QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hoằng Qùy – nơi lưu giữ nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống.

Đăng lúc: 08:28:49 07/04/2024 (GMT+7)

Không gian văn hoá lễ hội mùa xuân trở nên sống động khi nghe giọng hát - mái chèo cạn giữa đình làng, tiếng chèo khua nước cùng nồi cơm thi thơm nồng ấm giữa ao đình làng ở các làng văn hoá Quỳ Chử, Phúc Tiên, Ích Hạ, Trọng Hậu xã Hoằng Quỳ, chúng tôi – những người xem trò như muốn hoà mình trong mỗi trò chơi, trò diễn nơi đây.

 z5321793008110_23d8bdb6329f2cec433a43234fe5e3f3.jpg

Tiếng hò reo của người xem hội đưa chúng tôi về làng cổ Quỳ Chử xã Hoằng Quỳ. Nói về văn hoá truyền thống của làng Quỳ Chử phải khẳng định rằng đây là mảnh đất của nhiều hội hè, đình đám, của nhiều trò diễn phong phú, đa dạng như: tú huần, tế nữ quan, kéo sợi dệt vải, cá giải cơm thi. Là làng quê của hát nghẹo, hát ca trù, của ca dao tục ngữ, câu đối, phương ngôn, thành ngữ; của đồng dao, truyện cổ, sân khấu chèo truyền thống, của thơ vè chống phong kiến, đế quốc, của ngụ ngôn và nhiều giai thoại văn học đặc sắc... Trong nhiều nét văn hoá truyền thống của làng thì trò cơm thi cá giải là một trong những trò chơi đã được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Trò cơm thi cá giải được tổ chức trên chiếc ao tại đình Trung của làng. Từ mạn thuyền bé nhỏ, sóng nước chòng chành, chỗ ngồi chật hẹp, người con gái vẫn cần cù dẻo tay thao tác để có cơm chín, cá ngon, canh ngọt. Tuỳ theo điều kiện hàng năm mà làng tổ chức to hay nhỏ. Người dự thi là dân trong 3 xóm: Tây Phúc, Trung Tiến, Đông Nam. Mỗi xóm có ít nhất một đội gồm một nam, một nữ tham gia. Có năm có tới bảy, tám hoặc mười đội tham gia; thông thường sẽ có 4 đội tham gia. Những đôi nam nữ được các xóm chọn dự thi là những người có sức khoẻ, khéo làm ăn, biết nấu và trang trí các món ăn. Thuyền dự thi là những chiếc thuyền nan được phủ chống thấm và trang trí đẹp mắt. Trước khi dự thi, các đội xếp hàng ngang ở sân đình. Nam giới mặc quần áo màu gụ, đầu chít khăn đỏ, tay vác mái chèo, cần câu, chài hoặc vó. Nữ giới mặc váy đen, áo tứ thân, yếm đỏ, đầu chít khăn mỏ quạ, tay cầm nồi, niêu, củi và các dụng cụ cần thiết để nấu cơm và đựng thức ăn.

z5255130827348_dc09e76ffbb15fe8677f16a02ca7f33d.jpg

Một hồi trống điểm vang lên báo giờ thi bắt đầu. Trên thuyền, chị em băt đầu nhóm bếp, vo gạo nầu cơm. Nam giới vừa chèo thuyền quanh ao, vừa câu cá hay kéo vó. Trong khi các đôi nam - nữ trên thuyền kkhẩn trương nấu cơm và làm các món ăn thì trên bờ tiếng trống ngũ liên, tiếng reo hò, cổ vũ của người làng làm cho cuộc thi thật sôi động, hồi hộp, hấp dẫn. Các món dự thi, ngoài cơm còn có các món cá rán, cá kho, cá nấu canh chua..vv Yêu cầu mâm cơm dự thi: cơm phải chín, dẻo, các món ăn được trình bày đẹp mắt. Đội nào bắt được cá to và nhiều cá để chế biến các món thì được ưu tiên xét thưởng. Các mâm cỗ dự thi đều được dâng lên Thành Hoàng ở đình làng để tỏ lòng thành kính và cầu mong, mơ ước những điều tốt đẹp.

z5321792998255_b26e992639c6d9715805848acf592e99.jpg

Trò cơm thi cá giải, ngoài việc thể hiện tài năng chèo thuyền, kéo chài lưới của nam giới trên sông nước còn thể hiện khả năng nội trợ, khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Qua đây cũng thể hiện tình cảm vợ chồng yêu thương, gắn bó thuỷ chung, son sắc, luôn luôn cùng nhau sát cánh vượt qua khó khăn, thử thách và có nhiều sáng tạo trong cuộc sống lao động hàng ngày.

Nửa ngìn mừng gặp hội hà thanh

Bốn bể đua vui, nức tiếng sênh

Tiệc mở chèo thờ, thuyền sắp mái

Chềnh chơng khoan sướng khúc thanh bình

Cũng là chèo thuyền nhưng chèo thuyền trên cạn là một trong những nét văn hoá độc đáo đang được lưu giữ và phát huy ở 3 làng văn hoá Trọng Hậu, Ích Hạ, Phúc Tiên – trò diễn chèo chải. Không phải trên sông nước, mái chèo của những người tham hội nơi đây được chèo ngay giữa đình làng, trong không gian linh thiêng, trang nghiêm của nơi thờ phụng thánh tến Lê Phụng Hiểu – được thờ ở cả 3 làng văn hoá. Trò diễn chèo chải (hay còn gọi là chèo cạn) ở Phúc Tiên không biết có tự bao giờ nhưng nó gắn liền với tục thờ Thánh Tến (tức đức thánh Cả Lê Phụng Hiểu) - là một trò diễn tiêu biểu và độc đáo. Một trò diễn được cách điệu từ hoạt động lao động chân tay của nam giới (chèo thuyền) thành một tiết mục nghệ thuật trang nghiêm, hấp dẫn của nữ giới (múa chèo chải). Ngày hội ở Phúc Tiên thì đây là một trò diễn không thể thiếu vì không chỉ diễn cho dân làng xem mà còn phục vụ việc tế thần. Trong ngày hội, 12 nữ nhạc trong Đội nữ nhạc của làng sau lễ tế sẽ hát bài chèo chúc mừng, mừng dân làng có cuộc sống thanh bình, no đủ. Hát xong, đội nữ nhạc bước lên thuyền hoa, một tay cầm chèo, một tay cầm quạt rồi lần lượt hát múa các bài hát chèo đã đựơc luyện tập. Thiên trường ca chèo chải gồm 271 câu, 1747 chữ được sắp xếp trình tựy, logíc, gồm các bài giáo đầu, thánh ca (rời Nam, bán Thiên), hát chúc, hát mái đồng đăng, hát chèo đò, hát cậy thuyền, hát múa trong thuyền rồng được biểu diễn trang trọng.

Những nét văn hoá truyền thống, trong đó, có trò cơm thi cá giải, trò chèo chải là một trong những nét đẹp văn hoá đã đang được gìn giữ và phát huy trong cuộc sông hôm nay. Và, những nét văn hoá truyền thống mang đậm yếu tố cộng đồng làng xã này vẫn luôn tồn tại như một sinh hoạt, nhu cầu không thể thiếu đối với mỗi người dân nơi đây.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
10694
Hôm qua:
15354
Tuần này:
64264
Tháng này:
350431
Tất cả:
15998963