HUYỆN HOẰNG HÓA, HƯỚNG ĐẾN CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG TRUYỀN THANH CƠ SỞ
Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (hay còn gọi là đài truyền thanh thông minh) góp phần giảm thiểu những hạn chế trong công tác thông tin tuyên truyền, từng bước phát huy tốt hơn hiệu quả trong việc truyền tải tin tức đến người dân ở cơ sở.
Ông Trương Văn Quyền, công chức văn hóa, kiêm trưởng đài truyền thanh xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) vận hành hệ thống đài truyền thanh thông minh. Ảnh khai thác
Những năm qua, hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở đã phát huy tốt vai trò, thông tin kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến đông đảo nhân dân. Qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, người dân trong huyện có thể dễ dàng tiếp cận nhiều loại thông tin chính thống… Tuy nhiên, đài truyền thanh cơ sở trong huyện hầu hết là đài phát sóng FM. Loại hình phát sóng này còn nhiều hạn chế, như: Bị địa hình chi phối, dễ hỏng hóc, khó sửa chữa, bảo dưỡng; chất lượng âm thanh không ổn định, lẫn tạp âm, chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết… Do đó, đài truyền thanh thông minh ra đời là giải pháp công nghệ mới, hiện đại, có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với truyền thanh không dây FM, như: Không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; khắc phục được các lỗi thường xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM (bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết); ứng dụng công nghệ số để sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình phát thanh (kiểm duyệt chương trình từ xa, chuyển tải chương trình trên hệ thống từ Trung ương đến địa phương hoặc sang các ứng dụng khác, có thể là cổng thông tin điện tử của địa phương)… Hệ thống thiết bị gọn nhẹ, đơn giản, lắp đặt sử dụng dễ dàng, thuận lợi cho nhân viên kỹ thuật điều khiển, nhân sự vận hành cần ít hơn so với đài truyền thanh truyền thống.
Bên cạnh đó, truyền thanh thông minh được tích hợp trên nền hệ thống cũ để hoạt động song song, giúp tiết kiện kinh phí đầu tư. Hệ thống không cần cột ăng ten thu phát đảm mỹ quan đô thị, không bị chèn sóng, lẫn sóng, âm thanh trong và rõ; việc phát bản tin linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực thôn, khu dân cư, đặt lịch phát thanh theo giờ, ngày hoặc tuần thông qua máy tính, thiết bị di động mọi nơi, mọi lúc, giúp cán bộ truyền thanh không cần có mặt trực tiếp tại điểm phát khi đến giờ phát sóng. Đặc biệt, hệ thống truyền thanh thông minh được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI có thể tự động nhận dạng và đọc văn bản dạng text, chuyển văn bản trực tiếp thành giọng nói với các lựa chọn giọng nam, giọng nữ của các vùng miền và chuyển thành tệp tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên.
Với những hiệu quả bước đầu triển khai điểm mô hình mới này, huyện Hoằng Hóa tiếp tục triển khai thực hiện mô hình, lắp đặt hệ thống đài truyền thanh thông minh tại 4 xã, gồm: Hoằng Xuyên, Hoằng Ngọc, Hoằng Đạo và Hoằng Phong.
Theo đó, trong năm 2023, huyện sẽ có thêm 6 xã đưa vào triển khai ứng dụng hệ thống đài truyền thanh thông minh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá trị đầu tư lắp đặt cụm thu của đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông lớn hơn so với hệ thống truyền thanh tần số FM. Cùng với đó nguồn chi ngân sách cấp xã cho các chi phí như thuê bao dữ liệu điện thoại năm, bộ thu IP đặt tại các cột loa... hiện chưa được bố trí.
Song song với việc triển khai thực hiện mô hình đài truyền thanh thông minh. Những năm qua, Đài Truyền thanh huyện Hoằng Hóa và đài truyền thanh các xã, thị trấn đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền mọi mặt đời sống xã hội tới người dân địa phương. Đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chuyển đổi số, đài truyền thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị đã tích cực tuyên truyền tiến trình thực hiện chuyển đổi số tại các địa phương. Đài truyền thanh huyện đã xây dựng chuyên mục “ Chuyển đổi số” phát 2 lần/tuần vào thứ Sáu hàng tuần, nội dung chuyên mục thực hiện gồm những lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và tích cực tham gia, thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại; phản ánh các hoạt động về chuyển đổi số của các ngành, các địa phương áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ....
Có thể nói, việc triển khai truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT đã và đang từng bước hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin từ cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở. Từ đó, hướng đến chuyển đổi số trong truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện./.
- Ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình không sử dụng hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Bồi dưỡng kiến thức về chính phủ điện từ và nội dung số khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến
- CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HOẰNG HÓA
- Cải cách hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư
- Hội thảo chia sẻ sáng kiến, mô hình cải cách hành chính
- Kết quả công tác cải cách hành chính trong Đảng tại huyện Hoằng Hóa
- HOẰNG HÓA PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP GẮN LIỀN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ.
- HOẰNG HÓA CHUYỂN ĐỔI SỐ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN
- Cải cách hành chính: Những dấu ấn nổi bật
- THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI CÁC HTX TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP