QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HOẰNG HÓA

Đăng lúc: 00:00:00 23/11/2023 (GMT+7)

Bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ thông tin và xã hội, yêu cầu đổi mới trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã được đặt ra, gần đây, các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, điều hành, cải cách thủ tục hành chính.

 Ngày 2/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Theo Chương trình, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ thông tin và xã hội, yêu cầu đổi mới trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã được đặt ra, gần đây, các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, điều hành, cải cách thủ tục hành chính.

Năm 2022, xã Hoằng Giang triển khai mô hình về chuyển đổi số. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới, song với sự cố gắng của cấp ủy chính quyền, sự quan tâm giúp đỡ của huyện, bước đầu chuyển đổi số ở xã Hoằng Giang đã có bước chuyển đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo điểu hành của Cấp ủy đảng, chính quyền, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, từng bước tạo nên mô hình xã thông minh, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.

Xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ hàng đầu trong chuyển đổi số. Tại xã Hoằng Giang, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, mạng thông tin di động 4G/5G được phủ sóng đến các hộ gia đình đạt 100%, trên địa bàn xã có 3 trạm BTS ở thôn, 3 hộp cáp được phân bổ ở 4 thôn đảm bảo tín hiệu hạ tầng cho bà con nhân dân; Hạ tầng và trang thiết bị CNTT tại UBND xã đảm bảo các điều kiện kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng, 19/19 cán bộ, công chức đều được trang bị máy tính có máy tính laptop phục vụ công việc; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được UBND xã đầu tư vào năm 2020, được kết nối thông suốt. Việc trang bị hệ thống truyền hình trực tuyến góp phần hiện đại hóa nền hành chính của xã, tăng tính hiệu quả, minh bạch, nhanh chóng trong chỉ đạo điều hành. Đặc biệt trong triển khai các chính sách, pháp luật, các nghị quyết... được thống nhất từ điểm cầu chủ (từ Trung ương, Tỉnh, huyện đến xã); Với mục tiêu100% các điểm công cộng trên địa bàn xã có sóng wifi miễn phí phục vụ việc truy cập internet của nhân dân, giúp người dân có thể sử dụng các ứng dụng di động, CNTT góp phần thay đổi thói quen số của người dân, trong năm 2022, UBND xã đã phối hợp với Viettel, VNPT Chi nhánh Hoằng Hoá triển khai lắp đặt 12 điểm phát wifi công cộng tại UBND xã, nhà văn hóa 4 thôn, 3 nhà trường, 1 trạm y tế, 1 Bưu điện Văn hóa xã, di tích lịch sử văn hóa; Hệ thống camera giám sát trên địa bàn xã được triển khai đầu tư lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư các điểm công cộng trên địa bàn 4 thôn và khu trung tâm UBND xã đã lắp đặt 12 mắt. Hệ thống được kết nối về Công an xã để theo dõi tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Việc triển khai hệ thống camera an ninh đã góp phần thay đổi diện mạo của xã, đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong tham gia giao thông, trong bảo vệ hành lang an toàn giao thông… Bên cạnh đó, Hoằng Giang cũng đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất và người dân về chuyển đổi số, phát triển kinh tế, mua bán, phân phối hàng hóa dựa trên môi trường mạng như: Phối hợp với VNPT mở 2 lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế, trang trại, mô hình tiêu biểu, gương điển hình tiên tiến...., đăng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, xã; trang thông tin điện tử của xã, trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của xã, sản phẩm vùng Rau an toàn được quảng bá, giới thiệu trên mạng internet (trang thông tin điện tử, mạng xã hội,…): Đã hướng dẫn HTX NN điện năng, các hộ sản xuất nông nghiệp đăng các sản phẩm như: Rau cải các loại, Rau Mồng Tơi, Rau gia vị các loại, Súp lơ, Dưa lê, bí đao,…lên các sàn Nông sản sạch Thanh Hoá, hướng dẫn doanh nghiệp lập fanpage trên mạng xã hội facebook để quảng bá thương hiệu.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh; đến nay, đã có 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện hoàn thành chuyển đổi số cấp xã, gấp đôi mức UBND tỉnh giao.

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Hoằng Hóa đã phối hợp với VNPT Thanh Hóa xây dựng ứng dụng App HoangHoaS trên điện thoại di động. Đây là một kênh tuyên truyền, cung cấp thông tin về mọi lĩnh vực, các dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác. Qua ứng dụng này, cán bộ, công chức cấp xã cũng có thể giao tiếp, tương tác, tiếp nhận và xử lý kịp thời các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân.

Hiện cả 37 xã, thị trấn của Hoằng Hóa đã thành lập được Ban chỉ đạo chuyển đổi số, với 243 Tổ công nghệ số, 719 thành viên tham gia. Trên cơ sở Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số, các xã chú trọng tuyên truyền, đầu tư hạ tầng số, phân công cán bộ chuyên trách. Đến nay hệ thống mạng cáp quang, mạng 3G/4G phủ sóng đến 100% các thôn, khu phố trên địa bàn Hoằng Hóa. Chính quyền các xã, thị trấn cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hỗ trợ 45 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đưa sản phẩm hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử; tạo lập tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt. Đáng chú ý, các xã đều triển khai hiệu quả mô hình "Camera Nhân dân với an ninh trật tự", góp phần kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn huyện còn nhiều địa phương đang triển khai chương trình chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Sau các nấc thang NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu sẽ là NTM thông minh. Chính vì vậy, thực hiện chuyển đổi số trong quá trình xây dựng NTM là cơ sở quan trọng để tạo sự lan tỏa, nền tảng cho thực hiện chương trình trong giai đoạn tới. Để đạt mục tiêu này, huyện đang tích cực huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp viễn thông và người dân, từ đó sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ chuyển đổi số.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
14493
Hôm qua:
13117
Tuần này:
27610
Tháng này:
44919
Tất cả:
16181291