QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

HUYỆN HOẰNG HÓA CHUNG TAY XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Đăng lúc: 10:33:54 17/03/2017 (GMT+7)


 I. KẾT QUẢ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011-2016

1. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM

- Năm 2011 qua rà soát tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 6,7 tiêu chí/xã, đến hết năm 2016 toàn huyện đạt 666 tiêu chí đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,85 tiêu chí/xã, tăng 9,15 tiêu chí/xã so với năm 2011.

- Đến hết năm 2016, toàn huyện có 17 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Hoằng Xuân, Hoằng Phượng, Hoằng Hợp, Hoằng Trung, Hoằng Quý, Hoằng Trinh, Hoằng Lương, Hoằng Thắng, Hoằng Ngọc, Hoằng Đạt, Hoằng Phúc, Hoằng Vinh, Hoằng Đồng, Hoằng Đức, Hoằng Lộc, Hoằng Thịnh và Hoằng Phong.

2. Về xây dựng cơ sở hạ tầng.

Qua 6 năm triển khai Chương trình nông thôn mới toàn huyện đã huy động nhiều nguồn vốn, nhiều chương trình lồng ghép và sự đóng góp của nhân đã kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn được 928,4 km; trong đó: đường trục xã 110 km, đường liên thôn 224 km, đường ngõ xóm 226 km, đường trục nội đồng 220,1 km; sửa chữa, nâng cấp được 109 km. Làm mới kênh mương 240,9 km, cải tạo nâng cấp được 38 km; xây mới cống tiêu được 309 cái. Xây dựng được 31 trạm biến áp, mắc được 860 km đường dây điện. Xây dựng mới và cải tạo nâng cấp 668 phòng học. Xây mới, cải tạo, nâng cấp 27 trụ sở xã, 16 nhà văn hoá xã và 120 nhà văn hoá thôn. Xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 33 trạm y tế xã; xây mới, cải tạo, nâng cấp 20 chợ nông thôn. Xây dựng mới 9.393 công trình vệ sinh; 7.325 công trình nước sạch,... góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

3. Kết quả huy động, sử dụng nguồn lực

Đến hết năm 2016, tổng nguồn vốn được huy động để xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện đạt 3.818.259,7 triệu đồng. Trong đó: Vốn Trung ương hỗ trợ: 277.244,8 triệu đồng, Vốn tỉnh hỗ trợ: 125.732,9 triệu đồng, Vốn huyện hỗ trợ: 171.137,9 triệu đồng, Vốn xã hỗ trợ: 773.075,3 triệu đồng, Vốn dân đóng góp: 1.161.657 triệu đồng, Vốn tổ chức, Doanh nghiệp: 140.830 triệu đồng,  Vốn con em xa quê hỗ trợ:  82.050,3 triệu đồng, Vốn thu quyền sử dụng đất: 309.605 triệu đồng, Vốn vay ngân hàng, tín dụng: 111.613,9 triệu đồng, Vốn lồng ghép các Chương trình, dự án: 211.014,2 triệu đồng; Vận động nhân dân hiến tặng đất để xây dựng NTM được: 249.817,18 m2; Di chuyển 7.680,3 m tường rào, Giải toả được 24.796 cây lưu niên các loại; Huy động được 143.072 ngày công của nhân dân tham gia đóng góp. 

II. MỤC TIÊU GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới, xác định NTM phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững; nông thôn của một thế hệ nông dân trí thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, nắm bắt cơ hội từ khoa học công nghệ và tự do hóa thương mại đem lại; phấn đấu đưa huyện ta đạt chuẩn NTM vào năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu bình quân toàn huyện mỗi năm tăng 01-1,5 tiêu chí/xã. Các xã có số tiêu chí đạt thấp dưới 15 tiêu chí phải phấn đấu mỗi năm đạt chuẩn từ 2 đến 3 tiêu chí trở lên.

- Các xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM phải có biện pháp nâng cao chất lượng tiêu chí đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 09/01/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

2. Một số giải pháp chủ yếu

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền:

Tiếp tục tuyên truyền thực hiện Quyết định số 62-QĐ/HU, ngày 01/12/2015 của Ban chấp hành  Đảng bộ huyện về Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Tập trung tuyên truyền sâu rộng đối với các cấp, các ngành, đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chủ động, tích cực thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Trong công tác tuyên truyền cần đi sâu vào vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chương trình. Việc tổ chức và trực tiếp thực hiện các tiêu chí nông thôn mới phải là trách nhiệm của cộng đồng dân cư và người dân trong xã, với phương châm lấy cộng đồng, thôn xóm làm nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đa dạng hóa các hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu rõ, chủ động tham gia phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới tại địa phương với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, sáng tạo và cống hiến ngay trên quê hương. Tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích và có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.

-  Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các Đoàn thể,  Ban chỉ đạo XDNTM các cấp:

Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi phong trào XDNTM trong tình hình mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức xã có khát vọng cống hiến, có đủ năng lực thực tiễn khơi dậy và phát triển phong trào, huy động nguồn lực để XDNTM tại địa phương.

Ban chỉ đạo huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đối với các xã, gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyển, MTTQ, các phòng, ngành, đoàn thể đối với công tác chỉ đạo thực hiện XDNTM.

Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, cho các tổ chức đoàn thể theo hướng mỗi thành viên, mỗi phòng, ngành, mỗi đoàn thể đảm nhiệm chỉ đạo thực hiện hoàn thành một số tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí khó, việc khó.

Định kỳ hằng tháng, hằng quý phải tổ chức họp BCĐ, gắn đánh giá nhiệm vụ xây dựng NTM vào sinh hoạt thường kỳ của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, kịp thời lãnh đạo, tháo gỡ khó khăn trong XDNTM.

Cùng với phát huy nội lực là chính, phải xây dựng kế hoạch và các dự án cụ thể, để tranh thủ các nguồn đầu tư của Nhà nước, của các tổ chức trong và ngoài nước, của doanh nghiệp thông qua các chương trình lồng ghép đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách tái cơ cấu, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chính sách phát triển chăn nuôi, đào tạo nghề...

Làm tốt công tác dân vận, khơi dậy sức mạnh từ nhân dân, dựa vào dân để tiếp tục vận động toàn dân tham gia đóng góp nguồn lực như góp ngày công, nguồn vốn, hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, v.v… theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “lấy sức dân để lo cho dân”.

-  Rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch, Đề án NTM, xây dựng lộ trình cụ thể làm cơ sở để thực hiện các tiêu chí  đạt chuẩn năm 2017 và các năm tiếp theo:

Ban chỉ đạo xây dựng NTM các xã tiếp tục rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đề án XDNTM nếu thấy bất cập, hạn chế, không phù hợp với sự phát triển của giai đoạn tới để đề nghị các phòng thẩm định và trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt. Xây dựng, ban hành quy chế quản lý quy hoạch, cắm mốc theo quy hoạch để triển khai thực hiện xây dựng NTM. Tiếp tục vận động hiến đất, giải tỏa hành lạng giao thông theo Chỉ thị 04-CT/UBND của UBND tỉnh đối với đường giao thông nông thôn với tầm nhìn dài hạn để xe ô tô có thể đi lại thuận tiện; giải tỏa hành lang kênh mương theo Kế hoạch 53-KH/UBND của UBND huyện đối với hệ thống kênh mương nội đồng, quản lý để không tái lấn chiếm.

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2016-2020 với nhiều tiêu chí phải nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng, vì vậy các xã phải tiến hành rà soát các tiêu chí đã được công nhận và các tiêu chí chưa công nhận đạt chuẩn so với Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2016-2020 để xây dựng kế hoạch, lộ trình đạt chuẩn từng tiêu chí trong năm 2017, các năm tiếp theo và lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM chậm nhất là vào năm 2019 một cách thực chất, không làm lướt, làm đối phó để toàn huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2020.

Đối với những xã đã đạt chuẩn phải thực hiện rà soát lại toàn bộ các tiêu chí để xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng, hoàn chỉnh các tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 trong năm 2017 để Ban chỉ đạo huyện đánh giá công nhận, không được để xảy ra tình trạng xuống cấp sau khi công nhận làm ảnh hưởng đến phong trào của huyện. Phải xác định vinh dự và trách nhiệm của xã về đích trước để tiếp tục phấn đấu vươn lên không ngừng, thi đua để dành những thành tích, danh hiệu cao hơn, đặc biệt là thu hút đầu tư, đổi mới hình thức sản xuất, nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa-xã hội, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, trở thành mẫu hình cho các đơn vị khác học tập.

- Đẩy mạnh tái cơ cấu thu hút đầu tư vào nông nghiệp-nông thôn, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động:

Tập trung công tác chỉ đạo đổi điền, dồn thửa lần 3, tích tụ ruộng đất thành ô, thửa lớn theo Chỉ thị 06-HU của Ban thường vụ Huyện ủy, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại, chăn nuôi nông hộ quản lý bảo vệ tốt môi trường nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện Nghị định 67-CP/NĐ phát triển khai thác thủy sản xa bờ, quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh, tiếp tục ứng dụng nuôi đa con, đa canh, đa thời vụ, mở rộng vùng thủy sản nước ngọt và cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản trên địa bàn các xã có điều kiện, bảo vệ môi trường an toàn vùng nuôi.

Phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học, hữu cơ vào sản xuất. Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi thông qua hợp đồng.

Mỗi xã phải xây dựng ít nhất một mô hình tái cơ cấu nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Với tinh thần khởi nghiệp, các xã phải tích cực mời gọi tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất trên địa bàn xã. Lãnh đạo chuyển đổi. thành lập mới hợp tác xã hoạt động theo luật HTX năm 2012, thành lập các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xã để thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Duy trì, củng cố mở rộng các ngành nghề, làng nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm đặc trưng. Có kế hoạch xây dựng các thương hiệu,, nhãn hiệu sản phẩm theo phương châm "mỗi làng một sản phẩm" để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất mới, tiến bộ có hiệu quả cao để đề nghị hỗ trợ từ nguồn vốn của chương trình, đồng thời nhanh chóng nhân rộng tại địa phương những mô hình mang lại hiệu quả cao.

Nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông nghiệp và dạy nghề phi nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, nâng cao tỉ lệ lao động được đào tạo.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để XDNTM:

 Tổ chức, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng NTM của Trung ương, tỉnh như: Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình MTQG giảm nghèo nhanh và bền vững; chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai, thực hiện tốt nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND, ngày 14/11/2016 của HĐND huyện khóa XX, kỳ họp thứ hai. Ngoài các chính sách của trung ương, của tỉnh, huyện đã ban hành các xã cần căn cứ vào điều kiện cụ thể ban hành các chính sách để hỗ trợ các thôn, làng, cộng đồng dân cư nhằm khuyến khích, động viên, hỗ trợ XDNTM.

Tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn để đầu tư hoàn thành các tiêu chí cần nhiều kinh phí như tiêu chí giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất, xã chuẩn quốc gia về y tế. Đăc biệt quan tâm khai thác nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, các nhà tài trợ, con em xa quê thành đạt, vốn tín dụng, nguồn đấu giá cấp quyền sử dụng đất. Đối với việc huy động đóng góp của nhân dân cần tuân thủ quy chế dân chủ ở cơ sở từ khâu lựa chọn công trình để đầu tư đến lập, thẩm định dự toán, thiết kế, huy động đóng góp, triển khai xây dựng, giám sát, nghiệm thu, quyết toán công trình, đặc biệt việc huy động đóng góp phải đúng đối tượng, không được huy động bắt buộc đối với trẻ em, người cao tuổi, hộ nghèo, người tàn tật.

Truy cập
Hôm nay:
5222
Hôm qua:
5709
Tuần này:
26110
Tháng này:
110219
Tất cả:
11859151