QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Thú chơi bài Điếm – nét đẹp văn hóa dân gian trong ngày Tết ở các xã vùng biển huyện

Đăng lúc: 16:09:20 17/02/2018 (GMT+7)

Bài điếm - trò chơi mang đậm nét văn hóa dân gian nhiều đời nay ở xã Hoằng Tiến khi mỗi độ tết đến xuân về.

Mỗi độ tết đến xuân về, ở các xã vùng biển, trò chơi dân gian Bài Điếm vẫn được duy trì, tổ chức sôi nổi. Trong cái se lạnh của cuối đông, đầu xuân, xen lẫn làn mưa bụi bay bay, người ta quây quần bên nhau nghe và chơi bài điếm, cùng ngân nga những câu ca dao, tục ngữ vần theo cách chơi bài, cảm thấy tiết trời ngày xuân ấm hơn bao giờ hết. Không kể người già hay trung niên mà đông đảo thanh niên cũng hứng thú với trò chơi Bài điếm, say sưa nghe những câu hát giao bài, vừa ấm vừa chứa đựng đầy ý nghĩa nhân văn.

Bài Điếm - một nét văn hóa không thể thiếu trong ngày tết ở các xã ven biển huyện, nói về tên gọi “Bài điếm” có tựa bao giờ, thì nay các cụ cao niên trong xã cũng không nhớ nổi, điều đó cũng cho thấy thú chơi Bài điếm ngày xuân đã có từ rất lâu. Thường thì vào những ngày giáp tết Nguyên đán (từ chiều 29 tết đến khoảng mùng 6 Tết âm lịch), không ai bảo ai, những đôi nam thanh- nữ tú tụ tập lại với nhau thành một hội để chơi bài điếm. Điều đặc biệt nhất mà không có thú chơi xuân nào có được và cũng không lẫn lộn với bất cứ thú chơi nào khác đó là việc đánh bài bằng thơ ca, được biến tấu thành những khúc hát, vần đối, hay những lời ca giao duyên đằm thắm tình người. Chỉ cần ca lên những âm điệu ấy, người nghe có thể “thẩm thấu” ngay được nội dung và nhớ rất lâu. Hơn nữa, ca dao - một thể loại văn học dân gian luôn phản ánh nhân sinh quan trong cuộc sống, giáo dục con người những đức tính tốt, tìm về với các giá trị chân - thiện - mỹ. Với 32 cây của cỗ bài tam cúc, đã có hàng nghìn câu thơ như thế, vang vọng trong những ngày xuân, khơi dậy được mạch nguồn văn học dân gian vô tận, góp phần tích cực trong giáo dục tinh thần cho mọi lứa tuổi.

Cách chơi bài điếm cũng hết sức đơn giản. Bài dùng để chơi là bài Tam cúc, 32 cây. Việc tổ chức địa điểm thường được các thôn, làng tổ chức tại các điểm trung tâm như sân đình, nhà văn hóa, hoặc nơi có bãi rộng. Vật dụng, gồm một bộ bài Tam cúc, 4 khúc luồng hoặc thanh gỗ kết thành hình vuông rộng chừng 8-10m2, có lợp bạt ở trên để che mưa, nắng. Trong khuôn viên được đặt 4 chiếc bàn và ghế vuông góc với nhau để 4 người chơi bài ngồi chơi, trên mỗi bàn kèm theo một chiếc trống bằng da bò để gõ. Ngoài 4 người chơi bài điếm, còn có 2 người giao bài, đây là nét đặc sắc nhất của Bài điếm. Hai người giao bài có nhiệm vụ dùng những câu ca dạo, tục ngữ, thơ lục bát, các câu trong truyện Kiều, hoặc những câu do chính người dân tự sáng tác gieo vần… để giao theo từng cây bài khi đánh. Ngoài ra, còn có một người chia bài được gọi là Chung Đình. Một Hội chơi bài điếm thường có đầy đủ những người những vị trí trên, và được chơi 4 ván bài nhỏ. Khi một cây bài “ăn” được thì được tính bằng một que tre để tính điểm, kết thúc hội bài điếm (sau 4 ván bài) Chung Đình sẽ đếm số que tre rồi tính ra kẹo, bánh tương ứng với từng que để chia cho người thắng cuộc. Nhưng việc chia bánh kẹo theo từng hội bài điếm chỉ là hình thức chứ không phải nội dung chính của Bài điếm. Cái chính của bài điếm là ý nghĩa sâu xa trong từng điệu giao, điệu ca của hai người giao bài điếm. 32 cây bài nhưng mỗi cây đều tương ứng với những lời ca, tiếng hát, những câu ca dao, tục ngữ, những lời được đúc kết từ trong cuộc sống thể hiện nhân sinh quan của con người sau một năm hay nhiều năm mà ra. Ví như: không khí lễ hội, mùa xuân như hiện diện với cây tốt đỏ, người giao bài sẽ ngân: “Mùa xuân hoa mận, hoa đào/ Có anh tốt đỏ ra chào mùa xuân”. Ngay cả những lời mời chơi bài điếm cũng đầy nghệ thuật: “Ngày xuân mở hội chơi bài/ Xin mời quý khách trong ngoài chơi xuân”. Nét đặc sắc hơn nữa, những người giao bài điếm là những người có chết giọng trong trẻo, được xem như “ca sỹ” trong giao bài điếm, họ không ai khác chính là những người nông dân, những cô thôn nữ quanh năm chân lấm tay bùn, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng đầy nhiệt huyết mỗi khi giao bài điếm, giọng giao bài trong trẻo, đi vào lòng người.

IMG20180217113643.jpg

Một trong những nội dung được ca vang nhiều nhất trong khi chơi bài điếm đó là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng. Với những vần thơ vận vào cây tốt đen, người nghe như được tiếp thêm tinh thần yêu nước bởi hình ảnh thời xưa ông cha ta từng ra sức bảo vệ lãnh thổ: “Biển Đông sóng vỗ rì rầm/ Bây giờ đến lượt tốt thâm canh phòng”.  Hay như nòng pháo của lưới lửa phòng không, canh giữ bầu trời Tổ quốc cũng được ví von qua cây pháo trong cỗ bài: “Mắt nhìn như ánh sao xa/ Ngày đêm canh giữ quê nhà yên vui”. Hình ảnh trong cây sĩ đỏ ứng với người phi công của quân đội ta trong các cuộc kháng chiến cứu nước: “Tàu bay, bay tít trên mây/ Không quân trẻ tuổi là cây sĩ điều”. Hay như nơi hậu phương, những người phụ nữ Thanh Hóa đảm đang, anh dũng có quyền liên tưởng mình với cây tướng bà: “Em là con gái tỉnh Thanh/ Tiếp lương, tải đạn thay anh diệt thù”.  Ngoài lời giao bài với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, thì mảng đề tài tình yêu đôi lứa, tinh thần hăng say lao động sản xuất trong đời sống thường ngày cũng được vận dụng, thể hiện khá rõ nét tại trò chơi bài điếm dân gian này.

Chị Hồ Thị Hòa- thôn Đông Thành 1 xã H.Tiến- người phụ nữ mới chỉ khoảng 40 tuổi nhưng chị là người đã có thâm niên giao bài điếm từ năm 18 tuổi, kể lại: “Thời đó, những cô gái trẻ như tôi, ngày tết năm nào cũng tổ chức chơi bài điếm. Thường thì các thế hệ đi trước dạy, phần thì mỗi người tự học hỏi rồi giao bài, rồi thuộc và nhớ mãi, chứ ko có sách vở hay ghi chép gì. Nó như một loại hình nghệ thuật không chỉ mang tính giải trí mà còn mang ý nghĩa nhân văn, được lưu truyền bằng miệng hết đời này sang đời khác. Nhiều đôi trai gái cũng từ việc chơi bài điếm, giao bài điếm mà nên vợ nên chồng”

IMG20180217113817.jpg

Những lời ca réo rắt, những câu thơ lục bát cứ khoan nhặt vang vọng từ những thiếu nữ mười tám đôi mươi, với những chàng trai đang tuổi cập kê, hay đến những cụ cao niên, những người trung tuổi cũng tham gia chơi bài điếm như một nét xuân không thể thiếu. Tiếng trống, lời ca tiếng hát từ chơi bài điếm báo hiệu mùa xuân mới tràn ngập đến mọi nhà. Và cũng từ tiếng trống, lời ca tiếng hát ấy để cầu mong một năm mới an lành, xua đuổi những điều không may mắn, nên duyên đôi lứa… tất cả đều thể hiện trong Bài Điếm- một trò chơi đậm nét văn hóa dân gian vẫn đang được duy trì ở các xã vùng biển./.

      Phương Trang - Đài TT Hoằng Hóa

 

Truy cập
Hôm nay:
5416
Hôm qua:
13558
Tuần này:
96376
Tháng này:
96376
Tất cả:
12594407