Hiệu quả từ mô hình sản xuất rau an toàn VietGap ở xã Hoằng Hợp
Với thân đất cao, chủ động tưới tiêu nên ngoài sản xuất thâm canh cây lúa nước với 2 vụ trong năm, Hoằng Hợp còn là một xã có truyền thống sản xuất rau màu với những vùng chuyên canh quy mô lớn.
Nhờ nắm vũng các yếu tố về điều kiện tự nhiên và xã hội như đất đai, thổ nhưỡng, nhân lực, tập quán sản xuất, Hoằng Hợp đã xác định được mô hình phù hợp, bước đầu tích tụ đất, bố trí cây trồng, tạo ra được các sản phẩm chủ lực có tính ổn định và hiệu quả. Với trình độ sản xuất thâm canh cao, những năm gần đây, nhiều loại cây trồng có giá trị hàng hoá cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường như cây mướp đắng, bí xanh, đậu leo, đậu xanh, su su..vv đã được đưa vào sản xuất rộng rãi trên đồng đất Hoằng Hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại Hoằng Hợp, những loại cây trồng có giá trị hàng hoá cao hầu như được gieo trồng quanh năm với diện tích thường xuyên là 70 ha. Đặc biệt là vụ đông ngày càng trở nên sôi nổi với việc mở rộng diện tích canh tác trên đất 2 lúa. Diện tích vụ đông luôn dao động từ 100 đến 120 ha. Các loại rau quả sản xuất ra được các lái buôn từ các nơi khác về tận nơi thu mua đã hình thành nên những mối liên kết sản xuất – tiêu thụ ban đầu. Hiện tại, hàng ngày, Hoằng Hợp đang tiêu thụ trên thị trường hàng chục tấn rau các loại.
Cây bắp cải trong vùng RAT xã Hoằng Hợp
Đặc biệt, từ năm 2008, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) đã liên kết với Công ty TNHH Sản xuất và Cung ứng rau quả an toàn VRAT thực hiện sản xuất rau an toàn (RAT) trên diện tích 5 ha với 60 hộ xã viên tham gia.
Vốn là địa phương có truyền thống thâm canh rau, có thế mạnh về nông nghiệp nhờ quỹ đất dồi dào, nên địa phương đã xác định đây là hướng đi trọng tâm để phát triển kinh tế. Xã đã sớm hình thành vùng chuyên canh rau màu đầy đủ chủng loại, đủ đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong huyện cũng như một số địa phương lân cận. Tháng 10-2010 được sự tài trợ của dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn bà con quy trình sản xuất rau theo quy trình VietGap: từ khâu làm đất, chọn giống rau, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch hại... đến kỹ thuật sơ chế, đóng gói, dán tem mác sản phẩm RAT. Vì thế, kết quả ứng dụng sản xuất RAT theo quy trình VietGap đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo nên vùng chuyên canh rau sạch có thương hiệu; đồng thời thay đổi tập quán trồng rau của bà con theo hướng sạch hóa, tuân thủ các quy trình kỹ thuật của sản xuất RAT... và nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Theo tính toán sơ bộ, mỗi sào (500 m2) rau mồng tơi sau khi thu hoạch cho thu nhập 2,2 triệu đồng, trừ chi phí bà con nông dân lãi 1,8 triệu đồng; mỗi sào mướp đắng cho thu nhập 4 triệu đồng, lãi 3,4 triệu đồng... Nếu so sánh với cách làm thông thường thì sản xuất RAT cho thu nhập cao hơn cả trăm triệu đồng trên cùng một đơn vị diện tích (350-360 triệu đồng/ha so với 250-260 triệu đồng/ha). Chính sự khác biệt rõ rệt này đã tạo nên động lực thúc đẩy các hộ dân hăng hái tham gia mô hình, từ chỗ chỉ có 60 hộ xã viên tham gia đến nay HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Hoằng Hợp đã trên 100 hộ tham gia mô hình.
