Cải cách hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư
(Baothanhhoa.vn) - Trong những nỗ lực phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc và hiện thực hóa khát vọng “trở thành tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ căn dặn, Thanh Hóa xác định cải cách hành chính (CCHC), thúc đẩy thu hút đầu tư là một trong các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ngay khi bắt đầu giờ làm việc buổi sáng. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng rất đông công dân đã đến đăng ký giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Với phương châm “4 tăng, 2 giảm, 3 không”, khẩu hiệu “làm hết việc chứ không hết giờ”, đội ngũ cán bộ, công chức của trung tâm luôn nêu cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, nhiệt tình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết nhanh, hiệu quả công việc. Thực tế hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã phần nào phản ánh quyết tâm cao, nỗ lực lớn của tỉnh Thanh Hóa trong việc CCHC gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư và thu hút đầu tư, kinh doanh. Trưởng Phòng CCHC Dương Thị Thúy, Sở Nội vụ cho biết: “Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện khâu đột phá đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự cố gắng của các ngành, các cấp, công tác CCHC có nhiều chuyển biến tích cực”.
Các chỉ số về CCHC đều tăng thứ hạng và đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước như: Chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Chỉ số CCHC (PAR INDEX)...
Thanh Hóa là 1 trong những địa phương đầu tiên của cả nước kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và DN; là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu ngành thuế và ngành giao thông - vận tải, góp phần chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Hiện nay, Thanh Hóa đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh...
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh làm tốt công tác quy hoạch; huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án và phát triển sản xuất, kinh doanh. Định kỳ hằng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các DN; đồng thời, chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí thời gian ít nhất 1 ngày trong tháng để tổ chức tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.
Đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các TTHC về chấp thuận chủ trương đầu tư cũng là một trong những yếu tố góp phần gia tăng sức hút với các DN, dự án lớn. Theo đó, nhiều TTHC được cắt giảm thời gian xử lý so với quy định, giảm chi phí thời gian cho nhà đầu tư như: Thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng; giao đất, cho thuê đất; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Các ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương hoàn thành việc rà soát để làm căn cứ đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, xây dựng, cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng và đất đai... Từ đó khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những nỗ lực, cố gắng ấy, hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận. Số lượng các nhà đầu tư có tiềm lực lớn trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh ngày càng nhiều; vị thế và uy tín của tỉnh trong việc thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư ngày càng được nâng lên. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650.000 tỷ đồng; trong đó, có 149 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD. Thanh Hóa hiện là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn FDI. Các dự án đi vào vận hành đã trở thành động lực chính đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa trong top 10 của cả nước.
Nhận thức đúng, hành động quyết liệt, hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc CCHC, thúc đẩy thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa thẳng thắn nhận định: Hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng phục vụ DN, người dân vẫn chưa đạt kỳ vọng, còn tồn tại những hạn chế như: Chỉ số PCI giảm bậc liên tục trong vài năm gần đây, đặc biệt một số chỉ tiêu quan trọng phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh như tiếp cận đất, chi phí không chính thức...; các quy hoạch chưa đồng bộ, làm chậm quá trình đầu tư kinh doanh; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm được đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm; công tác hỗ trợ nhà đầu tư làm thủ tục pháp lý còn hạn chế; một số đơn vị còn né tránh trách nhiệm trong tham mưu quy trình, tham gia ý kiến, làm chậm trễ quá trình giải quyết thủ tục đầu tư...
Nhận thức đúng để hành động quyết liệt, hiệu quả, đúng trọng tâm trọng điểm hơn nữa. Trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều nước trên thế giới lựa chọn chuyển từ quản lý Nhà nước sang quản trị Nhà nước hiện đại - quản trị công kiểu mới, nhiều xu hướng CCHC mới được áp dụng; hoạt động thu hút đầu tư đòi hỏi phải có chính sách linh hoạt, kịp thời. Do đó, để CCHC, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Tập trung các nguồn lực để tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra; duy trì và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng (SIPAS); phấn đấu đến năm 2025 thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp; quản lý; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc liên quan đến nhà đầu tư, DN. Tăng cường ứng dụng công nghệ số để cải tiến quy trình, thủ tục; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, giảm văn bản giấy tờ hành chính. Hoàn thành việc số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã theo mục tiêu đề ra. Thực hiện thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho DN, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, gắn với cải cách TTHC phục vụ người dân, DN hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN, tạo lập một “điểm đến hấp dẫn”, “bến đỗ an toàn” cho các DN đã, đang và sẽ đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đặc biệt tỉnh Thanh Hóa. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian xử lý, đơn giản hóa hồ sơ thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm, thuộc lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, DN và người dân.
Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ DN đã ban hành; hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư các hạ tầng thiết yếu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống các quy hoạch; sớm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, tạo sức hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các địa phương của các nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia trong khu vực và thế giới; tận dụng tốt cơ hội để đón đầu và thu hút dòng vốn FDI từ các tập đoàn, DN quốc tế lớn...
- Những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính ở huyện Hoằng Hoá
- Hoằng Hoá không ngừng đổi mới vì sự hài lòng của người dân
- Ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình không sử dụng hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Bồi dưỡng kiến thức về chính phủ điện từ và nội dung số khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến
- CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HOẰNG HÓA
- Cải cách hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư
- Hội thảo chia sẻ sáng kiến, mô hình cải cách hành chính
- Kết quả công tác cải cách hành chính trong Đảng tại huyện Hoằng Hóa
- HOẰNG HÓA PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP GẮN LIỀN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ.
- HOẰNG HÓA CHUYỂN ĐỔI SỐ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN