QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Về Đền thờ Đức Thánh Đờn – xã Hoằng Thịnh

Đăng lúc: 16:19:41 21/12/2018 (GMT+7)

Đền thờ Đức Thánh Đờn ( hay còn gọi là Nghè Đờn) thờ Tướng quân Nguyễn Công Đàn, là vị thành hoàng làng xã Hành Đoan ( nay là xã Hoằng Thịnh). Đền thờ ngài toạ lạc trên khu gò đất nằm giữa cánh đồng Tam tổng của xã Hoằng Thịnh – Hoằng Đồng – Hoằng Lộc – Hoằng Quang - Hoằng Long – Hoằng Minh – Hoằng Vinh và hướng về núi Rồng, núi Ngọc, sông Mã.

a1.JPG
 
Đền là nơi thờ tướng quân Nguyễn Công Đàn, do đó nhân dân tránh tên húy ông nên gọi thành “Đờn”.Tướng quân Nguyễn Công Đàn là một nhân vật có thật tại địa phương trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông. Ông đã có những công lao nhất định trong cuộc kháng chiến của dân tộc về được triều đình phong kiến phong tặng: Phụ Kí Lang Hầu Đô Tổng Thống. Khi ông mất được nhân dân quê hương lập đền thờ và tôn làm phúc thần, các triều đại phong kiến sau này đều có sắc phong và ghi nhận. Trong tâm thức của nhân dân các xã Hoằng Thịnh, Hoằng Đồng, Hoằng Vinh, Hoằng Quang và nhiều xã trên địa bàn ông đã trở thành Đức Thánh – Đức Thánh Đờn. Ngày 30 tháng 12 năm 1999, di tích lịch sử văn hoá Nghè Đờn đã được Sở Văn hoá tỉnh Thanh Hoá ký quyết định số 575/QĐ – VHTT công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
 
a2.JPG
 
Tương truyền, Ông Nguyễn Công Đàn là con ông Nguyễn Công Thành là người từ phía Bắc vào khai phá, lập nghiệp. Ông Đàn được lớn lên trong gia đình làm nghề nông, ông vừa lao động, nhưng rất ham luyện võ. Ông lớn lên khi đất nước đang bị quân Nguyên Mông xâm lược, Thành hoàng Thăng Long bị chiếm giữ, Vua quan và quân đội nhà Trần phải di chuyển vào đất Thanh – Nghệ củng cố lực lượng để chống quân Nguyên Mông, giành lạiThăng Long. Nhưng lúc này vua Trần chỉ còn lại 10 vạn binh, nên trong sử sách có câu: “Hoan ái do tồn thập vạn binh”, (nghĩa là cả Thanh Nghệ chỉ còn 10 vạn binh). Trong lúc vận mệnh dân tộc nguy nan,nhân dân Hoằng Hoá đã cùng nhân dân cả nược góp sức người và của đánh đuổi giặc Nguyên Mông ra khỏi nước Nam, trong số đó có vị tướng lừng danh uy phong lẫm liệt Nguyễn Công Đàn. Theo sử sách ghi lại, ông Đờn có sức khoẻ phi thường, có tài khí uy phong lẫm liệt, đánh thắng nhiều trận và lập nhiều chiến công vang dội, được phong là phúc thần nên trong đền thờ ông có ghi câu đối: “Đông A dĩ cổ sơn hà dị, Nam diện lưu danh miếu vũ trường” (Nghĩa là đời Trần có 1 tướng tài đánh giặc giữ nước, danh tính được ghi ở miếu nhà Vua). Danh tiếng của ngài đã lừng lẫy khắp nơi, các nhà khoả Bảng đương thời đã ghi và ca tụng công đức của ngài nên có câu: “Mã thuỷ linh thanh kim diệc cổ, đằng giang linh tích tướng nhà Trần” (Sinh làm tướng, chết làm thần).

