Trên đất làng Vĩnh Gia
Dưới góc độ của một không gian văn hóa đậm đà bản sắc, vùng đất Vĩnh Gia xã Hoằng Phượng đã góp một nét bút đặc sắc, để làm phong phú và rạng rỡ hơn bức tranh văn hóa muôn màu của xã Hoằng Phượng nói riêng, của huyện Hoằng Hóa nói chung trong suốt dặm dài lịch sử.
Toàn cảnh Nghè làng Vĩnh Gia
Là một làng cổ, có từ lâu đời và số nhân khẩu đông, nhân dân ở đây đã sớm xây dựng được những giá trị văn hóa lịch sử rất đỗi tự hào. Vĩnh Gia có những di tích lịch sử khá nổi tiếng như Chùa Vĩnh Phúc Tự; đối diện về phía Bắc có có nghè thờ Tam vị Đại vương, gồm Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân và Tôn Thành hoàng làng. Ngoài ra còn có giáo họ Vĩnh Gia thuộc giáo xứ Trinh Hà. Trải qua thời gian, nhiều lần có lúc chia tách, sáp nhập tại những thời điểm lịch sử khác nhau song giữa các thôn trên vùng đất làng Vĩnh Gia luôn có sự liên hệ, gắn bó, đồng thời, luôn là cái nôi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc.
Nơi đây thờ Tam vị Đại vương...
Nói đến làng Vĩnh Gia, không thể không nhắc tới nghè Vĩnh Gia – một di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi thờ Tam vị Đại vương gồm: Thái sư Tô Hiến Thành, lưỡng vệ tướng quân Trần Khát Chân và tiến hiền thiên tôn thành hoàng làng. Nghè Vĩnh Gia còn lưu giữ được nhiều câu đối viết bằng chữ Hán, ca ngợi công lao to lớn của các vị thần được thờ trong đền. Trên nóc ngôi đền treo bức hoành phi viết 4 chữ “quốc thái dân an”. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ được 29 đạo sắc phong vua ban cho tam vị đại vương được thờ tại nghè từ thời Hồng Phúc nguyên niên (1557) đến thời Duy Tân (1009) với nội dung chủ yếu là ca ngợi công lao giúp dân, giúp nước trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm thời Lý – Trần của các vị thần được thờ phụng tại nghè và 1 tấm bia đá thờ vua Khải Định – là những tư liệu, hiện vật quý giá. Cho đến thời điểm hiện tại, 29 đạo sắc phong cho các vị thần ở nghè Vĩnh Gia vẫn chưa được dịch nghĩa mà được lưu giữ, quản lý dưới dạng nguyên bản Hán – Nôm.
...và còn lưu giữ nhiều sắc phong bằng Hán Nôm có giá trị
Những thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa cổ truyền của người Việt là một mảng tâm hồn dân tộc, nó gắn chặt chẽ với bước thăng trầm của làng xã, của một vùng hay toàn dân. Đó là những di sản được kết tinh lại qua bàn tay, khối óc của ông cha, qua nhiều thế hệ, được bồi đắp và gìn giữ đến ngày nay để cấu thành các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Chùa Gia trên đất làng Vĩnh Gia là một trong những di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh như vậy.
Cổng tam quan chùa Gia
Chùa Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc tự) còn gọi là chùa Gia, tọa lạc trên mảnh đất “long quy trùng phùng”, có sông Mã, sông Chu hợp lưu đêm ngày uốn lượn như dải bạc phản ánh dương quang làm nổi bật ngôi tổ đình của một vùng đất địa linh nhân kiệt. Từ bao đời nay, sát cạnh chùa là chợ phiên với người qua kẻ lại, trên bến dưới thuyền tấp nập, đông vui nhưng chùa vẫn giữ nguyên nét trang nghiêm, uy nghi, cổ kính. Chùa có ngôi Tam Bảo 5 gian rộng, hậu cung 3 gian theo kiểu chữ Đinh, bên cạnh là phủ Mẫu, kiến trúc hài hòa với ngôi chính điện. Phía trước là cổng Tam quan đồ sộ, kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái, tầng trên là gác chuông trông rất bề thế và vững chắc. Chùa thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Trong Thượng điện của chùa hiện còn lưu giữ bảy pho tượng Phật cổ bằng gỗ, trong đó, có bộ tượng Tam Thế, Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và tượng Thích Ca hài đồng, gắn liền với truyền thuyết về chùa Bảy Ông tượng mà dân gian vùng này vẫn thường rỉ tai nhau qua các thế hệ.
