QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Di tích Quốc gia bên bờ sông Mã – Đền thờ Tướng quân Cao Lỗ xã Hoằng Giang.

Đăng lúc: 16:33:53 04/03/2024 (GMT+7)

Về với Hoằng Giang những ngày đầu xuân, bên cạnh tìm hiểu về những giá trị di tích Quốc gia – Đền thờ Tướng quân Cao Lỗ trên vùng đất này còn được hòa mình trong những phong tục tập quán riêng có của địa phương. Làng Trinh Sơn (làng Chiêng) và làng Hợp Đồng (làng Đầu) đều có Đình lớn thờ Thành Hoàng, Làng Chiêng thờ tướng quân Cao Sơn, làng Đầu thờ tướng quân Cao Lỗ.

 Đẹp thay phong cảnh Hoằng Giang

Núi sông một dải xóm làng đông vui.

Thuyền xe đi ngược về xuôi

Hoa màu đồng bãi xanh tươi bốn mùa.

Không chỉ đẹp về cảnh sắc với núi sông hòa quyện, đồng bãi xanh tươi trù phú, con người cần cù lao động, chân chất, thật thà mà trong sự phát triển của dòng chảy lịch sử, xã Hoằng Giang cũng là nơi để lại nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa cao, trong đó, không thể không nhắc đến di tích Quốc gia bên bờ sông Mã – Đền thờ Tướng quân Cao Lỗ.

1. Nghè Hợp Đồng (hay đền thờ Cao Lỗ), thuộc làng Hợp Đồng xã Hoằng Giang..jpg
Nghè Hợp Đồng (hay đền thờ Cao Lỗ),
thuộc làng Hợp Đồng xã Hoằng Giang

Nghè Hợp Đồng (hay đền thờ Cao Lỗ), thuộc làng Hợp Đồng, nơi thờ vị thần họ Cao tên Lỗ, một tướng giỏi của vua An Dương Vương, đã có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước ở buổi đầu dựng nước thời kỳ Âu Lạc. Theo thần phả của làng Hợp Đồng, vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) đời Vua Trần Nhân Tông, ông được sắc phong là “khai quốc công thần”, Dực bảo trung hưng, thượng thượng đẳng thần, Cao đại tướng quân húy Thông (tức Cao Lỗ). Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người thông minh, hiếu học, khi trưởng thành văn võ đều hơn người và được nhân dân địa phương tôn làm Đô Lỗ. Sau theo phò vua An Dương Vương đánh giặc, nhờ lập được nhiều công trạng, ông được phong tước Hầu. Khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay), ông được giao việc thiết kế, xây dựng thành. Thành xây xong, ông lại chế tạo “nỏ thần” - một kỳ công về kỹ thuật quân sự thời cổ, góp phần quan trọng trong việc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Truyền rằng, “nỏ thần” do tướng quân Cao Lỗ chế tạo cực mạnh, có thể bắn một phát hàng trăm mũi tên, tiêu diệt được hàng trăm tên giặc, vì vậy được gọi là Linh Quang thần nỏ. Do có công với dân với nước, trải qua các đời vua, triều đại sau này đều có sắc phong ban tặng cho ông là Thượng đẳng Thần. Nhân dân quanh vùng tại quê hương ông cũng đã lập Đền thờ để tưởng nhớ và ghi nhận công ơn của vị tướng quân. 

Ảnh 3.jpg

Theo truyền thuyết, khi Triệu Đà xâm lược Âu Lạc ông dùng nỏ thần bắn tên đẩy lùi quân giặc, Triệu Đà hoảng sợ lui binh, cho con là Trọng Thủy ở lại làm con tin rồi vờ kết thân. Cao Lỗ cùng văn võ bá quan can ngăn, nhưng vua Thục không nghe còn đối xử lạnh nhạt với Cao Lỗ, cuối cùng ông phải rời bỏ Triều đình… Trong lúc cứu giá vua, Cao Lỗ đã chạy theo, trên đường qua làng Hợp Đồng, xã Hoằng Giang…

Ảnh 5.jpg

Hiện xã Hoằng Giang có trên 1.300 nhân khẩu thuộc dòng họ Cao. Đền thờ Cao Lỗ có kiến trúc 5 gian, hình chữ “Đinh” hiện còn lưu giữ nhiều di vật như ngai thờ, bài vị cổ, sắc phong. Đây là một công trình thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Theo một số tài liệu, đền thờ được trùng tu từ triều vua Minh Mạng, đến đời vua Tự Đức xây thêm phần hậu cung. Di tích được công nhân là di tích cấp quốc gia năm 1999.

Ảnh 4.jpg

Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, đền thờ Cao Lỗ là nơi đầu tiên tổ chức cuộc mít tinh với hàng nghìn người. Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, tại đền thờ Cao Lỗ đã tổ chức hội nghị toàn miền Bắc tổng kết phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa mở đầu cho cao trào thi đua toàn miền Bắc. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đền được làm kho chứa lương thực của huyện Hoằng Hóa trên đường vận chuyển vào miền Nam.


Ảnh 7.jpg

Nếu về với Hoằng Giang những ngày đầu xuân, bên cạnh tìm hiểu về những giá trị di tích Quốc gia – Đền thờ Tướng quân Cao Lỗ trên vùng đất này còn được hòa mình trong những phong tục tập quán riêng có của địa phương. Làng Trinh Sơn (làng Chiêng) và làng Hợp Đồng (làng Đầu) đều có Đình lớn thờ Thành Hoàng, Làng Chiêng thờ tướng quân Cao Sơn, làng Đầu thờ tướng quân Cao Lỗ.

Ảnh 8.jpg

Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày hai làng tổ chức rước thần, tục gọi là đi chạ, năm này thần làng này đến đình làng kia, sang năm ngược lại, cứ thế luân phiên hàng năm, làng nào được đón thần phải khiêng kiệu đến đón tại địa điểm gọi là nơi giao chạ. Khi đi rước thần, trai tráng mặc áo lửng đỏ, đai nịch, có đội nhạc Bát âm, cờ biển, tàn, lộng, gươm giáo rợp trời. Làng được đón thần, phải làm cỗ tế lễ 2 thần, tế lễ xong trai tráng hương lý, quan viên, chức sắc vào ăn cỗ chạ. Ngày hội chạ luôn là ngày thật vui và náo nhiệt.
Tuy là hai làng trong một xã nhưng các làng ở xã Hoằng Giang luôn có sự liên hệ, gắn bó, đoàn kết, đồng thời, luôn là cái nôi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

 

Truy cập
Hôm nay:
176
Hôm qua:
14416
Tuần này:
176
Tháng này:
196317
Tất cả:
15351491