QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hiệu quả từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của cựu chiến binh Nguyễn Thế Hường, xã Hoằng Trinh.

Đăng lúc: 21:55:57 10/06/2022 (GMT+7)

Theo chân Ông Đỗ Xuân Nhâm, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hoằng Trinh, chúng tôi có mặt tại căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi của “CCB Nguyễn Thế Hường” thôn 2, xã Hoằng Trinh.

 Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ không ngại khó, ngại khổ, với tinh thần dám ngĩ dám làm, cựu chiến binh Nguyễn Thế Hường đã thành công với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp kết hợp sản xuất con giống. Xuất ngũ năm 1989 trở về quê hương, những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, trong khi đó 2 con trai lại bị phơi nhiễm chất độc da cam và tàn tật từ bé. Không cam chịu đói nghèo, với bản tính cần cù, chịu khó, phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, ông Hường quyết tâm phát triển kinh tế gia đình bằng đồng vốn ít ỏi vợ chồng tích cóp được. Nhận thấy bản thân có sức khỏe cũng như tinh thần của một người lính Cụ Hồ, ông đã xây dựng mô hình HTX kinh doanh, sản xuất con giống tổng hợp, kết hợp nuôi chim bồ câu Pháp. Ban đầu chỉ kinh doanh nhỏ lẻ để tích lũy kinh nghiệm và nguồn vốn để đầu tư tiếp.

ẢNh 1.jpg

Trải qua nhiều lần thất bại, kinh doanh thua lỗ, đến nay trang trại của ông có diện tích trên 4.500m2, trong đó nhà trại và nhà xưởng 1.500m2. Hiện gia đình đang nuôi 3.500 đôi chim bồ câu Pháp sinh sản. Thời gian đầu có lúc bán ra từ 4.500 - 5.000 đôi chim thịt và giống. Thời kỳ đầu mở rộng kinh doanh, ông vẫn duy trì 4 máy ấp trứng gia cầm, trung bình bán ra 3 - 4 vạn con giống ngan, gà, vịt mỗi năm. Nay chỉ còn một máy với công suất 16.000 trứng/máy. Không chỉ có vậy, cựu chiến binh Nguyễn Thế Hường còn tạo việc làm cho nhiều lao động, thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng. Tính ra, trừ chi phí mỗi năm gia đình thu về gần 1 tỷ đồng. Ông Hường chia sẻ, bản thân đã đi họ hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, kết hợp thông tin báo đài, tìm hiểu tài liệu để mở rộng quy mô. Gia đình chú ý đến khâu an toàn sinh học, nghĩa là từ con giống, thức ăn, môi trường luôn đảm bảo, nhờ vậy chất lượng con giống được đảm bảo, ít xảy ra dịch bệnh. Riêng đối với, chim bồ câu Pháp, ban đầu kinh nghiệm thực tế chưa có, ông chỉ nuôi thử nghiệm nuôi 500 đôi bồ câu Pháp bố mẹ nhập từ trang trại chăn nuôi giống Thụy Phương (Hà Nội). Xét thầy hiệu quả, ông tiếp tục mua thêm giống, đầu tư nhà xưởng, thuê nhân công để phát triển. Đầu ra chim bồ câu Pháp hiện khá ổn, sản phẩm của gia đình có mặt tại hầu hết các hàng ăn, trường học, bếp ăn tập thể… trong và ngoài tỉnh, được kiểm định chất lượng đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hội viên khác có nhu cầu.

ẢNh 2.jpg

 Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi chim bồ câu lai Pháp, giờ đây ông có thể hoàn toàn chủ động về kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim bồ câu. Hàng năm ôngng vẫn không ngừng học hỏi, tiếp thu những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào thực tiễn, hàng năm anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi nói chung và nuôi chim bồ câu nói riêng. Bên cạnh đó, CCB Hường luôn tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh trong chăn nuôi cho các hộ gia đình đến mua chim bồ câu sinh sản để cùng nhau phát triển kinh tế. Ngoài việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi hiện đại, ông còn thực hiện tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn chim theo đúng quy định 6 tháng/lần. Phân thải của chim còn được tận dụng làm phân bón cho rau màu và làm thức ăn cho cá. Do tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, tiêm phòng vắc-xin và xử lý chất thải nên đàn chim của gia đình ông ít bị dịch bệnh. Từ hiệu quả ban đầu, dần dần có vốn, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi và số lượng đàn chim để đạt hiệu quả hơn nữa. Thời gian tới, ông tiếp tục gây giống và phát triển số lượng đàn chim nhiều hơn nữa để cung cấp nguồn thực phẩm tiềm năng tới người tiêu dùng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông luôn gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đi đầu trong các phong trào từ thiện tại địa phương. Theo CCB Hường, với quy mô đàn của gia đình hiện nay chưa đủ cung ứng chim thương phẩm cho các thương lái, chim giống cho các hộ chăn nuôi nên anh dự định sẽ mở rộng quy mô đàn. Không chỉ dừng lại ở đó, ông Hường còn mạnh dạn thầu thêm 4 ha đất của xã Hoằng Xuyên, Hoằng Sơn để làm trang trạo ao cá sinh thái, làm nhà xưởng sơ chế thực phẩm cũng như nuôi con giống sinh sản đảm bảo chất lượng cao.

Ảnh 3.jpg

Trao đổi với chúng tôi, Ông Đỗ Xuân Nhâm, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hoằng Trinh cho biết thêm, ông Hường là một trong những hội viên gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của Hội, tích cực đóng góp các phong trào, cuộc vận động của địa phương… Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của HTX sản xuất con giống và nông sản sạch hộ ông Nguyễn Thế Hường đã mở ra hướng đi mới để người dân trong xã có thêm thu nhập, góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn vốn còn nhiều khó khăn. Về với đời thường CCB Nguyễn Thế Hường luôn cần cù sáng tạo trong sản xuất, tìm tòi ra mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng./.

Thế Khải – Trung tâm VHTTTT&DL

Truy cập
Hôm nay:
5593
Hôm qua:
15097
Tuần này:
59732
Tháng này:
159478
Tất cả:
11652040