Lễ hội truyền thống làng Vĩnh Gia
Với nét văn hóa truyền thống của người Việt là sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo quan điểm “tam giáo đồng nguyên”, chùa Gia được hình thành bên cạnh hai đền thờ hai vị danh tướng Tô Hiến Thành và Trần Khát Chân được xác định là xây dựng vào thế kỷ XVI, từ đây có thể hé mở phần nào lịch sử quá trình xây dựng chùa. Không gian, diện mạo kiến trúc hiện nay của chùa là kết quả của lần trùng tu sửa chữa vào năm 1998. Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian rộng thoáng: vị trí trên triền đê có thể phóng tầm nhìn sang bờ nam sông Mã, cổng Tam quan rộng lớn, vườn cây xanh thoáng mát; chùa hiện nay vẫn giữ nguyên kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ. Điểm đặc biệt trong ngôi chùa cổ này là các thế hệ sư trụ trì đã thay nhau đóng góp, giữ gìn bảo quản rất tốt nhiều di sản văn hóa có giá trị nghệ thuật của thế kỷ XVII, XIX. Với hiện trạng và những di vật còn lưu giữ được, chùa Gia đã được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 1994.
Hàng năm, nhân dân làng Vĩnh Gia thường tổ chức lễ hội Kỳ Phúc vào ngày 8 tháng 2 âm lịch. Lễ hội có những đám rước rất lớn, cờ lọng phấp phới, kèn trống tưng bừng… mang đậm nét dân gian truyền thống của làng quê Việt Nam. Lễ hội bắt đầu tại đền Tô Hiến Thành và Trần Khát Chân với các khóa lễ kính yết các vị tôn thần, nhân thần, rồi đám rước với kiệu long đình, bát cống, võng… được nhân dân trang hoàng, tôn kính xuất phát từ đây kéo theo đoàn người nô nức men theo triền đê bờ bắc sông Mã xuống chùa Gia chiêm bái, thắp hương lễ Phật cầu bình an, may mắn, rồi đám rước tiếp tục hành trình đi xung quanh làng Vĩnh Gia nhằm cầu phúc cho toàn thể nhân dân trong vùng và thập phương được ấm no, yên vui, hạnh phúc nhân dịp đầu xuân năm mới.
Trên đất làng Vĩnh Gia hôm nay, bên cạnh những giá trị di sản văn hóa được gìn giữ, phát huy; sự quần tụ đặc sắc của cả Chùa, nghè, giáo họ; người dân Vĩnh Gia hôm nay cũng đang nỗ lực xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, đưa Vĩnh Gia phát triển trên nền móng văn hóa dân tộc. Đến hết năm 2023, trên đất làng Vĩnh Gia đã có thôn Vĩnh Gia 1 đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; thôn Vĩnh Gia 2 đã hoàn thiện các tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ và chờ thẩm định thôn NTM kiểu mẫu trong quý 1/2024; thôn Vĩnh Gia 3 nỗ lực về đích thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2024.
Điều dễ nhận thấy khi đến Vĩnh Gia xã Hoằng Phượng hôm nay, đó là ta tìm thấy giá trị lịch sử – văn hóa ẩn tàng trong khối kiến trúc toàn cảnh hoành tráng, trang nghiêm nhưng bình dị với non nước hữu tình và chợ chùa mến khách; đến lễ Phật, ta nhớ đến hai vị tướng quân Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân và nhớ lại thời kỳ kháng chiến kiên cường, bất khuất của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống trả đế quốc Mỹ xâm lăng. Ở vùng đất ấy, ta còn thấy con người đang không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống hiện tại, đoàn kết một lòng, góp sức mình xây dựng Vĩnh Gia phát triển.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL
- Làng Qùy Chử xã Hoằng Qùy khai mạc Lễ hội truyền thống đầu xuân năm 2024.
- Trên đất làng Vĩnh Gia
- Di tích Quốc gia bên bờ sông Mã – Đền thờ Tướng quân Cao Lỗ xã Hoằng Giang.
- CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê – 20 năm lưu giữ và phát triển vốn tuồng cổ, trống hội.
- Nơi lưu giữ những ký ức hào hùng
- Xã Hoằng Xuân – khai mạc và tổ chức lễ hội Phủ Vàng năm 2021
- Linh thiêng đạo Mẫu nơi Phủ Vàng Linh Từ xã Hoằng Xuân
- Hội nghị tập huấn công tác phát ngôn, cung cấp và xử lý thông tin Báo chí
- Xã Hoằng Trường: Tổ chức lễ cầu an - cầu ngư năm 2021
- Đại hội Thể dục thể thao thị trấn Bút Sơn năm 2021