QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hoàng Ngọc Dũng- người gắn bó, tâm huyết với bảo vệ và phát triển rừng

Đăng lúc: 09:26:21 08/09/2016 (GMT+7)

Thôn 1 xã Hoằng Yến- nằm cách xa trung tâm xã tới 7km, con đường nhựa quanh co từ trung tâm xã về thôn 1, một bên đường là núi rừng ngút ngàn xanh mát, một bên đường là ruộng lúa và đầm hồ đang nuôi trồng thủy sản khá sôi nổi. Có thể hình dung được đời sống người dân của thôn 1- Hoằng Yến đã có sự đổi thay rất nhiều so với trước kia.

Hỏi thăm nhà anh Hoàng Ngọc Dũng không ai là không biết, bởi anh là trưởng thôn 1 lâu đời nhất, khi còn đang rất trẻ. Nhiều người thường quan niệm “chức danh” trưởng thôn, trưởng làng phải là các cụ có tuổi ít nhất cũng phải ngũ tuần hay đã hưu trí, như vậy mới có đủ thời gian rảnh và trải nhiệm cuộc sống để cáng đáng công việc, mới có lời nói "đủ nặng" để bà con nghe. Thế nhưng quan niệm “già làng- trưởng thôn” dường như đã thay đổi cách đây 16 năm khi họ tín nhiệm chàng trai trẻ Hoàng Ngọc Dũng chỉ mới 29 tuổi năm ấy làm trưởng thôn.

Làm thôn trưởng thôn 1- xã Hoằng Yến khi tuổi đời còn trẻ như vậy, nhưng anh Dũng tận tụy không kém, hơn nữa, sự tháo vát và bắt nhịp cuộc sống hiện đại phần nào giúp bà con bớt vất vả hơn. Thôn 1 là thôn có rừng lớn nhất của xã Hoằng Yến, với 134ha rừng (chiếm trên 60% diện tích rừng toàn xã), công việc có lẽ nặng nề và khó khăn nhất đối với anh Dũng từ khi “chập chững” làm trưởng thôn cho đến nay, đó là làm sao để bảo vệ được rừng, phát triển được rừng và hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng.

08.9.2016.7.JPG

Xuất phát từ thực tế địa phương, và cũng từ niềm đam mê, hay nói đúng hơn là tình yêu đối với rừng- “lá phổi” của quê hương; trước khi làm trưởng thôn, năm 1996 anh đã xin xã cho chăm sóc và phát triển 1 lô rừng của thôn với diện tích hơn 1 ha; thời gian bắt đầu mới làm trưởng thôn, có 1 số hộ dân trong thôn “ngại” với chăm sóc rừng ở những khu vực địa hình đồi núi dốc, cao, hiểm trở, anh Dũng đã xin tiếp nhận lại 2ha để trồng bổ sung thêm cây keo và tràm, nhằm mục đích phủ xanh đồi trọc, không để hoang hóa. Khi hỏi chuyện, anh Dũng khiêm tốn kể lại, để phát triển được 3ha rừng của gia đình như hôm nay đều nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và chính quyền địa phương cũng như hỗ trợ của bà con trong thôn. Từ một phần hỗ trợ về cây giống và ngày công trồng rừng của Nhà nước nên gia đình anh cũng đã bớt được phần khó khăn về kinh phí đầu tư trồng rừng. Cho đến nay, anh đang là chủ của hơn 3ha rừng xanh mướt trên những đồi núi cao của thôn, chủ yếu là trồng thông, keo, tràm; các cây này đều đã từ 10-15 năm tuổi, một số cây keo và tràm đã cho thu hoạch gỗ, còn thông để tận thu nhựa. Anh Dũng cho biết, số lần gia đình thu hoạch gỗ rất ít, có chăng cũng theo hình thức thu hoạch tỉa vừa để đảm bảo mật độ cho cây phát triển tốt, vừa tăng phần nào đó nguồn thu nhập cho gia đình, nhưng vẫn phải lấy yếu tố bảo vệ, phát triển rừng là chính.

Với công việc vừa là trưởng thôn vừa là chủ rừng, anh Hoàng Ngọc Dũng hàng ngày mất khá nhiều thời gian cho 2 công việc này, còn công việc gia đình đều do vợ anh quán xuyến, phần lớn thời gian của anh đều dành cho công tác xã hội và chăm sóc, bảo vệ rừng. Hiện nay trong thôn có 55 chủ rừng, anh cũng như các chủ rừng khác, đều có chung tâm huyết giữ rừng- phát triển rừng, do đó việc bảo vệ rừng hàng ngày được thực hiện thường xuyên, nhất là vào thời điểm mùa nắng nóng và mùa hanh khô. Hiện trong thôn luôn duy trì 1 tổ an ninh trật tự do anh Dũng làm tổ trưởng, vừa làm công tác đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong thôn vừa túc trực, tuần tra, bảo vệ rừng. Để tăng cường thêm lực lượng, anh Dũng đã lập danh sách và phân công lịch cụ thể cho 55 chủ rừng, phối hợp cùng tổ an ninh trật tự thôn đi kiểm tra, thăm rừng theo từng ngày luân phiên nhau, đảm bảo thời điểm nào cũng có người kiểm soát trên rừng kể cả ban ngày hay đêm tối. Điều đáng nói ở đây đó là các chủ rừng làm nhiệm vụ phối hợp bảo vệ rừng đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện, không kinh phí, nhưng rất nhiệt tình và trách nhiệm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nhắc nhở bà con trong thôn nâng cao ý thức bảo vệ rừng và tham gia phòng cháy chữa cháy rừng được anh Dũng liên tục thực hiện bằng việc lồng ghép qua các buổi họp thôn và tuyên truyền trên loa của thôn; một số khoảng rừng trước đây bị cháy, anh Dũng đang có đề nghị trồng bổ sung thêm cây trồng mới. Hiện anh Dũng cũng là thành viên tổ bảo vệ rừng của xã Hoằng Yến và là thành viên hợp đồng phòng cháy chữa cháy rừng  của Hạt kiểm lâm ven biển, tham gia tích cực vào công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng  trên địa bàn xã; anh Dũng nhận thấy rằng cần lấy tinh thần, trách nhiệm và sự gương mẫu làm trọng để thuyết phục, vận động bà con trong thôn cũng như người thân, gia đình hành động tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng.

16 năm làm trưởng thôn với đồng phụ cấp ít ỏi cùng với 20 năm gắn bó, tâm huyết với rừng, anh Dũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm về chăm sóc và bảo vệ rừng- vất vả có, khó khăn có, nhưng chưa bao giờ anh “chán” rừng hoặc có ý định thoái thác nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ rừng cho ai- chính những điều này mà bà con trong thôn luôn tôn trọng ý kiến của anh và quý mến anh hơn.

Một ngày mới thức dậy với việc làm đầu tiên của anh đó là đi thăm một vòng vài lô rừng trong thôn; như anh vẫn nói vui rằng: “thăm rừng vừa để tập thể dục vừa hít thở không khí trong lành ban sớm nơi tràn đầy màu xanh của cây cối, lại cảm thấy như mình tăng thêm được tuổi thọ”./.

Phương Trang- Đài TT Hoằng Hóa

Truy cập
Hôm nay:
862
Hôm qua:
15279
Tuần này:
81358
Tháng này:
16141
Tất cả:
15664673