LÝ LỊCH DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT NHÀ CỔ ÔNG TẠ CÔNG SOAN
Thôn Phú Quý xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
1. Phú Quý ( nơi có ngôi nhà cổ của gia đình ông Tạ Công Soan ) xưa có tên là làng Lộc Quý, thuộc Tổng Lỗ Hương ( xưa là Lỗ Độ), huyện Hoằng Hoá, trấn Thanh Hoa. Ngày nay thôn Phú Quý cùng với Đức Giáo, Nhân Vực, Lộc Bồi tạo thành xã Hoằng Hợp trong khuôn khổ phân chia lại đất lành sau cách mạng Tháng 8/1945. Đây là vùng đất cổ được tạo thành bởi phù sa của sông Mã mà chứng tức lịch sử còn lưu lại trong lòng đất là những di chỉ của thời đại đồng thau.
Lịch sử vùng đất này còn được biết đến dưới thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, tại Hoằng Giang, Hoằng Lý, Hoằng Hợp - nơi ngã ba bông Tuần Ngu trước đây còn có Cồn Binh, bãi Binh, tương truyền là nơi đóng quân của Bà Triệu.
2. Đến thôn Phú Quý xã Hoằng Hợp có thể di chuyển bằng nhiều con đường khác nhau: đường thuỷ và đường bộ. Vào mùa nắng từ cầu Hàm Rồng ngược sông Mã bằng thuyền đến địa vực làng Yên Vực đi bộ khoảng vài trăm mét là đến di tích. Trên đường bộ du khách có thể đi bằng ô tô, xe máy đến đoạn đường từ Cầu Tào ( Hoằng Lý) lên các xã Hoằng Hợp, Hoằng Giang, Hoằng Phượng, Hoằng Xuân, Hoằng Khánh.
Ngày nay Phú Quý là một làng quê giàu đẹp. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, con người Phú Quý đã vượt lên sự khốc liệt của thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Hàng năm người Phú Quý tổ chức những ngày hội mùa, hội làng náo nức quanh ngôi đền của mình, cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho đời sống sinh nôi và phát triển. Du khách về thăm ngôi nhà cổ của gia đình ông Tạ Công Soan, ngược dòng lịch sử về với cội nguồn soi mình trong tấm gương của nền văn hoá bản địa giàu sức sống qua hàng nghìn năm lịch sử, chúng ta càng yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam, thêm gắn bó trong khối cộng đồng đoàn kết để trở thành truyền thống dân tộc. Chúng ta cũng vinh dự thắp nén hương thành kính lên bàn thờ của các vị thần linh và mời mọi người xa gần về thăm viếng một quê hương giàu truyền thống văn hoá và xinh đẹp như một bức tranh bên bờ sông Mã.
II. KHẢO TẢ DI TÍCH.
Nhà ông Tạ Công Soan nằm ở trung tâm làng Phú Quý sầm uất từ lâu đời trên một diện tích tổng thể ( gồm đất làm nhà, ao, vườn và các công trình phụ) là 1110m2. Nhà được dựng vào đời vua Khải Định năm thứ nhất( 1916). Triều Nguyễn ( ghi trên thượng lương). Mặt trước ngôi nhà về hướng đông nam, tiếp giáp với làng Lộc Thọ thuộc xã Hoằng Hợp, phía đông giáp đê sông Mã, phía tây giáp xã Hoằng Giang, phía bắc giáp xã Hoằng Phú.
1.Về không gian kiến trúc.
Ngôi nhà ông Tạ Công Soan nằm giữa một khu đất rộng và thoáng đoãng. Phía trước là sân rộng lát gạch có diện tích ( dài 9,8mx7,3m) dùng để đập lúa, phơi thóc trong những ngày mùa. Một bên sân là nhà ngang có bếp, nơi ăn, khu đựng dụng cụ nghề nông. Trước sân là vườn cây, trong đó có cả cây cảnh và những mảnh vườn rau nho nhỏ dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Liền kề với vườn là ao chiếm một vị trí trước sân nhà. Bề nước ( đặt ở góc trái nhà), cùng với vườn cây, cây cau, cây mít, cạnh những “ cây rơm soi bóng xuống nền ao. Xung quanh nhà được xây tường bao bọc và có cổng trước sân nhà thường gọi là “ Phong môn). Cổng “ Phong môn” là hai trụ gạch được xây cao hơn bức tường bao, phía trên được đổ bằng và đắp hình chữ nổi năm xây dựng. Loại cổng này thực chất là cổng được xây dựng với hai trụ gạch hai bên cửa cuốn dưới những mái đắp hình ngói ống đã được biến thể.
2. Sự sắp đặt trong các gian nhà.
Ba gian ngoài cùng: gian giữa là nơi đặt bàn thờ gia tiên, đồng thời là nơi tiếp khách của ông chủ. Hai gian bên là nơi ngủ của gia đình được bày hai giường đối diện. Hai gian buồng ít ánh sáng vừa là nơi chứa đồ quý, quần áo, kể cả thóc gạo trong chum vại, rương gỗ… Nhìn chung, trong cách bố trí hiện tại của ngôi nhà Tạ Công Soan, chứng tỏ ngôi nhà này trước Cách mạng tháng 8/1945, gia chủ là một gia đình khá giả, giàu có.
3. Kiến trúc toàn bộ ngôi nhà.
Được cấu trúc 5 gian ( 3 gian ngoài, 2 gian chái). Diện tích nhà ( dài 12,60mx rộng 5,20m) = 65,52m2, với 6 vì kèo được cấu trúc thành 3 cặp giống nhau về kiểu liên kết. Chiều cao của ngôi nhà từ thượng lương xuống nền là 3,86m. Từ đầu cột đến chân tảng 3,31m, cột quân 2,63m, cột (sau, trước) 2,09m.
- Hai vì kèo giữa: Được cấu trúc trên 5 hàng chân cột có kết cấu “ vì kèo suốt giá chiêng”. Kèo được ráp vào đầu các cột bằng hệ thống xà gọi là xà thượng, xà đại, xà con, xà hạ. Hai bộ vì này đứng lực trên 2 cột cái chạy suốt tới nóc được cấu trúc bởi hệ thống xà nách. Tiếp giáp với xà nách là quá giang ( còn gọi là xà lòng) được ăn mộng vào giữa cột cái ( tính từ tường đốc phía sau) chạy sang ăn mộng vào đầu cột con ở mái trước. Trên quá giang là một trụ trốn ( thay cho cột cái – còn gọi là cột trốn) đứng trên một đấu vuông thót đáy, cùng với cột cái được bổ mộng để đỡ cầu đầu. Trên cầu đầu là hệ thống các con rường ( gồm 3 con rường) được ăn mộng vào 2 trụ trốn ngắn tạo thành giá chiêng và trên cùng là một con rường nằm ngang chạy ra cả hai mái đỡ một hình thuyền, trên đấu hình thuyền là thượng lương. Theo kết cấu của hai bộ vì kèo gian giữa này thì lòng nhà ở gian giữa được mở rộng.
- Hai vì kèo sát 2 buồng ở hai đầu nhà cũng có kiểu liên kết giống nhau. Ở hai vì kèo giữa thì cột trốn mái trước tỳ lực trên quá giang thì ở gian hồi được thay thế bằng cột cái với 6 hàng chân cột.
Kết cấu của vì kèo này bắt đầu từ đầu cột con là một xà nách ăn mộng từ đầu cột quân ở mái sau và ăn mộng vào cột cái. Liền với xà nách là một quá giang được ăn mộng vào đầu cái ( ở mái sau) chạy sang ăn mộng vào cột cái ở mái trước. Tiếp theo lại là một xà nách ăn mộng từ cột cái chạy sang đầu cột quân. Ở phía trên là cầu đầu được ăn mộng vào hai đầu cột cái. Trên cầuu đầu là hai trụ trốn để che các con rường được liên kết theo hình đường triện ngắn dần về phía nóc mái. Trên cùng là một con rường bụng lợn nằm ngang cả hai mái đỡ đấu hình thuyền để đỡ thượng lương. Ở hai vì kèo gian hồi này, trên các vách ngăn cách được lát ván bưng theo kiểu đố lụa và được mở một cửa đi thông vào buồng.
