QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Viết tiếp những chiếu chèo

Đăng lúc: 09:00:00 04/06/2018 (GMT+7)

Ở đó có sự ngây ngô, vụng dại của trẻ thơ, sự sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời và có cả tâm tư, tình cảm của mẹ cha, ông bà đã ngấm vào trong từng lời ca, tiếng hát. Thế cho nên, mỗi lần có hội diễn hay chương trình giao lưu văn nghệ, hội làng, người ta lại mê đi xem khi có những em bé quàng khăn đỏ như Phương Anh say sưa hát.

 Hoằng Phượng được biết đến có truyền thống hát chèo, cả 2 làng đều có các câu lạc bộ hát chèo của chính những người nông dân. Hát chèo ở Hoằng Phượng đã để lại ấn tượng qua các hội diễn văn nghệ quần chúng, các lễ hội làng, sự kiện lớn của quê hương, góp phần phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp lễ hội hay tết đến xuân về, khi có những sự kiện lớn của quê hương, những người nông dân chân lấm, tay bùn lại tập hợp nhau lại, họ cùng ôn luyện, hát theo những làn điệu chèo cổ, chèo mới. Không kể ngày nắng, ngày mưa, cứ khi công việc đồng áng đã xong xuôi, những người nông dân yêu chèo của 2 làng lại tập hợp nhau lại để được cháy hết mình với niềm đam mê chèo. Những người nghệ sĩ nông dân ấy, lúc ban đầu họ tập hợp lại chỉ với mong muốn là được chia sẻ niềm đam mê với nghệ thuật chèo, cùng nhau hát cho vui. Dần theo năm tháng, nhóm hát cứ tăng dần và hình thành nên câu lạc bộ (CLB) chèo của 2 làng văn hóa: CLB hát chầu văn làng Phượng Mao và CLB chèo làng Vĩnh Gia.
c1.JPG
 
Đến làng Vĩnh Gia một chiều tháng 5 nắng vàng như rót mật, dừng chân khi bất ngờ được nghe một em bé đang ngâm khúc chèo “Hoằng Phượng quê ta”. Nếu chỉ nghe mà không thấy người, hẳn không ai nghĩ đó lại là tiếng hát của một em bé mới mười tuổi. Hỏi ra mới biết đó là những học sinh đang học tại Trường Tiểu học Hoằng Phượng. Những dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, mượt mà uốn lượn theo làn điệu chèo, chiếc quạt trên tay các em khiến người xem mê đắm. Sinh ra trong một vùng quê có truyền thống hát chèo, khi còn bé, những làn điệu chèo bình dị đã ngấm dần vào tâm hồn các em. Những làn điệu chèo thân thuộc đến nỗi gắn luôn cả với sinh hoạt hàng ngày và chẳng biết từ khi nào, chèo đã ngấm vào máu thịt, là niềm vui thích. Hiện nay, tại trường tiểu học Hoằng Phượng, CLB chèo làng Vĩnh Gia cũng đã thành lập được một tổ hát chèo của lứa tuổi thiếu nhi. Tổ này có 10 đến 15 em do cô Thiên Hương – Chủ nhiệm CLB trực tiếp truyền dạy. Hiện nay các em đã hát rất thành thạo 4 đến 5 làn điệu chèo truyền thống như: luyện 5 cung, xa lệch cung, đào liễu…
Ông Nguyễn Đình Ứng – nguyên chủ nhiệm CLB chèo làng Vĩnh Gia - người đã có 50 năm gắn bó với nghệ thuật chèo tâm sự: Cùng một làn điệu nhưng chèo Vĩnh Gia mộc mạc, giản dị hơn, gắn liền với đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người nông dân. Cùng một tiết tấu nhưng chèo Vĩnh Gia rộn rã, xáo động, phóng khoáng hơn, rất dễ đi vào lòng người. Khi mới thành lập CLB, ông Ứng đã vận động được 15 người vào sinh hoạt, sau đó, CLB phát triển lên 30 đến 35 người. Ông là người đã trực tiếp truyền dạy nhiều lớp nghệ nhân trong xã, cả Bỉm Sơn (Thanh Hóa) và Nghệ An. Một số nghệ sĩ được ông truyền dạy đã đang hoạt động tốt tại nhà hát chèo như anh Nguyễn Đình Hạnh công tác tại nhà hát chèo Vĩnh Phúc. Theo ông Nguyễn Đình Ứng, để truyền dạy chèo cho trẻ thì ngoài việc dạy từng chi tiết nhỏ trong những làn điệu chèo thì việc gắn mỗi tích chèo qua từng câu truyện kể sẽ giúp các em dễ nhập tâm và dễ nhớ hơn. Em Nguyễn Thị Phương Anh – học sinh lớp 5B – Trường tiểu học Hoằng Phượng chia sẻ: Không chỉ có lời ca tiếng hát, em còn bị phấn khích bởi tiếng trống dồn dập, tươi vui, tiếng đàn nhị - líu - hồ nhấn vuốt, luyến láy. Tất cả đã tạo cho chèo một màu sắc rất riêng. Được sinh ra trên đất chèo, chính vì vậy, khi hát chèo em thấy rất rất gần gũi như lời ru của mẹ, của bà khi em còn bé tí.
Khi nhìn thấy những đứa trẻ mười tuổi tự tin trong mỗi vai chèo thì chiếu chèo trở nên độc đáo và sôi nổi hơn bao giờ hết. Ở đó có sự ngây ngô, vụng dại của trẻ thơ, sự sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời và có cả tâm tư, tình cảm của mẹ cha, ông bà đã ngấm vào trong từng lời ca, tiếng hát. Thế cho nên, mỗi lần có hội diễn hay chương trình giao lưu văn nghệ, hội làng, người ta lại mê đi xem khi có những em bé quàng khăn đỏ như Phương Anh say sưa hát.
Tại Hoằng Phượng, việc tổ chức thử nghiệm “Sân khấu học đường” trong lĩnh vực chèo đang dần được thực hiện thông qua các buổi ngoại khóa. Từ tổ chức các nhóm nghệ nhân ở địa phương tập lại những trích đoạn chèo truyền thống đến biểu diễn giới thiệu trong nhà trường và tại địa phương cho học sinh xem; đồng thời, tuyển chọn những em có năng khiếu để rèn giũa, truyền nghề, bước đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa sân khấu. Tuy nhiên, việc làm này đang gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sống hiện đại đang từng ngày gây sức ép với sự tồn tại của nghệ thuật chèo truyền thống. Bên cạnh đó là sự quan tâm chưa đúng mức từ các cơ quan chức năng. Để giới trẻ yêu chèo, muốn gắn bó với nghệ thuật chèo phải bắt đầu từ người lớn. Tuy nhiên, thực tại, lớp cha ông - những nghệ sĩ thực thụ còn lại không nhiều. Những hạn chế về chính sách đãi ngộ cũng ít nhiều khiến lớp trẻ bớt mặn mà với nghệ thuật chèo. Sự thiếu vắng những tài năng trẻ trở thành một trong những nguyên nhân khiến nghệ thuật chèo ở Hoằng Phượng đứng trước nguy cơ mai một.
Làm sao để thế hệ trẻ hiểu, yêu thích, muốn gắn bó và được phát huy một cách tốt nhất nghệ thuật chèo truyền thống, cần có chính sách đãi ngộ phù hợp để không chỉ giữ chân được những người có tâm, có tầm với nghề mà còn vì sự phát triển bền vững của một nền nghệ thuật truyền thống đã có từ rất lâu rồi trên quê hương Hoằng Phượng.
 
Thanh Qúy – Đài TT Hoằng Hóa
Truy cập
Hôm nay:
3245
Hôm qua:
13558
Tuần này:
94205
Tháng này:
94205
Tất cả:
12592236