Nhờ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách đã giúp người nông dân giảm được chi phí, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn hẳn so với sản xuất rau thông thường. Bà Nguyễn Thị Thảo, thôn Phú Qúy, cho biết: Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn khoa học - kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng RAT, tuy khó hơn cách làm truyền thống nhưng hiệu quả mang lại cao hơn nhiều nên nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa hiệu quả kém sang trồng RAT.
Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện mô hình đã làm thay đổi hoàn toàn tập quán sản xuất của các hộ xã viên, việc sản xuất đã tuân thủ các bước theo quy định của VietGap. Hiện tại HTX có 24,5 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, HTX cũng đã thành lập ban quản lý VietGap với 5 tổ sản xuất chịu trách nhiệm điều hành, theo dõi hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ xã viên nhằm bảo đảm việc sản xuất thực hiện theo đúng quy định. Hiện nay, sản phẩm RAT theo mô hình VietGap của xã Hoằng Hợp đã có mặt tại các siêu thị lớn như: BigC, Coopmart, bếp ăn tập thể của một số đơn vị, doanh nghiệp. Xã đang tiếp tục tăng cường phối hợp với các nhà phân phối, nhà bán lẻ để đưa sản phẩm RAT đến được nhiều hơn với người tiêu dùng.
Rau an toàn trong nhà lưới xã Hoằng Hợp
Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Vinh – chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Hoằng Hợp được biết: Hiện nay, mô hình RAT trên địa bàn xã Hoằng Hợp có tổng diện tích được công nhận là 24,5 ha. Giá trị thu nhập bình quân của các sản phẩm RAT cao hơn so với sản xuất rau thông thường trước đây. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng và giá trị vẫn chưa đạt được như mong muốn, đầu ra cho sản phẩm còn khá bấp bênh, vì vậy người dân chưa thực sự yên tâm đầu tư sản xuất. Ông Vinh cho biết: Rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã đang được thực hiện tại vùng sản xuất của 6 thôn: Phú Qúy, Lộc Thọ, Lộc Bính, Lộc Ất, Minh Quang và Qùy Thanh với gần 100 hộ nông dân tham gia mô hình. Tuy nhiên, sản phẩm RAT mang thương hiệu “RAT Hoằng Hợp” hiện chỉ mới được HTX thu mua tiêu thụ khoảng 20% đến 40% sản lượng sản phẩm mà người làm ra tùy vào mùa vụ, 60% đến 80% còn lại chủ yếu vẫn do người dân tự tiêu thụ trên thị trường.
Việc sản xuất rau an toàn vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn như: diện tích sản xuất nhỏ lẻ, nhận thức về sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng còn hạn chế, bên cạnh đó, sản xuất rau an toàn vẫn chưa tìm được thị trường bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn… Do vậy, cần có thêm những chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất RAT theo quy trình ViệtGAP, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX dịch vụ tiếp thị tiêu thụ RAT, đồng thời, tổ chức xây dựng vùng chuyên canh RAT gắn với thương hiệu của các HTX, doanh nghiệp tạo niềm tin cho người tiêu dùng, để rau an toàn được tiêu thụ đúng với giá trị thực của nó.
Thanh Qúy – Đài TT Hoằng Hóa
- Tập trung bón phân đón đòng cho lúa vụ Xuân 2024
- Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khu dân cư trên địa bàn huyện
- Huyện Hoằng Hoá – trồng trên 35 nghìn cây xanh, cây bóng mát
- Hội nghị triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 7 và mưa lũ sau bão
- Hoằng Hóa phát triển trên 200 ha nuôi tôm theo hướng công nghiệp
- Hội nghị khuyến nông @ nông nghiệp: chủ đề “các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm”.
- Hoằng Hóa – tập trung thu hoạch lúa vụ mùa 2020
- Hoằng Xuân –tập trung thu hoạch lúa vụ mùa 2020
- Thanh niên Lê Đình Sỹ- khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn
- Hoằng Hóa chuẩn bị các điều kiện nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè 2020