-Hai vì kèo sát tường vỉ ( ở trong buồng) có kết cấu cơ bản giống hai vì kèo sát gian buồng, chúng chỉ khác nhau là các bộ phận làm nên kết cấu này được bào chơn đóng bén, không có chạm khắc gì.
Ở phía trên là hệ thống 3 gian cửa bức bàn được ngăn cách để tạo nên nhà trong và mái hiên.
Phần liên kết giữa mái hiên và vì kèo tạo nên mái nhà là hệ thống các kẻ bẩy. các kẻ bẩy của các gian này vươn qua không gian hiên, được ăn mộng vào đầu cột quân, đầu kẻ được ăn mộng vào đầu cột hiên, đầu kẻ đỡ đầu mái.
Phía trên cùng là mái, bao gồm các hoành tải được xẻ vuông thành sắc cạnh, được chọn theo tập quán theo thứ tự “ sinh, lão, bệnh, tử” của người xưa. Trật tự “ sinh, lão, bệnh, tử” cũng bị chi phối bởi số lượng rui và hoành tải đỡ ngói. Trong cả hai mái có 26 đường hoành.
-Về nghệ thuật trang trí: Ngôi nhà có lịch sử 100 năm và nó đã có một vài tu sửa nhỏ. Đây là một ngôi nhà có một kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, phần trang trí trên các bức cốn, ván nong cũng như một khung gỗ trang trí được bào nhẵn và soi những đường gờ chỉ để tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển và vui mắt, còn toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà như các bức cốn, không gỗ trang trí ở vì kèo.
Tóm lại, qua kiến trúc như đã mô tả thì đây là một trong những ngôi nhà có kết cấu tiêu biểu truyền thống của người Việt đồng bằng.
III. LOẠI DI TÍCH.
Ngôi nhà của gia đình ông Tạ Công Soan là một công trình có giá trí và kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Trong nền kiến trúc dân gian của người Việt đồng bằng, ngôi nhà này ngoài quy mô bề thế, nó còn là một công trình tiêu biểu cho kiến trúc dân gian ở khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam.
IV. GIÁ TRỊ VĂN HOÁ.
Di tích lịch sử- kiến trúc nghệ thuật nhà cổ ông Tạ Công Soan được công nhận là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 315/QĐCT ngày 6/2/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngôi nhà của gia đình ông Tạ Công Soan là một công trình được xây dựng vào cuối thời Nguyễn. Tuy nhiên, qua thời gian, ngôi nhà cũng được gia đình tu sửa ít nhiều ở cả phía trong và phía ngoài, nhưng về cơ bản kết cấu của ngôi nhà cũng như những hoa văn chạm khắc còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn.
Trong việc tìm hiểu nền kiến trúc dân gian của người Việt đồng bằng, ngôi nhà ông Tạ Công Soan là một công trình nghiên cứu trên nhiều phương diện.
- ĐỀN THỜ VÀ LĂNG MỘ TƯỚNG QUÂN LÊ TRUNG THIỆN XÃ HOẰNG ĐÔNG HUYỆN HOẰNG HÓA TỈNH THANH HÓA
- LĂNG MỘ ĐẠI THẦN HẦU TƯỚC TRƯƠNG HUY DỰC XÃ HOẰNG ĐÔNG HUYỆN HOẰNG HÓA TỈNH THANH HÓA
- DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA - KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT NHÀ THỜ HỌ " VŨ ĐÌNH" THÔN ĐẠT TÀI XÃ HOẰNG HÀ
- Đền chùa làng Trù Ninh - xã Hoằng Đạt
- LÝ LỊCH DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT NHÀ CỔ ÔNG TẠ CÔNG SOAN
- Hoằng Tiến có 04 di tích đã được xếp hạng
- Tiến sỹ Đặng Quốc Đỉnh và truyền thống hiếu học của người dân Hoằng Cát
- Cụm di tích lịch sử, văn hóa cách mạng Đình Liên Châu và Đình Hoàng Chung (xã Hoằng Châu) - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
- Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đình làng Trung Hoà, thôn 1, Trung Hòa, xã Hoằng Trinh
- Giới thiệu khái quát về di tích lịch văn hóa cấp tỉnh Nghè My Du, xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa