QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đình làng Trung Hoà, thôn 1, Trung Hòa, xã Hoằng Trinh

Đăng lúc: 18:01:42 28/11/2024 (GMT+7)

Các vị thần được thờ ở đình làng Trung Hòa xã Hoằng Trinh gồm có: Đức Thánh Cả, Đức Thánh Cao, Đức Thánh Tây Thiên và ông Quan nghè thời Lê.

 z6077847414931_1a90150c1831c7833d394ca5537bb61b.jpg
Tên gọi di tích.

Làng Trung Hòa có một cụm di tích lịch sử rất lâu đời và nổi tiếng với kiến trúc cổ và đẹp như: Chùa Sùng Long, đình làng Trung Hòa. Trong đó, Đình làng Trung Hòa là nơi phối thờ các bậc linh thần, họ là những bậc nhân thần có công giúp  nước cứu dân, công lao của họ được nhân dân nhắc tới, quốc sử  lưu truyền, triều đình ghi nhớ công lao. Các vị thần gồm: Đức Thánh Cả, Đức Thánh Cao, Đức Thánh Tây Thiên và ông Quan nghè thời Lê.

z6077847410195_0a95629a30922927e8f55a73298172ba.jpg

Địa điểm và đường đến di tích.

Làng Trung Hòa nằm trên dải đất rộng chạy dọc theo bờ sông Trà Giang (sông Ấu, sông Bà Nga) – là nhánh của sông Mã, được phân nhánh từ Ngã Ba Bông (Hoằng Xuân) chạy dài ra cửa Lạch Trường, là ranh giới của 2 huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc; giáp các xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa), Tiến Lộc, Triệu Lộc (Hậu Lộc).

Đình làng Trung Hòa nằm ở trung tâm của làng - số 91, đường HT01, thôn 1, Trung Hòa, xã Hoằng Trinh. Từ Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 509 đều có đường đi vào đình.

z6077847448090_6b9fe2e147571aae09badfb409bafa2f.jpg

Nhân vật lịch sử, sự kiện liên quan đến di tích.

- Đức Thánh Cả: Thần quán tại trấn Nghệ An, huyện Kỳ Hoa, Trương Dương Duệ, họ Nguyễn Húy Tường, sinh ngày 11 tháng 2 năm Nhâm Tý. Thời vua Thái Ninh năm thứ 4 vào tháng 11 được lệnh vua thần cùng đạo quân hùng mạnh chia làm sáu mũi tiến đánh quân giặc, giặc bị tiêu diệt, Ông có công lớn giúp nhà Lý nên được biểu dương là ông thần có công. Sau đó Thần phụng tiến về triều cáo yết, Vua rất đỗi vui mừng có thêm hùng tài giúp nước ban cho thần 30 lạng ngân xuyến  đồng thời phong tước: “Đại đô thống soái trưởng ngũ đạo bình chương quân vị trọng sự”. Thần nhận tước lộc và xin vua về quê nhà bái tổ thăm quê, Thần đi đến quận Đông Thành (dọc sông Trường Giang) tự nhiên thấy trời u ám, mù mịt mưa to gió lớn ngập lụt cả vùng thần bị  nước cuốn trôi đi mất dân trong vùng vô cùng thương tiếc đã cấp báo về triều, vua vô cùng thương tiếc lệnh cho triều thần về lo ma chay cho thần. Khi đình thần về tới ấp cũng là lúc dân trong bản nhìn thấy thi thể thần nổi lên trên mặt nước tại khu vực xoáy phía Đông của bản khu. Sau khi mai táng thần xong Vua đã cho dân trong vùng xây dựng lên miếu thờ thần. Dân làng và cả vùng rất cảm kích và ghi nhớ công ơn của thần “Thần chi dự trạch”. Hàng năm cứ tới ngày 11 tháng giêng âm lịch dân trong làng tổ chức lễ nghênh đáo cúng tế long trọng. Sau đó được vua cho xây dựng thành đền Đức Thánh Cả.

- Đức Thánh Đệ Nhị và Đệ Tam: Vào thời Trần Triều Anh Tôn Hoàng Đế niên hiệu Hưng Long , có quân giặc Nguyên đến xâm lược quấy nhiễu dân ta, chúng tấn công theo đường thủy từ cửa Lạch Trào dọc theo sông Trà vào địa phận nước ta, dân khu vực đã mật báo đến nhà Vua. Do thế lực địch rất mạnh nên không phân thắng bại, vua thân chinh cử con gái đi triệu tập người tài. Vua nằm mộng thấy có cô gái xinh đẹp quỳ trước vua tâu rằng: “Giục bình Nguyên cấu đảo Sùng Long”, khi tỉnh dậy vua cho rằng có thần mộng nên đi theo giấc mộng đến ngôi chùa có tên là “Sùng Long Bảo tự”. Tại đây vua cho lập đàn cầu đảo trước chùa 3 ngày 3 đêm, đến ngày 13/1 bỗng thấy thần linh ứng vào và cất giọng hùng hồn tự xưng là “Cao Sơn Thượng Đẳng thần” là danh tướng bắc triều phục vị phái tả đàm. Sau chiến thắng Vua cho lập đền thờ hai vị thần linh.

