Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tiếp xúc cử tri xã Hoằng Hóa sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Thực hiện Kế hoạch số 129/KH-ĐĐBQH ngày 30/6/2025 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa về việc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 9/7/2025, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã có buổi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kiến nghị và phản ánh của cử tri xã Hoằng Hóa.
Tham dự buổi tiếp xúc có ông Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên hoạt động chuyên trách Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; ông Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; ông Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa; cùng đại diện Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành: Xây dựng, Nội vụ, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tham dự Hội nghị
Về phía xã Hoằng Hóa có đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; đồng chí Trịnh Thị Quế, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Văn Tú, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực HĐND, thành viên UBND, lãnh đạo Ủy ban MTTQ xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận các thôn và đông đảo cử tri đại diện cho 42 thôn trên địa bàn xã.
Các đồng chí lãnh đạo xã tham dự Hội nghị
Tại buổi tiếp xúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã thông tin tới cử tri kết quả nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh tại các kỳ họp trước. Nhiều ý kiến, kiến nghị thiết thực đã được cử tri xã Hoằng Hóa thẳng thắn phản ánh.
Cử tri thôn Ngọc Đỉnh đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với điều kiện làm việc hiện nay theo mô hình chính quyền hai cấp, đồng thời kiến nghị tăng kinh phí hoạt động cho các đoàn thể, do địa bàn rộng, phong trào nhiều, số lượng hội viên đông.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiên tham gia tại Hội nghị. Trong dó tiêu biểu các ý kiến của các cử tri: Bà Lê Thị Yên, Trưởng phố Phú Vinh Đông phát biểu ý kiến về công tác cán bộ ở cấp thôn, hiện nay ngoài phụ cấp theo quy định thì thu nhập thêm của đội ngũ cán bộ thôn rất khó khăn; do vậy chủ yếu là người cao tuổi đảm nhiệm, nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công việc theo chức năng, nhiệm vụ. Đề nghị Trung ương có giải pháp về cơ chế, chính sách để cấp thôn thu hút người trẻ tuổi, người có trình độ, tâm huyết tham gia gánh vác nhiệm vụ chính trị - xã hội ở thôn, phố, nhất là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn như: Có cơ chế hỗ trợ để cán bộ thôn ( gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn) được tham gia đóng BHXH, BHYT bắt buộc; Nâng cao hệ số phụ cấp cho cán bộ thôn, có khen thưởng khích lệ; Bồi dưỡng chuyên môn, nghệp vụ cho cán bộ trẻ; Xem xét mô hình thí điểm: “Cán bộ Chuyên trách” về làm việc ở cấp thôn.

Cử tri Lê Thị Yên Trưởng phố Phú Vinh Đông phát biểu ý kiến
Cử tri Hoàng Ngọc Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT Thôn 1 Hồng Thái: phát biểu ý kiến về lĩnh vực Tài nguyên Môi trường: Hiện nay trên địa bàn xã Hoằng Hóa có rất nhiều dự án thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên giá đền bù đất ở Thanh Hóa vẫn giữ nguyên từ năm 2015 đến nay là 45.000đồng/ m². Cộng với số tiền hỗ trợ đời sống khi Nhà nước thu hồi đất ; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm; Đền bù hoa màu. Bình quân Tổng số tiền mà nhân dân nhận được sau khi nhà nước thu hồi là 67 triệu đồng/ 500m² (1 sào Trung bộ). Như vậy là rất thấp so với quy định, gây thiệt thòi cho người dân. Thực tế, giá đất đền bù thường thấp hơn giá thị trường, khiến người dân không nhận được khoản bồi thường thỏa đáng khi Nhà nước thu hồi đất. Đề nghị các cấp có thẩm quyền, cần điều chỉnh kịp thời giá đất và mức hỗ trợ cho phù hợp với thời điểm hiện nay.
Cử tri Hoàng Ngọc Thành,Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT Thôn 1 Hồng Thái:
Cử tri Trương Văn Thọ, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận Thôn 2 Hồng Thái: Về lĩnh vực Giáo dục: Hiện nay vấn đề dạy thêm, học thêm được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Đó là sự ra đời của Thông tư số 29, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục, bên cạnh nhiều điểm tích cực, thì vẫn còn nhiều bất cập cho phụ huynh, học sinh và nhà trường. Do nhu cầu của phụ huynh, học sinh về học thêm, khi không thực hiện dạy thêm trong nhà trường thì các cháu sẽ được phụ huynh đăng ký tham gia học tại các trung tâm. Việc các cháu học tại các trung tâm khiến phụ huynh có một số lo lắng và thấy không hợp lý. Thứ nhất: Về giá tiền của 1 buổi học thêm, trước đây khi học thêm trong nhà trường mỗi buổi có từ 18 đến 20 nghìn đồng, nhưng nay học ngoài trung tâm mỗi buổi từ 50 đến 70 nghìn đồng hoặc cao hơn tùy vào số lượng Học sinh tham gia học. Mặc dù là thỏa thuận giữa Trung tâm với phụ huynh, nhưng đây cũng là giá quá cao so với điều kiện kinh tế của các gia đình ở nông thôn. Thứ hai: Khi học ở trung tâm thì các cháu học sinh không được học cùng với cô giáo dạy trên trường của mình, mà phải học với thầy cô giáo khác, đây cũng là vấn đề mà phụ huynh thấy không hợp lý. Trước đây khi học thêm trong nhà trường thì chất lượng học tập của các cháu được các thầy cô quan tâm và được sự đánh giá, giám sát của các nhà trường về chất lượng, hiệu quả. Còn khi các cháu học ở ngoài trung tâm thì không có cơ quan chức năng nào đánh giá chất lượng. Thứ ba: Một số gia đình không có điều kiện cho các con học thêm ở trung tâm, trong khi nhà trường không tổ chức dạy thêm, thì thời gian ở nhà các cháu chưa tự ý thức, tự lập trong việc học, dẫn đến việc các cháu rủ nhau tụ tập đi chơi, chơi game, chơi những trò chơi không bổ ích, thậm chí là dẫn nhau ra đi tắm sông, tắm ao có thể gây đến tai nạn đuối nước …Đề xuất với các cấp, các ngành một số mội dung sau: Cần quản lý chặt chẽ vấn đề dạy thêm học thêm ở các Trung tâm nhất là giá tiền thu mỗi buổi học. Ban hành các hướng dẫn cụ thể để cho tất cả các học sinh được học thêm ở trong nhà trường.
Cử tri Lê Bá Sỹ,Bí thư Chi bộ, Trưởng Thôn Nội Tý: Hiện nay số cán bộ không chuyên trách ở cấp xã chủ yếu là cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, được học hành, đào tạo đầy đủ. Tuy nhiên thực hiệnCông văn 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay sẽ kết thúc kể từ ngày 01/8/2025,thì được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế. Tuy nhiên, do phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay không cao, nên mức trợ cấp đối với với các đối tượng này dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã còn rất thấp. Vì vậy, để tạo điều kiện giải quyết chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Đề các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn để đảm bảo đời sống. Đồng thời, có chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc.

Cử tri Lê Bá Sỹ,Bí thư Chi bộ, Trưởng Thôn Nội Tý
Cử tri Đặng Văn Chinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngọc Đỉnh:- Hiện nay việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đã hoạt động ổn định. Số lượng cán bộ công chức làm việc đông. Đề nghị hỗ trợ kinh phí từ cấp trên, để xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện làm việc hiện nay (Chính quyền 2 cấp). Sau khi sáp nhập 6 xã thành xã Hoằng Hóa, địa bàn hoạt động của xã rất rộng, dân số thì đông, các đơn vị thôn, chi hội thì nhiều. Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét tăng kinh phí hoạt động cho các Đoàn thể cấp xã, kinh phí hoạt động của thôn, các chi hội.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Lê Thanh Hải – Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch HĐND xã bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đối với địa phương. Đề nghị Quốc hội sớm phân cấp thẩm quyền, duyệt quy hoạch để cấp xã dễ điều hành công việc. Hiện nay Bộ giáo dục ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nội dung chồng chéo nhau, phân cấp quản lý bất cập, như về công tác cán bộ thì do tỉnh quản lý, nhưng về kinh phí hoạt động cho giáo dục thì lại do cấp xã lo. Tại Hội nghị đồng chí ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự thẳng thắn của cử tri xã nhà trong việc nêu lên các ý kiến, kiến nghị thiết thực, gắn với thực tiễn đời sống nhân dân. Đồng chí kiến nghị Trung ương, tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng hành chính, tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách và có cơ chế thu hút, đào tạo cán bộ trẻ tại cơ sở. Đồng chí mong muốn Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp tục là cầu nối truyền tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới Quốc hội và các cơ quan chức năng, góp phần thúc đẩy phát triển xã Hoằng Hóa bền vững.

Đồng chí Lê Thanh Hải - Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch HĐND xã đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri xã Hoằng Hóa; trao đổi, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm. Những ý kiến, kiến nghị tại hội nghị sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp đầy đủ, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định.
Đồng chí Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị
Cao Nga