cấp, UBND huyện Hoằng Hóa có tờ trình và được UBND tỉnh phê duyêt dự án trùng tu, tôn tạo lại với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách tỉnh là 8 tỷ đồng, còn lại vốn ngân sách huyện, xã và kêu gọi xã hội hóa). Tháng 7-2019, một số hạng mục được tiến hành thi công. Đến nay khu nhà tiền bái, đại bái, hậu cung đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. Tuy vậy, vẫn còn một số hạng mục như tường rào, sân, cổng khu di tích đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu, xây dựng do ngân sách địa phương có hạn.

Năm 2023, lễ hội Đền thờ Lê Phụng Hiểu ở Xuân Sơn được tổ chức lại sau nhiều năm vắng bóng. Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày 26 và 27/5/2023 (tức ngày 8 và 9/4 năm Qúy Mão) nhằm dịp giỗ thâm mẫu Lê Phụng Hiểu – ngày 8/4. Lễ hội năm nay được xã Hoằng Sơn tổ chức chủ yếu là phần lễ với lễ cúng tế, dâng hương của các bản hội. Đây cũng là dịp để địa phương phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân trong xã, con em xa quê, khách thập phương; huy động sự đóng góp của con em trong và ngoài xã nhằm tôn tạo di tích để các thế hệ được biết đến và tưởng nhớ công ơn của Đô thống thượng Tướng quân Lê Phụng Hiểu, từ đó, phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống, phát triển du lịch.

Tên tuổi và công trạng của Đô thống thượng Tướng quân Lê Phụng Hiểu không những được sử sách lưu danh, mà còn được dân gian truyền tụng bằng tất cả lòng tự hào và biết ơn sâu sắc. Và về Xuân Sơn xã Hoằng Sơn ngày hội sẽ thấy trong lòng rưng rưng tự hào, như đang nghe rền vang tiếng hô dẹp loạn của vị danh tướng giữ yên cơ nghiệp nhà Lý, gìn giữ cho bờ cõi và cuộc sống của nhân dân Đại Việt được an bình thịnh vượng.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
662
Hôm qua:
15097
Tuần này:
54801
Tháng này:
154547
Tất cả:
11647109