QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Mùa xuân trên những cánh đồng vụ chiêm

Đăng lúc: 08:00:00 08/02/2022 (GMT+7)

Khi không khí xuân ngập tràn trên khắp đường làng, ngõ xóm và đâu đó đang vang vọng tiếng trống hội, thì ngay trong những ngày đầu xuân mới, bà con nông dân khắp nơi trên địa bàn huyện đã bắt đầu xuống đồng cấy lúa vụ chiêm xuân 2022.

 Ảnh 1.jpg

Trên đất màu, bà con nông dân đang khẩn trương làm cỏ, vun xới, chăm sóc diện ngô, lạc, đậu và rau màu đã gieo, dưới cánh đồng lúa vụ chiêm xuân, bà con nông dân tranh thủ thăm mạ, xuống đồng cấy trong tiết lập xuân. Khắp các cánh đồng, đâu đâu cũng thấy không khí lao động đầu năm trong tiếng cười nói của bà con nông dân. Đồng ruộng rộn ràng đầu xuân mới. 

Ảnh 2.jpg

Vụ chiêm xuân được xác định là một trong ba vụ chính của người dân huyện Hoằng Hóa. Để đảm bảo sản xuất thắng lợi, ngay từ đầu mùa vụ lãnh đạo huyện đã trực tiếp đi khảo sát và chỉ đạo kế hoạch sản xuất cho vụ chiêm xuân năm 2021 - 2022. Theo nhận định của phòng nông nghiệp huyện, sản xuất vụ chiêm xuân năm nay không phải đối mặt với khó khăn về khung thời vụ, nước tưới như năm trước. Song để đạt năng suất, sản lượng theo kế hoạch đề ra, đòi hỏi các địa phương phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo, sẵn sàng các điều kiện phòng tránh rét cho lúa. Theo kế hoạch, vụ chiêm xuân 2022, huyện Hoằng Hóa phấn đấu tổng diện tích gieo trồng  đạt 9.050 ha. Trong đó, mục tiêu một số cây trồng chính: cây lúa 6.200 ha, năng suất bình quân 67,5 tạ/ha, sản lượng 41.850 tấn; cây ngô 1.000 ha, năng suất bình quân 58,9 tạ/ha, sản lượng đạt 5.890 tấn; cây lạc 900 ha, năng suất bình quân 26,2 tạ/ha, sản lượng 2.358 tấn; rau các loại 600 ha, năng suất bình quân đạt 175 tạ/ha, sản lượng đạt 10.500 tấn và cây trồng khác 350 ha. Toàn huyện phấn đấu giảm diện tích đất trồng lúa chuyển sang cây trồng khác hoặc cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản; diện tích cây trồng liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm từ 450 ha gồm: lúa, khoai tây, bí xanh, ngô ngọt, rau các loại.... sản lượng lương thực có hạt phấn đấu đạt 47.740 tấn trở lên.

Riêng đối với diện tích lúa vụ chiêm xuân, mỗi xã chỉ chọn 3-4 giống lúa để hướng dẫn, tuyên truyền cho nông dân thực hiện; mỗi cánh đồng cơ cấu từ 1-2 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương; nông dân tăng tỉ lệ sử dụng các loại giống lúa thuần sản xuất trong nước để đảm bảo nguồn cung, giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng gạo, không nên quá chú trọng vào giống nhập khẩu giá cao và khan hiếm hàng do ảnh hưởng dịch Covid 19. Nhóm  giống lúa thuần sử dụng các giồng VNR20, Bắc Hương 9, Dự hương 8, Thanh Hương, Bắc Thịnh, TBR279, TBR89, Đài thơm 8, Thiên ưu 8, Hà Phát 3, nếp...; Nhóm giống lúa lai sử dụng các loại giống Thụy Hương 308, VT505, MHC2, Phú ưu 978,  Quốc tế 1, Phúc Thái 168, Thụy hương 308, VT404, Thái xuyên 111, Hương ưu 98, Long Hương 8117, Hương Thanh 8, Hương Thanh 10…

Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện yêu cầu các xã cần tuân thủ chặt chẽ lịch gieo trồng, chỉ đạo sản xuất vụ chiêm xuân phải dựa trên những chủ trương, định hướng của huyện, bám sát vào điều kiện thực tế sản xuất nông nghiệp tại địa phương, cùng với các biện pháp chỉ đạo sâu sát; bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý; đối với các vùng khó khăn về nguồn nước tưới, cấy lúa kém hiệu quả cần có kế hoạch hướng dẫn, tuyên truyền nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Phòng Nông nghiệp & PTNT phối hợp chặt chẽ với công ty thủy nông, UBND các xã, thị trấn trong huyện quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới, đảm bảo lịch tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Cùng với đó, Trung tâm DVNN huyện tăng cường đẩy mạnh chuyển giao và xây dựng các mô hình trình diễn; tăng cường sử dụng các loại phân bón hỗn hợp nhằm cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo đúng lịch thời vụ, nhiều xã trên địa bàn huyện đã đưa mạ ra ruộng cấy ngay sau tiết lập xuân – sau ngày 4/2/2022, mọi người đều hăng say lao động để hoàn thành kế hoạch gieo trồng lúa xuân trước ngày 20/2/2022 theo đúng kế hoạch của huyện. Dường như không khí Tết đang được bà con nông dân chuyển từ nhà ra đồng. 

Đến thời điểm này, một số diện tích vụ xuân trên địa bàn huyện đã được trải một màu xanh mượt mà của những cây lúa non mới cấy. Những chân ruộng cao đã nhú những mầm xanh, những chồi non lộc mới của cây màu vụ xuân. Tuy nhiên, theo dự báo thời tiết năm nay sẽ diễn biến khó lường, do vậy cần đề phòng khả năng rét hại sau Tết sẽ làm ảnh hưởng lúa cấy mới. Đồng thời, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn, … vẫn tiềm ẩn. Vì vậy, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, không để lây lan thành dịch.

Những cánh đồng đang bao phủ một màu xanh mơn mởn đón chào một mùa xuân mới. Dù vất vả lao động, nhưng trên những cánh đồng thấm đẫm mồ hôi vẫn không vắng đi tiếng cười, lời chào hỏi năm mới. Vụ chiêm xuân 2022, trên những thửa ruộng lớn sau dồn đổi, chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng công nghệ cao là tiền đề để Hoằng Hóa tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Với niềm tin tràn đầy lạc quan cùng khí thế ra quân quyết tâm cao của nông dân trong huyện những ngày đầu xuân mới, hy vọng trong năm 2022, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện sẽ có nhiều khởi sắc, tiếp tục “gặt hái” được nhiều thành công, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện.

Thanh Quý – Trung tâm VHTT TT&DL



 

Truy cập
Hôm nay:
13933
Hôm qua:
16053
Tuần này:
29986
Tháng này:
386958
Tất cả:
12884989