QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Huyện Hoằng Hóa phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững

Đăng lúc: 16:04:09 20/11/2024 (GMT+7)

Hoằng Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng. Nơi đây còn là “cửa ngõ” quan trọng của vùng trung tâm đô thị lớn trong tỉnh. Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển chung của xứ Thanh, huyện Hoằng Hoá đã tạo được nhiều dấu ấn ấn tượng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại IV và trở thành thị xã trước năm 2030.

 Huyện Hoằng Hóa phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững

Hoằng Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng. Nơi đây còn là “cửa ngõ” quan trọng của vùng trung tâm đô thị lớn trong tỉnh. Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển chung của xứ Thanh, huyện Hoằng Hoá đã tạo được nhiều dấu ấn ấn tượng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại IV và trở thành thị xã trước năm 2030.

Những dấu ấn quan trọng

Hoằng Hóa là địa phương nằm ở vị trí cửa ngõ quan trọng của 2 vùng đô thị là TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn. Tận dụng sự phát triển lan tỏa ấy, huyện đã và đang tập trung các nguồn lực, thúc đẩy phát triển về mọi mặt.

Có thể đánh giá, bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoằng Hoá trong những năm gần đây có nhiều dấu ấn quan trọng. Riêng trong năm 2023, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, quy mô kinh tế của huyện xếp thứ 4 toàn tỉnh (sau TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn). Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh) 14.933 tỷ đồng đạt 97,5% KH; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất là 12,2% CK (trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,9%; công nghiệp – xây dựng tăng 12,1%; dịch vụ tăng 17,3%). Tổng giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) 24.144 tỷ đồng (trong đó nông – lâm - thủy sản 3.525 tỷ đồng; công nghiệp – xây dựng 12.845 tỷ đồng; dịch vụ 7.774 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (nông – lâm - thủy sản 14,6%; công nghiệp – xây dựng 53,2%; dịch vụ 32,2%). Thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 5 toàn tỉnh (sau TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Sầm Sơn, huyện Yên Định.).

 Một điểm nổi bật trong phát triển kinh tế của Hoằng Hóa tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng đều qua các năm. Riêng trong năm 2023, con số đã đạt 7.603 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ, xếp thứ 4 toàn tỉnh.  Huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo môi trường thông thoáng để thu hút các dự án, huy động vốn cho đầu tư phát triển. Tập trung thực hiện công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2023 đạt 7.603 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 14,5%; vốn doanh nghiệp chiếm 30,2%; vốn dân cư và các thành phần khác chiếm 55,3%.

Nhiều dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ: Dự án “Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường”; Cụm công nghiệp Thái-Thắng; Cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa (gđ 1 (30 ha), khu dân cư và thương mại chợ Vực Lightland, nhà máy may Sakurai …Trong năm, toàn huyện đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án lớn, có tính chất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như: đường ven biển, đường giao thông từ Quốc lộ 1A đi Quốc lộ 45, đường Kim-Quỳ, đường Thịnh-Đông (giai đoạn 1, giai đoạn 2), đường 22m và các dự án khu tái định cư, các dự án đầu tư hạ tầng tạo nguồn phát triển kinh tế - xã hội.

(thi công Dự án nhà máy dệt may Nam Ích tại Khu Công nghiệp Thái Thắng)

Cùng với phát triển về lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực về văn hoá, xã hội cũng được quan tâm, có nhiều hoạt động sôi nổi và thành tích nổi bật như: Các hoạt động văn hoá được duy trì, thu hút được đông đảo nhân nhân tham gia; Huyện đã phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn, tổ chức thành công lễ hội Bút Nghiên lần thứ 3, lễ hội Phủ Vàng, lễ hội Cầu Ngư... Công tác xây dựng đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, di tích cách mạng, các công trình kiến trúc văn hoá, nghệ thuật được quan tâm; trong năm 2023 UBND huyện Hoằng Hóa đứng thứ 3 bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số các huyện, thị xã, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2022. Về công tác Giáo dục - Đào tạo tiếp tục phát triển toàn diện, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng cao; năm 2023 là năm thứ sáu liên tiếp dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng học sinh giỏi cấp THCS; Cấp THPT xếp hạng của các trường đều tăng so với năm học trước. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng chế độ. Tổ chức thăm, tặng quà Tết cho các đối tượng người có công, người nghèo, đối tượng chính sách xã hội với 27.087 xuất quà, tổng trị giá 10.132,8 triệu đồng; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/07/1947 – 27/07/2023); tổ chức các hoạt động vì trẻ em nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 01/06, tết Trung thu; Huy động các nguồn lực, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 19 nhà ở cho các gia đình người có công, với số tiền 840 triệu đồng.

