Trăn trở phát triển kinh tế rừng ở Hoằng Khánh
Hầu hết diện tích rừng tại Hoằng Khánh đều được đầu tư cây giống từ dự án, người dân chỉ bỏ công trồng chứ chưa quan tâm đến việc chăm sóc, bón phân cho diện tích rừng trồng. Trồng rừng theo cách này đồng nghĩa với việc người dân đang “bóc lột” đất, làm nghèo kiệt đất rừng. Hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Xã Hoằng Khánh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 420,7 ha. Nhận thức rừng là nguồn tài nguyên quý, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh, có giá trị lớn về môi sinh, môi trường; tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân, vì vậy, cấp ủy, chính quyền, chủ rừng trên địa bàn xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Trên 400 ha rừng và đất lâm nghiệp tại Hoằng Khánh, rừng thông chiếm chủ yếu với 2/3 tổng diện tích, còn lại là rừng trồng kết hợp thông – keo, thông – keo – bạch đàn. Từ năm 1990 trở lại đây, đặc biệt từ năm 1994, với công tác xã hội hóa nghề rừng, chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, với nhiều dự án, nguồn vốn đầu tư trồng rừng như Dự án 147, 661, PAM…Nhà nước đã từng bước đầu tư kinh phí, vận động nhân dân và các tổ chức xã hội trên địa bàn xã Hoằng Khánh tích cực tham gia bảo vệ rừng. Sau vụ cháy năm 2015, từ đầu năm 2016 đến nay, địa phương đã phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng kiểm lâm – Hạt kiểm lâm ven biển Thanh Hóa tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện tuần tra, làm đường băng cản lửa BVR nên tình hình an ninh rừng tại Hoằng Khánh được đảm bảo ổn định.
Với phương châm “Đổi mới tổ chức quản lý BVR theo hướng xã hội hóa”, xã Hoằng Khánh đã phát huy được sức mạnh của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, chủ rừng và nhân dân chung sức tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), sử dụng tài nguyên rừng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh cho biết: Xác định rừng phải có chủ thực sự để thực hiện công tác BV&PTR có hiệu quả, đến nay, đã có 168,72 ha diện tích đất lâm nghiệp và rừng xã đã giao cho hơn 400 hộ quản lý, khoanh nuôi và bảo vệ. Để người dân quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao gắn với phát triển kinh tế, công tác khuyến lâm được chú trọng, các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả đã được phổ biến đến các hộ dân. Tuy nhiên, diện tích đất lâm nghiệp tại Hoằng Khánh chủ yếu là núi cao, địa hình không thuận lợi, nên suốt nhiều năm qua, kinh tế rừng của Hoằng Khánh vẫn được nông dân phát triển theo lối tự phát, sau trồng rừng theo dự án hầu như không có hoạt động chăm sóc và phát triển nghề rừng kết hợp, do đó, quỹ đất rừng và đất lâm nghiệp chưa phát huy hiệu quả như mong muốn và hầu như chưa thể giúp nông dân yên tâm sống bằng nghề trồng rừng. Chính vì vậy, cho đến nay, Hoằng Khánh vẫn chưa thể phát triển mô hình trang trại sản xuất nông – lâm kết hợp. Mặc dù diện tích rừng lớn nhưng toàn xã mới chỉ phát triển khoảng 500 đàn ong và gần 1.000 bò nuôi nhỏ lẻ trong dân. Sau cháy rừng, Hoằng Khánh đã được UBND tỉnh ký quyết định cho khai thác rừng. Trong đó, có 19 hộ đang khai thác trích dưỡng nhựa thông với diện tích 4,3 ha; 4 hộ khai thác tỉa thưa và cây phụ trợ trong rừng thông với diện tích 19,9 ha. 100% diện tích rừng tại xã lại là rừng phòng hộ nên cường độ khai thác không được vượt quá 20%.
Ông Phạm Văn Kỳ - thôn 2 Trà La cho biết: Gia đình ông hiện có 3ha rừng, chủ yếu trồng thông và cây phụ trợ trong rừng thông. Được trồng từ năm 1996, qua hơn 20 năm đầu tư cho loại cây trồng này, ông thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng đem lại chưa được như mong muốn. Hiện tại, diện tích rừng của gia đình ông Phạm Văn Kỳ đang cho khai thác nhựa thông và chặt tỉa các cây trồng phụ trợ. Ngoài trồng rừng, gia đình ông Kỳ cũng phát triển được 6 đàn ong lấy mật. Hiện thôn 2 Trà La xã Hoằng Khánh có tổng diện tích rừng trên 30 ha. 75/82 hộ trong thôn có diện tích rừng, hộ nhận khoán nhiều lên tới 6,9ha, hộ ít cũng 0,5ha. Ngoài hoạt động khai thác tỉa thưa rừng, hiện các hộ trong thôn cũng đang được khai thác trích dưỡng nhựa thông. Bên cạnh đó, các hộ có rừng còn chăn nuôi bò thả rừng và có 30 hộ phát triển được 80 đàn ong. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng còn rất thấp và hầu hết người dân chưa thật sự coi trọng phát triển kinh tế rừng, chưa có sự đầu tư thoả đáng.
Hầu hết diện tích rừng tại Hoằng Khánh đều được đầu tư cây giống từ dự án, người dân chỉ bỏ công trồng chứ chưa quan tâm đến việc chăm sóc, bón phân cho diện tích rừng trồng. Trồng rừng theo cách này đồng nghĩa với việc người dân đang “bóc lột” đất, làm nghèo kiệt đất rừng. Vì vậy, cây chậm lớn, sinh khối ít nên sản lượng gỗ thu được chưa cao. Hơn nữa, hiện tại, diện tích rừng tại Hoằng Khánh hầu hết được giao khoán cho dân chứ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp nên người dân cũng chưa dám đầu tư, khiến họ không mặn mà với đất rừng. Hiện rừng tại Hoằng Khánh 100% diện tích là rừng phòng hộ có thủ tục khai thác sau trồng khá phức tạp, cường độ khai thác theo quy định lại không vượt quá 20% cũng là một trong những rào cản khiến nông dân chưa gắn bó với nghề rừng. Vì vậy, nhiều hộ nhận khoán rừng tại Hoằng Khánh đều có chung mong muốn diện tích rừng phòng hộ tại địa phương sớm được chuyển sang rừng sản xuất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để nông dân an tâm sản xuất và đầu tư, gắn phát triển rừng với bảo vệ rừng.
Với tiềm năng hiện có, để nâng cao năng suất rừng trồng, trong thời gian tới, bên cạnh việc trồng tái sinh rừng sau cháy, Hoằng Khánh cần chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn theo hình thức tỉa thưa điều chỉnh mật độ, không gian dinh dưỡng của rừng. Sử dụng nguồn giống có xuất xứ tốt, từ những cây trội đã được chọn lọc có chất lượng phù hợp đất đai, khí hậu, chống chịu được sâu bệnh, mọc nhanh cho năng suất cao, phẩm chất tốt. Tập trung thâm canh những diện tích rừng hiện có, trong đó, đặc biệt quan tâm tới kỹ thuật làm đất, bón phân, trồng rừng đúng thời vụ. Từ sau khi trồng đến lúc rừng thành thục, người trồng rừng cần thường xuyên phát thực bì, làm cỏ, vun xới gốc từ 3 - 5 năm đầu, tỉa thưa sau khi rừng khép tán; làm tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng trồng của gia đình... Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng cần thực hiện tốt việc hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp, có chính hỗ trợ đầu tư về cây giống, vật tư, phân bón và các chi phí thiết kế, kỹ thuật, quản lý... cho các diện tích rừng trồng.
Trăn trở phát triển kinh tế rừng trồng tại Hoằng Khánh theo hướng thay đổi cách tiếp cận tổng hợp bằng chuỗi hành trình của sản phẩm từ khâu tạo nguyên liệu, cho tới khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là một việc làm rất cần thiết. Qua đó, sẽ nâng cao chất lượng rừng góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững toàn diện gắn với các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng. Đây cũng là tiền đề để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững nhằm góp phần thúc đẩy phát triển về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Thanh Qúy – Đài TT Hoằng Hóa
- Xã Hoằng Đạo hoàn thành thảm nhựa hơn 500m đường giao thông tại thôn Hiền Thôn
- Thẩm định thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu Tiền Thôn xã Hoằng Hoằng Tiến
- TTDVNNhuyện Hoằng Hóa: tổng kết mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh- lúa theo hướng hữu cơ tại Hoằng Đạt
- Đoàn thẩm định thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu kiểm tra, đánh giá tình hình xây dựng thôn NTM kiểu mẫu tại xã Hoằng Hải và Hoằng Xuyên
- Phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hoằng Hải: sự đóng góp thầm lặng, tạo đà phát triển
- Thôn 2- Hoằng Ngọc phấn khởi đón nhận danh hiệu thôn kiểu mẫu năm 2024
- Xã Hoằng Quỳ công bố thôn Đông Khê đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu năm 2024
- Hội nghị trực tuyến giao ban công tác xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 19/8/2023 và một số nội dung quan trọng khác.
- Đoàn thẩm định thôn NTM kiểu mẫu tại thôn Trung Tiến và thôn Đông Khê xã Hoằng Qùy.
- Khởi sắc từ xây dựng thôn NTM kiểu mẫu ở xã Hoằng Hợp