QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hoằng Hoá – tăng cường các biện pháp phòng chống, khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Đăng lúc: 07:00:00 27/03/2021 (GMT+7)

Chiều ngày 19/3/2021, UBND huyện đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp cấp bách về phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn huyện. Theo đó, công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn xã Hoằng Đạo huyện Hoằng Hoá từ ngày 19/3/2021.

 Ảnh 1.jpg

Ngay sau đó, UBND huyện Hoằng Hoá, các cơ quan chuyên môn đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nhằm kịp thời khống chế, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Để hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh cũng như các giải pháp phòng, chống, phóng viên Đài truyền thanh Hoằng Hoá đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thị Thanh Hiếu – Phó Giám đốc TT DVNN huyện về tình hình dịch bệnh cũng như các giải pháp nhằm phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

PV: Xin đồng chí cho biết tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại huyện ta hiện đang diễn biến thế nào?

Đồng chí Lê Thị Thanh Hiếu: Hiện nay tình hình dịch bệnh VDNC trên đàn trâu bò trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan ngày càng mạnh, đến thời điểm này đã có 3 xã công bố dịch VDNC trên trâu bò là Hoằng Đạo, Hoằng Ngọc, Hoằng Thắng và có một số xã báo đang có bò có hiện tượng bị VDNC, chúng tôi đang tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm. 

PV: Nguyên nhân của bệnh viêm da nổi cục là từ đâu?

Đồng chí Lê Thị Thanh Hiếu: Nguyên nhân của Bệnh VDNC do vi rút gây ra. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là : Sốt cao, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu ; Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; Hình thành các nốt sần trên mặt da có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú…Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da.

Đặc điểm lây truyền của bệnh này là lây qua côn trùng hút máu như một số loài ruồi, muỗi hoặc bọ ve; tiếp xúc trực tiếp; qua thức ăn, nước uống, dụng cụ mang mầm bệnh; lây truyền qua nhau thai, bê con sinh ra bị tổn thương trên da; bê con đang theo mẹ có thể bị nhiễm bệnh qua sữa, hoặc do tổn thương da ở núm vú; lây truyền qua đường giao phối tự nhiên.

Ảnh 2.jpg

Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn; Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Bò mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng. Thời gian phục hồi kéo dài và gia súc bị ảnh hưởng nghiêm trọng có thể không lấy lại được sức sản xuất như trước khi bị nhiễm bệnh. Động vật mẫn cảm với vi rút VDNC là trâu, bò. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày. Một số động vật bị bệnh không biểu hiện triệu chứng nhưng mang virus trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.

PV: Hiện tại, công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện đang được triển khai như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Thị Thanh Hiếu: Hiện tại công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện đang được triển khai rất quyết liệt và tập trung vào các biện pháp sau: Đối với UBND xã, thị trấn rà soát đàn trâu bò đến từng hộ, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống bệnh VDNC. Giám sát phát hiện sớm tình hình dịch bệnh tại địa phương để có biện pháp khống chế kịp thời; Yêu cầu các hộ dân cam kết không chăn thả trâu bò ra bãi chăn thả hoặc đồng ruộng để hạn chế lây lan. Các hộ có bò bị bệnh không bán chạy hoặc giết mổ trâu bò bị bệnh; Đối với cac hộ chăn nuôi trâu bò tiến hành phun hóa chất sát trùng, thuốc diệt ruồi muỗi, bọ ve để hạn chế lây truyền bệnh qua côn trùng hút máu; Triển khai tiêm phòng vác xin VDNC cho đàn trâu, bò trong diện tiêm phòng  ỏ những xã có dịch trên địa bàn huyện. (Vì hiện nay nguồn vác xin này tỉnh mới nhập được ít chưa đủ số lượng để tiêm cho toàn bộ đàn trâu bò trên địa bàn huyện mà đang ưu tiên cho những xã bị dịch trước để chống dịch, khi nào có đủ vác xin sẽ triển khai tiêm phòng đồng loạt cho đàn bò trong diện tiêm phòng trên địa bàn toàn huyện)

PV: Đồng chí có lời khuyên gì cho bà con nông dân để chủ động phòng, tránh bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò?

Đồng chí Lê Thị Thanh Hiếu: Không riêng gì bệnh viêm da nổi cục mà đối với tất cả các bệnh trên đàn gia súc gia cầm mà đặc biệt là bệnh do vi rút gây ra thì công tác phòng bệnh rất quan trọng vì nếu chúng ta không chú trọng đến công tác phòng thì không may xảy ra dịch thì chi phí diều trị lớn, rất khó khỏi hoặc có khỏi thì ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của vật nuôi.

Hiện nay bệnh VDNC đang có chiều hướng lây lan mạnh đề nghị bà con chăn nuôi chủ động, tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo HD của UBND xã và cán bộ thú y, theo dõi sát đàn bò nhà mình, nếu phát hiện trâu bò có triệu chứng của bệnh VDNC thì báo ngay cho thú y xã, tuyệt đối không được dấu dịch, không được giết mổ hay bán chạy trâu bò bị bệnh. Thực hiện tiêm phòng  vác xin bệnh VDNC cho đàn trâu bò khi UBND xã triển khai. Vì đây là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất và chi phí thấp nhất để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan.

PV: Vâng, xin cảm ơn đồng chí.

Thanh Quý – Trung tâm VHTT TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
3344
Hôm qua:
23542
Tuần này:
60787
Tháng này:
60787
Tất cả:
12558818