QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Tìm về nơi cuội nguồn cách mạng của huyện Hoằng Hóa

Đăng lúc: 11:31:29 27/07/2019 (GMT+7)

Tháng 7 lại về, trong không khí toàn huyện có nhiều hoạt động ý thiết thực kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27.07 và kỷ niệm ngày Hoằng Hóa khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân 24.07 chúng tôi tìm về nơi cuội nguồn cách mạng của huyện- nơi giành chính quyền sớm nhất trong cả tỉnh vào ngày 24/7/1945, được nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đánh giá “như là phát súng lệnh đầu tiên” thể hiện tinh thần “sáng tạo và táo bạo”.

 Lần hồi những trang lịch sử huyện Hoằng Hóa càng thấy rõ điều đó. Những ngày trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở huyện Hoằng Hóa hết sức sôi động không khí chuẩn bị. Ngày 1/9/1930 Chi bộ Đảng đầu tiên ở Hoằng Hóa được thành lập tại gia đình ông Phồn, thôn Cự Đà, xã Hoằng Minh. Do sự khủng bố, truy bức, lùng sục ráo riết của kẻ thù nên phải tạm dừng hoạt động. Tháng 6 năm 1944 tại thôn Đằng Trung xã Hoằng Đạo, Chi bộ Đảng cộng sản Hoằng Hóa được tái lập. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng phong trào Việt Minh được dấy lên thành cao trào, thôn Dư Khánh, xã Hoằng Đạo trở thành địa chỉ đỏ của cách  mạng.

Lịch sử phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Đạo (1930 - 2005) ghi rõ: Người có công đấu mối liên lạc, đứng mũi chịu sào và duy trì phong trào là ông Nguyễn Huy Soạn, người thôn Đằng Trung xã Hoằng Đạo - Ông vốn là hội viên sáng lập Hội đọc sách báo của Đảng. Nhà ở của gia đình ông cũng chính là cơ sở hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ của Đảng. Người nhen nhóm lên ngọn lửa cách mạng đó là chiến sĩ cộng sản Tố Hữu. Năm 1942 sau khi vượt ngục, ông đã chọn Hoằng Hóa là nơi tổ chức hoạt động cách mạng. Cùng với gia đình bà Lê Thị Đào (xã Hoằng Phúc), gia đình ông Nguyễn Huy Soạn chính là địa chỉ đi về an toàn của đồng chí Tố Hữu. Sau này, các gia đình bà Lê Thị Đào, ông Nguyễn Huy Soạn đều đã được công nhận là gia đình có công với nước. Tố Hữu và Chi bộ Đảng Hoằng Hóa đã tổ chức được đường dây chuyển tải, tài liệu báo chí, truyền đơn mở rộng Mặt trận Việt Minh và các nội dung tuyên truyền chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa đi các cơ sở trong huyện và trong tỉnh. Tham gia tích cực các hoạt động này có các đồng chí: Nguyễn Huy Soạn, Lê Khắc Du, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Thông, Lê Khắc Khuê, Lê Khắc Loát, Lê Khắc Toản. Ông Lê Thế Sơn (người thôn Bút Cương, xã Hoằng Phúc) đảm trách chỉ huy công việc gian nan nguy hiểm này.

Những ngày chuẩn bị cho khởi nghĩa, bên cạnh việc chuẩn bị về tư tưởng, trang bị lập trường và hiểu biết cho Hội viên Mặt trận Việt Minh, tổ chức cách mạng còn tích cực trang bị vũ khí cho lực lượng cách mạng. Sách Lịch sử phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Đạo (1930 - 2005) trang trọng ghi: “Để có điều kiện cho tự vệ huấn luyện, phong trào rèn sắm vũ khí thô sơ được phát động khẩn trương trong các thôn. Một lò rèn bí mật tổ chức tại gia đình ông Lê Đình Xới ở Cầu Hiền do ông Phó Sỹ phụ trách đã rèn được 7 con kiếm, cán đầu rỗng, trang bị cho 7 tự vệ ở Cầu Hiền. Tiếp theo phong trào rèn sắm vũ khí được mở rộng ra nhiều nơi trong xã, như lò rèn ông Lê Khắc Khuê (Dư Khánh) do ông Lê Khắc Loát phụ trách...”. Làng Dư Khánh tiếp tục được chọn là nơi mở lớp huấn luyện quân sự do Tỉnh ủy phụ trách huấn luyện. Đồng chí Đinh Chương Lân thay đồng chí Tố Hữu trực tiếp chỉ đạo vào tháng 6/1945. Cũng sách này viết tiếp: Chỉ thị: “Sắm sửa vũ khí đuổi thù” của Trung ương Đảng và chỉ thị “Kịp sửa soạn khởi nghĩa” của Tỉnh ủy được truyền đạt tại lớp học quân sự ở Dư Khánh do Tỉnh ủy tổ chức, đã tạo ra khí thế mạnh mẽ cho phong trào xây dựng lực lượng tự vệ chiến đấu địa phương”. Ở mặt trận nóng bỏng và nguy hiểm luôn rình rập này phải kể đến vai trò của anh em dòng họ yêu nước Lê Khắc. Sau này 5 người con họ Lê Khắc là: Lê Khắc Bút, Lê Khắc Bính, Lê Khắc Khuê, Lê Khắc Loát, Lê Khắc Khản còn tích cực và là nòng cốt trong “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” của xã. Họ là những người con ưu tú kiên trung của xã đã góp của, góp công, đương đầu với hiểm nguy và họ đã được vinh danh là “Gia đình có công với nước” và đã vinh dự được nhận “Bằng có công với nước”. Cách mạng đã thành công, ngày 24/7/1945 tại Cồn Mã Nhón xã Hoằng Đạo đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng táo bạo của 13 chiến sĩ tự vệ bắt sống 13 lính bảo an và tri phủ Phạm Trung Bảo đánh dấu mốc son cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hóa.

1.Cồn Mã Nhón - Di tích lịch sử những ngày tháng 7.JPG
Cồn Mã Nhón - Di tích lịch sử những ngày tháng 7
2.Cồn mã Nhón - Di tích lịch sử cách mạng.jpg
Cồn mã Nhón - Di tích lịch sử cách mạng
Trở lại Hoằng Đạo, nay đã có nhiều đổi thay cùng sự đổi thay chung của toàn huyện, đời sống nhân dân ổn định, nhu cầu hưởng thụ văn hóa đã được đảm bảo, bởi nhờ sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung sức với ý chí quyết tâm cao, tinh thần cách mạng của  con người Hoằng Đạo  đã tao nên sự bứt phá vươn lên. Địa phương đã không chỉ quan tâm đến việc lựa chọn công trình và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được địa phương đặc biệt coi trọng. Thông qua các nguồn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; vốn ngân sách xã; vốn tín dụng, vốn nhân dân đóng góp..., Hoằng Đạo đã tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng cơ sở, phúc lợi dân sinh như trường, trạm, công sở UBND xã, hội trường... cho đến trung tâm văn hóa xã, các nhà văn hóa thôn đều được xây dựng khang trang, hiện đại đạt tiêu chí về NTM và đã được công nhận xã nông thôn mới.

3công sở UBND xã.jpg
Công sở UBND xã Hoằng Đạo

Hy vọng rằng, danh hiệu NTM trong thời kì hội nhập mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Đạo đã đạt được hôm nay sẽ là nguồn động lực lớn để địa phương tiếp tục phấn đấu xây dựng và trở thành xã kiểu mẫu, phát triển toàn diện, bền vững trong tương lai không xa.

Tìm về nơi cội nguồn cách mạng chúng tôi hiểu sâu hơn về lịch sử, với truyền thống cách mạng hào hùng, công lao to lớn của ông cha, qua đó vun đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời nhắc nhở thế hệ hôm nay phải luôn luôn ghi nhớ cội nguồn lịch sử và trân quý, giữ gìn, tiếp nối những giá trị truyền thống tốt đẹp và nỗ lực rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác./.

Tuyết Mai: Đài TT Hoằng Hóa

Truy cập
Hôm nay:
8483
Hôm qua:
23542
Tuần này:
65926
Tháng này:
65926
Tất cả:
12563957