QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê – 20 năm lưu giữ và phát triển vốn tuồng cổ, trống hội.

Đăng lúc: 20:17:36 01/02/2024 (GMT+7)

Không biết có mặt ở Hoằng Phú tự bao giờ, nhưng từ xưa, tuồng cổ và trống hội đã được các nghệ nhân quần chúng nơi đây lưu diễn nhiều nơi. Trải qua thăng trăm thời gian, cho đến ngày hôm nay, tiếng trống hội làng Phú Khê vẫn vang lên đều đặn như thúc giục, như mời gọi về với Phú Khê.

 1. CLB trống hội Phú Khê tại Lễ công bố quyết định huyện Hoằng Hóa đạt chuẩn NTM.jpg
 CLB trống hội Phú Khê tại Lễ công bố quyết định huyện Hoằng Hóa đạt chuẩn NTM

Đứng trước thực tế tinh hoa của bộ môn nghệ thuật tuồng cũng như trống hội đang dần mai một trong cuộc sống, đứng trước nguy cơ thất truyền bởi những người nắm được tinh thần của trống hội không còn nhiều, những người yêu tuồng, mê tiếng trống hội làng Phú Khê đã tập hợp thành lập câu lạc bộ tuồng và trống hội cung đình Phú Khê. Được thành lập theo quyết định số 06/QĐ - UBND ngày 28/10/2003 của Chủ tịch UBND xã Hoằng Phú, đến nay, CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê đã có hơn 20 năm hoạt động. Hơn 20 năm, CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê không chỉ biểu diễn trong kỳ hội làng mà còn tham gia lưu diễn ở rất nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh và trong nước - trở thành nơi lưu giữ môn nghệ thuật có lối diễn xướng độc đáo - tuồng cổ, nơi lưu giữ hồn trống hội.

Ông Lê Minh Thiết - Chủ nhiệm CLB cho biết: “muốn chơi trống hội, trống tuồng cho hay phải chuyên tâm luyện rèn. Trống tuồng, trống hội có nhiều bộ, nhiều bài, mỗi bộ lại biểu hiện một câu chữ, một động tác phải thuần thục, nhuần nhuyễn sao cho hài hoà”. Trống hội Phú Khê dùng trong nghi lễ đình làng, bao gồm có 11 bài như bài trống rước, trống đón, trống bình thân, trống rình rình, trống múa dùi, trống bái, trống tái nghiêm, tam nghiêm..., mỗi bài có một cách đánh và mang ý nghĩa khác nhau nên đòi hỏi người đánh trống phải có niềm đam mê thì mới có thể học được. Một buổi biểu diễn trống hội ở đình làng thường có 25 người tham gia, còn ở những lễ hội lớn, không gian biểu diễn rộng thì số người biểu diễn lên tới 35 đến 40 người với trang phục truyền thống là nam mặc quần áo nghi lễ màu đỏ, nữ mặc áo tứ thân, đầu đội khăn xếp. Trống hội Phú Khê sử dụng phong phú các loại trống như trống bong, trống bản, trống cái... Trong quá trình biểu diễn, các nghệ nhân không chỉ đánh trống mà còn kết hợp nhiều động tác đẹp mắt như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống khiến trống hội Phú Khê không chỉ có âm sắc mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem. Bài trống được các nghệ nhân CLB Phú Khê thường hay biểu diễn là 18 nhịp trong bài trống rước.

Là một CLB tuồng và trồng hội thành lập khá sớm trên địa bàn huyện. Từ 19 thành viên ban đầu, đến nay, CLB tuồng và trống hội cung đình làng Phú Khê đã thu hút gần 40 thành viên tham gia - hầu hết là những người cao tuổi đam mê nghệ thuật tuồng cổ, đam mê tiếng trống hội. 20 năm hoạt động, thời gian đầu, CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê cũng đã gặp không ít khó khăn do bộ môn nghệ thuật này đang dần bị mai một, đôi khi có những thành viên chán nản muốn bỏ cuộc. Nhưng với lòng đam mê nghệ thuật, đồng thời, kế thừa truyền thống của vùng đất là cái nôi của trò diễn, hát bội năm xưa nên các thành viên câu lạc bộ đã không ngừng cố gắng, duy trì và phát triển bộ môn nghệ thuật tuồng cổ tại địa phương. Để có kinh phí hoạt động, các thành viên đã tự nguyện đóng góp 50 triệu đồng mua trống và trang phục, đạo cụ phục vụ biểu diễn. Không phụ lòng mong mỏi của nhiều người yêu tuồng, mê tiếng trống hội địa phương, câu lạc bộ đã đang góp phần lưu giữ những tinh hoa văn hoá nghệ thuật tuồng, trống hội của dân tộc.

Hơn 20 năm hoạt động, CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê không chỉ biểu diễn trong làng, trong xã mà đã tham gia biểu diễn ở rất nhiều nơi trên địa bàn toàn tỉnh, thường xuyên tham gia trống hội trong lễ hội Lam Kinh và là một CLB vinh dự được tham gia đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội...Không dừng lại ở việc biểu diễn, để những bài trống hội không bị mai một, ông Thiết cùng nhiều thành viên CLB đã tham gia truyền dạy các bài trống hội ở rất nhiều địa phương như: họ Cao ở Hoằng Giang,  làng Cự Đà Hoằng Minh, một số câu lạc bộ của thành phố Thanh Hoá..vv Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hoá cũng đã quan tâm, chỉ đạo, đưa CLB “Trống hội cung đình Phú Khê” đi biểu diễn tại các cuộc liên hoan trống, lễ hội truyền thống, các chương trình văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh và ở TP Hà Nội, Nghệ An, Nam Định... nhằm quảng bá nét đặc sắc của trống hội làng Phú Khê.

Chứng kiến các nghệ nhân quần chúng của câu lạc bộ biểu diễn tại một số làng văn hoá không chỉ với trống hội mà với nhiều tiết mục tuồng cổ đặc sắc như: vở Cờ đại nghĩa, Lê Lai khoác áo Long bào, vào chầu thượng đế, trường kịch Trương Viên..vv, chúng tôi đều thấy ở đó lòng đam mê nghệ thuật của những thành viên CLB nơi đây. Tất cả các vở diễn đều rất đặc sắc, đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc và đam mê cùng bộ môn nghệ thuật tuồng cổ, cùng tiếng trống hội. Bằng niềm đam mê với môn nghệ thuật này, họ đã gìn giữ và thổi hồn cho tuồng cổ và trống hội hồi sinh.

Chia tay các nghệ nhân trong CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê, chúng tôi vẫn đọc được niềm vui qua ánh mắt và nụ cười rộng mở của họ. Và, dẫu khó khăn, những người nghệ nhân này vẫn đang hàng ngày đưa tuồng và trống hội phục hồi và lan toả trong cuộc sống hôm nay.   

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
1604
Hôm qua:
9641
Tuần này:
65424
Tháng này:
232624
Tất cả:
11725186