Theo Thần phả, năm 1285 ông được phong tướng, đến năm 1288 ông chỉ huy đội quân nhà Vua tham gia trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng quét sạch quân giặc ra khỏi nước Nam, ông được Vua nhà Trần phong đến chức “Phụ ký lang hầu Đô tổng thống”. Lúc ông mất, nhà Vua cho lập đền thờ ông gọi là Nghè Đờn. Ông được nhân dân trong và ngoài xã thờ cúng trang nghiêm, tôn kính.

Ông Nguyễn Công Đàn có vợ là bà Ngô Thị Nương Nương, người làng Đại Đồng, xã Hoằng Đồng. Bà làm nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải; tương truyền bà mất khi ông đang xung trận và trong lúc ông đang lâm nguy bị giặc vây bỗng dưng có hàng vạn con ong bay đến, tiếp ứng giải vây cho ông, giúp ông thắng trận, đền thờ bà Ngô Thị Nương Nương được thờ tại xã Hoằng Đồng.

Với tổng diện tích 2.720m2, Đền Đức Thánh Đờn gồm có các hạng mục: Khu nhà chính thờ Ngài, nhà thờ Mẫu, nhà Quản lý và các công tình phụ như: Cổng chính, cổng phụ, tường rào, nhà vệ sinh. Trong đền còn lưu giữ được toàn bộ hệ thống hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, sơn mài, khảm trai có giá trị.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự mai mọt sau chiến tranh, khiến cho nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng làm ảnh hưởng đến nét trang nghiêm của ngôi đền, được sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân trong và ngoài xã đã tôn tạo lại khu di tích lịch sử văn hoá Đền Đức Thánh Đờn lần thứ nhất vào năm 2001. Với lòng hảo tâm công hiến của con em xa quê, bà con nhân dân trong và ngoài xã, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, nghè Đờn đã được trùng tu xây dựng, tôn tạo và đi vào hoạt động đáp ứng tâm linh, tín ngưỡng của bà con trong và ngoài xã. Công trình xây dựng tu tạo khu di tích lịch sử văn hoá Đền Đức Thánh Đờn lần thứ hai được khánh thành vào ngày 15 tháng 9 năm 2018 (tức ngày mùng 6 tháng 8 năm Mậu Tuất). Ngày nay, tại khu di tích còn có thêm cung Tam Bảo – cung thờ nàng Công chúa ( thờ Mẫu).

Ngắm nhìn ngôi đình mới xây dựng lại trên khuôn viên đất vườn đình cũ, mái đình cong vút uy nghi in vẻ đẹp hiền hòa lên nền bầu trời xanh trong buổi sớm mai an lành, mọi người con của làng ở địa phương hay xa quê về đều có chung một cảm nhận tình người - tình quê hương thật vô cùng ấm áp sâu lắng, cảm thấy bao nhiêu công sức đóng góp tùy điều kiện hoàn cảnh của mỗi người đều thật lớn lao và ý nghĩa.

Ngoài những giá trị về lịch sử, kiến trúc, hàng năm vào ngày 12 tháng chạp, đền Nghè Đờn còn là nơi diễn ra lễ hội, là ngày để nhân dân làm giỗ Ngài, cầu mong Ngài phù hộ cho mưa thuận, gió hoà, chúng sinh gặp được bình an, hạnh phúc. Phần lễ được diễn ra trang nghiêm với đội tế cầu mong, mơ ước những điều tốt đẹp, cầu cho nhân dân trong làng no ấm, bình an, mùa màng tươi tốt, bội thu. Sau phần lễ, phần hội được diễn ra sôi nổi với các tiết mục giao lưu văn nghệ. Nhiều tiểu phẩm chèo, hát văn được biểu diễn tái hiện sự tích, ca ngợi công trạng của các bậc tiền nhân, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ trong và ngoài xã hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình./.
 
Thanh Hằng – Đài TT Hoằng Hoá
Truy cập
Hôm nay:
14356
Hôm qua:
23542
Tuần này:
71799
Tháng này:
71799
Tất cả:
12569830