- Đức thánh đệ Tứ: Ngài tên Húy là Lê Tiến Vinh, từ nơi khác đến cùng dân làng khai hoang sinh sống, ngài có trí tuệ khác thường, thông minh mẫn đạt, thời Lê triều, Canh Tuất niên Vua mở khoa thi, ngài về triều ứng thí và giành được bảng vàng làm quan tại triều đình.

z6077847450632_183deadf2880a6d9f25edcef62cb2bbb.jpg

Sau khi ngài qua đời, thi hài ngài tang tại thôn ấp, hiện ngôi mộ ở tại khu vực Mã Cáo, Nhân dân thường gọi là mộ ông Quan nghè. Để ghi nhớ công ơn của ngài, Nhân dân địa phương được lênh của vua đã xây dựng đền thờ Thần tại khu vực trước chùa Sùng Long bảo tự.

Vốn nằm trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, phong cảnh hữu tình, có nhiều truyền thuyết và dấu tích chiến công trong công cuộc bảo vệ đất nước nên Nhân dân Trung Hòa có nhiều truyền thống tốt đẹp. Từ xa xưa, con người nơi đây hiền hòa, chất phát, lam lũ làm ăn, cuộc sống hài hòa, vui tươi, lành mạnh, nếp sống giản dị.

z6077847382094_6e76ed1c015b934ed26f4eff4a1ca2b8.jpg

Từ khi mới lập làng, dân làng đã cùng nhau xây dựng một ngôi đình giữa làng làm nơi sinh hoạt văn hóa cho Nhân dân sau những ngày lao động vất vả mệt nhọc. Ban đầu, đình còn đơn sơ, lợp bằng tranh, tre, nứa, lá. Sau đó, đình được làm lại bằng gỗ to, lợp ngói và trở thành nơi thờ phúc thần của làng. Nhân dân trong làng còn ghi lại sự kiện làm đình qua bài vè “Bài ca làm đình”.

Đến đời vua Tự Đức, thời nhà Nguyễn, đình được trùng tu với kiến trúc đẹp và tồn tại đến ngày nay (một số kiến trúc bên trong đình đã bị phá bỏ một phần). Trên thượng lương còn ghi lại hàng chữ nho: “Hoàng triều Tự Đức năm thứ năm Nhâm Tý, tháng 3 ngày mùng 9 – ngày Kỷ Sửu, giờ Bính Dần, tu lại Phúc đình phụ trụ thương lương, đồng tôn đại cát” (Đời vua Tự Đức năm thứ năm, Nhâm Tý, vào tháng 3 ngày mùng 9 – ngày Kỷ Sửu, giờ Bính Dần là ngày tốt, Nhân dân cả làng dựng Phúc đình).

z6077847409901_7fb3c3182cad91a2e990085b70e7e22d.jpg

Đình được cấu tạo 2 cung, cung trong thờ Thần hoàng làng, cung ngoài là nơi tế lễ, hội họp của làng; gian giữa có bức hoành phi to ghi 4 chữ “Thánh cung vạn tuế”. Bên dưới là bài răn: “Thiên tử vạn vạn niên. Thượng hạ quý hồ hòa. Ước thúc bất tu đa. Xướng ca dương kiệt lực. Bàng quang thận vật hoa.” (Dịch thơ: Chúc vua muôn tuổi dài lâu. Dưới trên quý nhất là câu hài hòa. Không nên quy ước rầy rà. Chớ ham mê mãi xướng ca lực tàn. Cuộc đời xin chớ bàng quan. Điêu ngoa xin tránh, dối gian xa dời.); trên cửa chính vào cung trong có một bức đại tự đề 4 chữ “Thiên địa tắc tham” (tạm dịch: Những phép tắc của trời đất cần phải tham khảo).

Gía trị của di tích.

Hàng năm, tại di tích đình làng Trung Hòa, xã Hoằng Trinh, Nhân dân và cán bộ trong làng tổ chức lễ hội kỳ phúc vào ngày 13 tháng Giêng, lễ hội được tổ chức trong 1 ngày, gồm phần lễ là lễ tế và phần hội là hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ. Lễ hội làng được coi là ngày giỗ của cả làng, hay còn gọi là ngày Thần kỵ. Nghi lễ tế Thành hoàng làng được quy định rất chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ việc chọn người chủ tế, bồi tế, các người xướng, y phục, các động tác cũng được quy định rõ ràng trong điển lễ của làng và người thực hiện.

Đình làng Trung Hòa, xã Hoằng Trinh không chỉ đơn thuần là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian.  Đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1999.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

Truy cập
Hôm nay:
7562
Hôm qua:
17683
Tuần này:
25245
Tháng này:
333252
Tất cả:
16979762