Người CCB say sưa với đồng ruộng
Là người say mê với đồng ruộng, ban đầu anh đã thuê lại đất của nông dân trong xã, đưa vào sản xuất 16 mẫu lúa nước – trở thành ông “vua lúa” ở Hoằng Phú với diện tích sản xuất lớn nhất xã.
Nói đến anh Lê Văn Mong - CCB thôn Phú Thượng xã Hoằng Phú thì người dân trong xã cũng như các ngành trong khối nông nghiệp của huyện đều biết đến bởi anh là người đầu tiên ký hợp đồng sản xuất mạ khay và cũng là người đi tiên phong dám đầu tư đưa máy cấy cùng quy trình sản xuất máy cấy mạ khay vào đồng đất Hoằng Phú.
Sinh ra và lớn lên ở xã Hoằng Phú, có lẽ truyền thống quê hương anh hùng trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất đã hun đúc nên tính cách, ý chí quyết tâm cho những người sinh ra và lớn lên ở nơi đây như anh Mong. Cũng như bao thanh niên khác, năm 1983, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ, sau 6 năm phục vụ trong quân đội, năm 1989 anh xuất ngũ mang theo chí trai. Trở về địa phương trong hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn: 1 người mẹ già, vợ và 3 đứa con còn nhỏ nhưng với sức trẻ, sự nhiệt huyết của mình, không cam chịu đói nghèo, anh bắt tay ngay vào lao động sản xuất. Là người say mê với đồng ruộng, ban đầu anh đã thuê lại đất của nông dân trong xã, đưa vào sản xuất 16 mẫu lúa nước – trở thành ông “vua lúa” ở Hoằng Phú với diện tích sản xuất lớn nhất xã. Trực tiếp sản xuất lúa nước, thấy được những khó khăn vất vả của người nông dân – một nắng hai sương trên đồng ruộng đã nhen nhóm lên trong anh ý nghĩ phải đổi mới cách làm để chính bản thân gia đình mình và người nông dân trong xã bớt khổ mà lại có thu nhập cao.
Năm 2010, địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, ô thửa nhỏ tập hợp thành những ô thửa lớn, thuận tiện đưa máy móc vào làm đất và các giống mới vào gieo trồng. Lúc đó, chủ trương của huyện và của xã cũng là đưa các giống lúa lai, lúa hàng hóa vào gieo cấy để nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập cho nông dân. Như cá gặp nước, anh Mong có cơ hội thực hiện những dự định mình ấp ủ bao năm. Anh tâm niệm: “mình là CCB, là bộ đội Cụ Hồ phải có tinh thần xung phong cách mạng, gương mẫu đi đầu”. Trên diện tích của gia đình, anh đưa vào gieo cấy 70% giống lúa chất lượng cao như hương thơm, bắc thơm. Với suy nghĩ “muốn biết phải khiêm tốn học hỏi”, anh đã tìm đến những kỹ sư nông nghiệp trong huyện trong tỉnh để học hỏi về cách gieo mạ, làm lúa nước. Dần tích lũy kinh nghiệm, đến nay, anh đã vô cùng thành thạo trong sản xuất cây lúa nước, từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Với những giống lúa chất lượng cao, vụ nào gia đình anh cũng đạt năng xuất từ 2,8 tạ đến 3 tạ/sào.
Mặc dù làm lúa nước vẫn đang cho gia đình anh thu nhập ổn định nhưng với ý chí và quyết tâm làm giàu, CCB Lê Văn Mong vẫn canh cánh một điều là mình phải làm gì đó để trong sản xuất lúa nước giảm được sức lao động và chi phí đầu vào. Từ suy nghĩ ấy, hàng ngày ông đều dành thời gian xem tivi hoặc lên mạng internet để tìm hiểu các thông tin nông nghiệp, đến các HTX trong huyện, trong tỉnh và cả ngoài tỉnh để tìm hiểu. Cuối cùng, anh đã quyết định, thu hẹp diện tích sản xuất lúa nước của gia đình xuống còn 4 mẫu, đấu thầu đất 5% ở khu vực cồn Đắp Cao của xã Hoằng Phú để làm mô hình trang trại. Bước đầu, anh đầu tư mua máy cấy, thực hiện mô hình sản xuất mạ khay máy cấy – là người đầu tiên trong xã Hoằng Phú thực hiện mô hình này. Hiện mỗi vụ, anh cung cấp cho thị trường từ 8.000 đến 9.000 khay mạ, sử dụng máy cấy, cấy trực tiếp cho 4 mẫu lúa của gia đình và cấy thuê 30 mẫu. Riêng vụ chiêm xuân 2016, anh đã cung ứng ra thị trường 12.000 khay mạ. Để đảm bảo cho máy hoạt động tốt, anh còn nhờ nhà sản xuất truyền đạt kỹ thuật, kinh nghệm gieo mạ dành riêng cho máy cấy. Với một máy cấy không động cơ nếu gieo mạ chuẩn thì một người cấy được từ 7-8 sào/ngày, giảm được sức lao động, nhất là đối với chị em phụ nữ những người thường đảm nhiệm việc cấy hái, giảm được tiền thuê nhân công, cấy đúng tuổi mạ và chớp được thời vụ.
Cùng từ niềm say mê với đồng ruộng, anh lại muốn tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp để chăn nuôi. Vì vậy, bên cạnh làm lúa, dịch vụ mạ khay máy cấy, anh còn trồng mía trắng, trồng cỏ để chăn nuôi bò. Từ 3 bò mẹ, nay anh đã phát triển lên 7 bò mẹ và sang năm, đàn bò của anh sẽ phát triển lên 10 con, Ngoài ra, anh còn nuôi 200 vịt đẻ. Trồng thêm ngô, lạc và đậu trên đất của mình. Thu nhập từ mô hình trang trại của anh, mỗi năm, hàng trăm triệu đồng. Anh đang dự định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi.
Với niềm say mê đồng ruộng, CCB Lê Văn Mong còn ấp ủ rất nhiều dự định. Bên cạnh niềm mong mỏi muốn áp dụng KHKT vào sản xuất thì động lực của anh chính 3 con chăm ngoan, học giỏi: 1 cháu đã tốt nghiệp trường Đại học kế toán tài chính, 1 cháu tốt nghiệp học viện quản lý giáo dục và cậu út hiện đang là sinh viên năm 3 trường Đại học ngoại giao.
Năm nay, CCB Lê Văn Mong đã 54 tuổi. “Sức khỏe còn, còn cống hiến cho ruộng đồng” là suy nghĩ của anh. Sự say mê ấy, tình yêu với đồng ruộng của CCB Lê Văn Mong thôn Phú Thượng xã Hoằng Phú chưa bao giờ vơi, còn sức khỏe ông sẽ còn đi, đi tìm, học những điều hay, cái mới để làm nên những mùa vàng bội thu./.
- Tập trung bón phân đón đòng cho lúa vụ Xuân 2024
- Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khu dân cư trên địa bàn huyện
- Huyện Hoằng Hoá – trồng trên 35 nghìn cây xanh, cây bóng mát
- Hội nghị triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 7 và mưa lũ sau bão
- Hoằng Hóa phát triển trên 200 ha nuôi tôm theo hướng công nghiệp
- Hội nghị khuyến nông @ nông nghiệp: chủ đề “các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm”.
- Hoằng Hóa – tập trung thu hoạch lúa vụ mùa 2020
- Hoằng Xuân –tập trung thu hoạch lúa vụ mùa 2020
- Thanh niên Lê Đình Sỹ- khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn
- Hoằng Hóa chuẩn bị các điều kiện nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè 2020