(Khu du lịch Ibiza Hải Tiến, tại xã Hoằng Trường)

 

Số liệu đánh giá trong 9 tháng năm 2024 cũng cho thấy, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới (xung đột, thiên tai, dịch bệnh,...), tình hình trong nước do bị thiệt hại bởi cơn bão số 03, song với sự nỗ lực phấn đấu, tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng đầu năm 2024 của huyện vẫn đạt được nhiều khởi sắc. Sản xuất tiếp tục duy trì và có bước phát triển; nhiều lĩnh vực kinh tế đạt kết quả cao và tăng mạnh so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp duy trì sự phát triển; các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng được duy trì và mở rộng; các chỉ tiêu chính cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp duy trì hoạt động và có xu hướng tăng trưởng tích cực; thu hút nhiều dự án đầu tư mới. Một số sản phẩm lợi thế tăng, như: quần áo các loại, tăng 11,3% so cùng kỳ; bóng các loại, tăng 6,5% so cùng kỳ... ; có nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng hết năm 2025. Chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; đặc biệt, huyện đã thu hút được các dự án đầu tư sản xuất sợi dệt và các sản phẩm phụ trợ ngành dệt may, da giày như: Nhà máy vật tư ngành giày, công suất 10 triệu sản phẩm/năm, với hơn 400 lao động và các nhà đầu tư thứ cấp ở cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa. Các công trình trọng điểm được tập trung thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng. Thu ngân sách trên địa bàn có nhiều nỗ lực, cố gắng và nằm trong tốp đầu của tỉnh, hiện đã đạt 116,6% KH tỉnh giao, 96,9% KH huyện giao.

Một điểm nổi bật là công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đạt kết quả tốt, đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhất là nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Hoằng Hoá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các lĩnh vực văn hoá – xã hội có chuyển biến tích cực, giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững, duy trì năm thứ bảy liên tiếp nằm trong tốp đầu toàn tỉnh về chất lượng học sinh giỏi bậc THCS. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên.

Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển; đặc biệt, hoạt động du lịch diễn ra sôi động, với tổng lượng khách du lịch 9 tháng năm 2024 ước đạt 2 triệu lượt khách, tăng 53% so với cùng kỳ. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định, không xảy ra vụ việc phức tạp. 

Diện mạo làng quê Hoằng Hóa “thay áo mới” cũng xuất phát từ việc thực hiện hiệu quả chương trình XDNTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong bối cảnh còn vô vàn khó khăn song với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, toàn huyện đã có 4 xã NTM kiểu mẫu, 9 xã NTM nâng cao, 97 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn kiểu mẫu. Số lượng thôn, phố kiểu mẫu của huyện Hoằng Hóa đứng đầu toàn tỉnh. Toàn huyện có 36 sản phẩm được phê duyệt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao (trong đó: sản phẩm OCOP được phân hạng 3 sao là 33 sản phẩm, sản phẩm OCOP được phân hạng 4 sao là 02 sản phẩm, sản phẩm OCOP được phân hạng 5 sao là 01 sản phẩm).

Hướng đến phát triển toàn diện trên các lĩnh vực

Có thể nói, trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế- xã hội vượt bậc của huyện Hoằng Hóa ở nhiều lĩnh vực đã được cấp tỉnh ghi nhận và đánh giá thuộc tốp đầu của tỉnh Thanh Hoá (về quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng giá trị sản xuất, tổng thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, về giáo dục, văn hoá và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, v.v…)

Hoằng Hoá đang dần bứt phá, phát triển, thay đổi nhanh chóng diện mạo và dần khẳng định được vai trò, vị thế của một địa phương nằm trong tốp dẫn đầu của tỉnh. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và sự nỗ lực về mọi mặt của hệ thống chính trị của huyện Hoằng Hoá. Cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hoằng Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi mời gọi, thu hút đầu tư kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Hoằng Hoá đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện hoàn thành hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá của giai đoạn 2021-2025. Đây là những năm cuối nhiệm kỳ, là giai đoạn “nước rút” trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, huyện Hoằng Hóa chú trọng và yêu cầu người đứng đầu các phòng, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương trong từng cơ quan, đơn vị, quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương và gắn với thực hiện các khâu đột phá của huyện về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững; cụ thể là: tập trung cho sản xuất nông nghiệp, làm tốt công tác quy hoạch, phát triển công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch, quan tâm thực hiện các dự án đầu tư, các dự án trọng điểm; quan tâm, đầu tư cho công tác giáo dục; chú trọng đến công tác an sinh-xã hội, xây dựng nhà ở cho người nghèo đạt và vượt kế hoạch đề ra; với mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội theo hướng bền vững và liên tục./.

Tác giả: Lê Thị Hiền- Phó Trưởng phòng Văn hoá-Thông tin, UBND huyện Hoằng Hoá.

Truy cập
Hôm nay:
8774
Hôm qua:
15354
Tuần này:
62344
Tháng này:
348511
Tất cả:
15997043