QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Vươn lên phát triển kinh tế từ mô hình trang trại của hội viên Hội nông dân Lê Cao Trường, thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ.

Đăng lúc: 08:01:37 30/09/2022 (GMT+7)

Chịu khó, nhanh nhạy, sáng tạo trong phát triển kinh tế, suy nghĩ và quyết tâm biến vùng đất lúa kém hiệu quả trở thành mảnh đất màu mỡ cho trái ngọt, gia đình ông Lê Cao Trường, thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân trong thôn.

 Ảnh (1)b.jpeg

Những ngày đầu  lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, cái đói cái nghèo cứ đeo bám. Vì vậy, ông càng quyết tâm muốn làm giàu trên chính đồng đất quê hương thì phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhưng thay đổi cách làm như thế nào là câu hỏi khiến ông luôn trăn trở. Đến với mô hình trang trại tổng hợp trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà của gia đình ông Trường, chúng tôi không khỏi “choáng ngợp” bởi sự đầu tư quy mô, chuyên nghiệp từ khâu quy hoạch đến cách tổ chức sản xuất. Nhìn màu xanh của các loại cây trồng phủ khắp mảnh đất rộng hơn 3.000m2, ông Trường không khỏi xúc động nhớ lại quãng thời gian “khởi nghiệp” của mình. Ông bộc bạch: Ý định đầu tư phát triển kinh tế trang trại đã nhen nhóm từ khi tôi mới về nghỉ chế độ sau quá trình công tác tại UBND xã Hoằng Quỳ. Bởi, tôi nhận thấy trong thôn có vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, bà con bỏ hoang từ lâu. Chính vì vậy, với số vốn đã tích lũy được sau khi về hưu, tôi đã bàn bạc với vợ con xin địa phương nhận thầu lại vùng đất này để phát triển kinh tế trang trại. Ban đầu, vợ con không đồng ý, người trong thôn cũng xì xào nói ra nói vào, có người còn cho rằng ruộng hoang hóa làm sao cải tạo được. Thế nhưng, bỏ qua mọi lời bàn tán, với lòng kiên trì, quyết tâm thuyết phục vợ con đồng ý rồi tiến hành khai hoang, phục hóa khu đất này. Thời gian đầu, việc chuyển đổi gặp không ít khó khăn do đồng ruộng xa khu dân cư, đất gồ ghề, hoang hóa nên gia đình đã phải thuê máy, thuê nhân công lao động để san phẳng mặt ruộng, tiến hành cải tạo đất, đầu tư kinh phí làm đường bê tông ra trang trại. Với sự nhạy bén và ham học hỏi, ông Trường đã nghiên cứu trồng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Ban đầu ông dự định sẽ phát triển mô hình chăn nuôi lợn, nhưng sau khi ra tỉnh Hà Nam để tham khảo nhận thấy phương án này không khả thi, nên lại quyết định nghiên cứu, tìm hiểu và chuyển hướng sang đầu tư trồng các loại cây ăn quả, nhất là giống bưởi Phúc Kiến. Bởi, theo tìm hiểu của ông thì giống bưởi này dù mới du nhập vào Việt Nam nhưng có nhiều ưu điểm vượt trội, như thơm ngon, vị ngọt kèm mùi vị ngọt đặc trưng nên rất được ưa chuộng trên thị trường. Hơn nữa, giống bưởi này cho năng suất và chất lượng cao nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Nghĩ là làm, ông Trường bắt đầu đặt giống bưởi Phúc Kiến tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời mua thêm na, ổi về trồng. Cùng với quá trình trồng cây ăn quả, ông còn kết hợp nuôi thêm 1.000 con gà đẻ trứng dưới tán cây... Đất không phụ công người sớm hôm vất vả, cần mẫn; đến nay, ông đã sở hữu vườn cây ăn quả vài trăm gốc với đủ các loại mít, ổi, na Thái, bưởi Phúc Kiến... Cùng với đó, ông còn tạo được sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm với các đầu mối uy tín trên địa bàn trong huyện, tỉnh. Theo tính toán của ông Trường, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình sau khi trừ chi phí, thu lãi 300 triệu đồng/năm. Đánh giá về mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Trường, ông Lê Đăng Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoằng Quỳ, cho biết: Gia đình ông Trường luôn là hội viên nông dân tiêu biểu của xã vươn lên phát triển từ kinh tế trang trại. Từ hiệu quả của mô hình đã có nhiều hộ trong thôn, xã và huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm và áp dụng vào sản xuất. Bởi vậy, để nhân rộng các mô hình như hộ ông Trường, hiện nay địa phương đang tiếp tục tuyên truyền và phát triển thêm các mô hình khác theo hình thức đa cây, đa con. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần tích cực vào việc chuyển đổi những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả ở địa phương sang những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông Trường còn là một hội viên tích cực tham gia các phong trào Hội, thường xuyên vận động các hội viên xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Hàng năm Hội nông dân đánh giá tổng kết mô hình sản xuất kinh doanh giỏi đưa cán bộ hội viên thăm quan học tập và noi theo đặc biệt mô hình như gia đình Ông Trường để xây dựng nhân rộng những mô hình như thế này”. Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, ông Lê Cao Trường xứng đáng là tấm gương điển hình tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi  và câu chuyện vượt khó của ông là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất quê hương mình./

Thế Khải - Trung tâm VHTTTT&DL

 

 

Truy cập
Hôm nay:
18153
Hôm qua:
16681
Tuần này:
52054
Tháng này:
52054
Tất cả:
12550085